Khốn khổ sống chung với quy hoạch 'treo'

11/07/2018 - 08:16

PNO - Đại biểu Lê Trương Hải Hiếu (Q.12) đề nghị cần đẩy mạnh chính sách cho người dân trong vùng quy hoạch. Ông Hiếu cho rằng, việc triển khai dự án chậm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.

Hôm nay (11/7), kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân TP.HCM khóa IX bước sang ngày làm việc thứ hai. Các đại biểu sẽ nghe tổng hợp ý kiến thảo luận tổ và tiếp tục thảo luận tại hội trường. Tại kỳ họp này, cử tri đã gửi gắm nhiều tâm tư, bức xúc, trong đó có nỗi bức xúc về các dự án “treo”. 

Khon kho song chung voi quy hoach 'treo'
Cuộc sống người dân ở khu quy hoạch “treo” bị thiếu thốn nhiều mặt

Khu dân cư thành nơi… chia hàng lậu

Ông Nguyễn Văn Bánh (62 tuổi) vào ấp Nhị Tân 2, xã Tân Thới Nhì, H.Hóc Môn, TP.HCM sống từ năm 1993, sở hữu hơn 5ha đất hiện nằm trong diện quy hoạch khu đô thị Đại học Quốc tế (gọi tắt là VIUT).

Trước quy hoạch, 5ha đất được dùng để chăn nuôi, trồng trọt đủ để nuôi sống cả gia đình ông Bánh. Từ khi có quy hoạch, đất bỏ hoang, tiền đền bù chưa được nhận, cả chục năm nay, gia đình ông rất khốn khổ. Ông Bánh và nhiều người khác vẫn cố bám trụ, sống lây lất ở khu quy hoạch “treo” để chờ nhận tiền đền bù.

Cuối năm 2008, người dân ấp Nhị Tân 2 nhận được thông báo là sắp có quy hoạch dự án VIUT và được yêu cầu: ai có đất nằm trong quy hoạch thì giữ nguyên hiện trạng để đầu năm 2009, bắt đầu đền bù, thu hồi đất. Ngay sau đó, UBND H.Hóc Môn đã cử đoàn cán bộ đến đo đạc, kiểm tra hiện trạng và yêu cầu người dân ký vào biên bản đền bù giải tỏa.

Dự án VIUT do Công ty Berjaya Land Berhad làm chủ đầu tư, triển khai trên phần đất 925ha với tổng vốn đầu tư là 3,5 tỷ USD. VIUT hứa hẹn sẽ là một khu đô thị hiện đại, nơi để cho 75.000 người sống, học tập và làm việc, góp phần nâng cao đời sống người dân và phát triển kinh tế cho H.Hóc Môn. 

Khon kho song chung voi quy hoach 'treo'
Nhà dân trong khu quy hoạch “treo” chỉ tạm bợ nhưng nhiều năm nay không được xây dựng

Đến năm 2010, chính quyền địa phương và Công ty Berjaya Land Berhad đã làm xong các thủ tục đo đạc, kiểm kê đất nhưng mãi đến ngày 29/8/2013, cơ quan chức năng mới có thông báo mời các chủ đất trong dự án nhận tiền đền bù. Thông báo vừa mới đến tay, tiền đền bù chưa kịp nhận thì cơ quan chức năng lại đột ngột ra thông báo hủy bỏ việc đền bù.

Từ đó đến nay, chủ đầu tư cũng “bặt vô âm tín” và người dân cũng không nghe cơ quan chức năng nhắc đến việc đền bù nữa. Trong khi đó, người dân địa phương rơi vào cảnh vô cùng khốn đốn, đất không canh tác được, bán cũng không xong, “đất vàng” biến thành “đất chết”.

20 năm trước, gia đình bà Thạch Thị Thu (52 tuổi) từ tỉnh Trà Vinh đến ấp Nhị Tân 2 lập nghiệp. Cần mẫn làm ăn, gia đình bà cũng có được vài héc-ta đất để sản xuất. Từ khi có dự án nêu trên, gia đình bà Thu phải giữ nguyên hiện trạng, chờ đền bù. Gần chục năm qua, gia đình bà bám trụ lại mảnh đất trong tình trạng thiếu nước sạch nghiêm trọng do nguồn nước nhiễm phèn. Không chỉ vậy, do sống trong vùng đất bỏ hoang, ô nhiễm, gia đình bà quanh năm đối mặt với dịch bệnh.

Đất trống, bỏ hoang nhiều năm trở thành địa bàn thuận lợi cho buôn lậu, trộm cắp hoành hành. Theo người dân địa phương, vùng đất hoang của ấp Nhị Tân 2 thường xuyên được các đối tượng chở hàng lậu dùng làm nơi “xé nhỏ” hàng để đưa vào trung tâm thành phố. Chị Thái (32 tuổi, ngụ tại ấp này) cho hay: “Cực chẳng đã, chúng tôi mới đi ra đường vào ban đêm. Nhà dân sống thưa thớt, ai cũng sợ gặp cướp”.

Theo chính quyền địa phương, có khoảng 200 hộ dân của ấp Nhị Tân 2 bị ảnh hưởng bởi dự án “treo”. Người dân ở đây khó khăn trăm bề trong việc sinh hoạt, học hành, giao tiếp. Không chỉ vậy, do sống trong vùng thuộc diện quy hoạch nên việc chứng nhận các loại giấy tờ cũng rất khó khăn. Ban nhân dân ấp đã nhiều lần phản ánh thực trạng lên các cấp nhưng vấn đề căn cơ là khi nào dự án tái khởi động thì không ai trả lời được.

“Ngâm” dự án hơn 20 năm

Hàng trăm hộ dân ở xã Lê Minh Xuân, H.Bình Chánh, TP.HCM cũng rất bức xúc vì dự án khu đô thị Sing - Việt bị “treo” hơn 20 năm qua. Theo đó, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị Sing - Việt có chủ trương quy hoạch từ năm 1997, với diện tích hơn 331,15ha. Đến năm 2007, UBND TP.HCM đã ra quyết định thu hồi toàn bộ khu đất để giao cho Công ty liên doanh đô thị Sing - Việt làm chủ đầu tư.

Khon kho song chung voi quy hoach 'treo'
Mùa mưa những căn nhà ở khu quy hoạch treo bị ngập nước, ô nhiễm

Dự án có 571 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó 246 hộ có nhà bị giải tỏa trắng, 297 hộ có đất thuần nông nghiệp, còn lại là đất rừng phòng hộ, đất xen kẽ trong khu dân cư. Thế nhưng, từ đó đến nay, dự án không có dấu hiệu khởi động. “Có quy hoạch nên chúng tôi phải giữ nguyên hiện trạng, nhà hư cũng không được xây dựng, sửa chữa. Ở khu quy hoạch “treo” thì thiếu thốn đủ thứ, nhưng chúng tôi vẫn phải bám trụ chứ chưa biết đi đâu, vì tiền đền bù chưa có” - chị Lê Thu, một cư dân có nhà trong khu quy hoạch “treo” này, ngao ngán kể.

Được biết, cuối năm 2016, UBND TP.HCM đã có văn bản gửi UBND H.Bình Chánh yêu cầu khẩn trương giải quyết các vướng mắc và kiến nghị của Công ty TNHH đô thị Sing - Việt trong triển khai dự án khu đô thị Sing - Việt và khu tái định cư Sing - Việt tại xã Lê Minh Xuân.

Theo đó, UBND H.Bình Chánh phải hoàn tất thủ tục bàn giao 63,8ha đất cho nhà đầu tư trước ngày 1/10/2016 để chuẩn bị mặt bằng cho việc khởi công xây dựng hạ tầng khu tái định cư Sing - Việt. UBND TP.HCM cũng yêu cầu Hội đồng Thẩm định bồi thường TP.HCM hỗ trợ H.Bình Chánh xác định điều kiện để được bồi thường, hỗ trợ đối với các hộ dân nhận khoán, thuê đất của nông trường Láng Le. Thế nhưng, đến nay, dự án này vẫn im lìm. 

Đừng để quyền lợi của dân “treo” theo dự án

Chiều 10/7, trong phiên thảo luận tổ tại kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân TP.HCM khóa IX, đại biểu (ĐB) Lê Trương Hải Hiếu (Q.12) đề nghị cần đẩy mạnh chính sách cho người dân trong vùng quy hoạch. Ông Hiếu cho rằng, việc triển khai dự án chậm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Ông đề nghị, khi nào chưa có quyết định thu hồi đất thì phải đảm bảo các quyền lợi của người dân như khi chưa có quy hoạch; ngược lại, người dân cũng phải cam kết với chính quyền, khi nào thu hồi thì phải giao đất.

ĐB Huỳnh Ngọc Nữ Phương Hồng (Q.5) cho rằng, nhiều con đường dự phóng trên địa bàn quận đã có từ hàng chục năm nay nhưng vẫn chưa triển khai - như tuyến Lê Hồng Phong, Nguyễn Tri Phương - đã khiến giá nhà đất tại đây rất thấp so với thị trường, việc thế chấp tài sản cũng khó khăn, rất thiệt thòi cho dân. Bà Hồng đề nghị, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện và nói rõ tiến độ, thời gian thực hiện để người dân yên tâm; còn nếu không có khả năng thực hiện thì cần điều chỉnh để không “treo” quyền lợi của dân.

ĐB Trần Hải Yến (H.Nhà Bè) thông tin: dự án cầu Phước Lộc có từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn chưa xong khâu bồi thường. Bà đề nghị chính quyền thành phố cần có cách làm mới phù hợp hơn, cần tập trung giải quyết những dự án, công trình ì ạch, kéo dài. Một ĐB ở Q.Gò Vấp đề nghị, các cơ quan chức năng cần có câu trả lời sớm cho người dân trong khu quy hoạch “treo” Ấp Doi (gần 70ha, hiện đã giải tỏa hơn 70%). Người dân trong khu này sống rất nhếch nhác. 

Vị ĐB này thông tin, dân số Q.Gò Vấp tăng nhanh, thiếu trường lớp, dự án xây dựng trường lại vướng đền bù do giá đền bù cho đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư thấp. Do đó, cần có chính sách đền bù thích hợp cho người dân. Một ĐB đến từ Q.6 phản ánh: chất lượng nhà tái định cư vẫn chưa làm cho dân an tâm. 

 Quỳnh Mai

 Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI