Khói, bụi xe gây nhiều bệnh tật

03/01/2017 - 12:00

PNO - Sở GTVT TP.HCM vừa báo cáo với lãnh đạo TP.HCM về tình trạng ô nhiễm môi trường do các hoạt động giao thông gây ra ở mức báo động.

Bên cạnh đó kiến nghị Thủ tướng sớm thông qua đề án của Bộ GTVT về kiểm soát khí thải đối với xe máy.

Nhìn nhận về vấn đề này, BS Huỳnh Tấn Tiến - chủ tịch Hội Y học dự phòng TP.HCM, nguyên giám đốc Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường TP.HCM - nói khí thải từ xăng dầu và bụi bặm do xe cộ gây ra ảnh hưởng rất lớn đến đường hô hấp của người dân.

Trong khí thải xăng dầu còn có những chất rất độc, có thể gây ung thư hoặc gây kích thích như benzen, acid H2S, CO, cacbon... Một số chất độc khác còn có thể ngấm vào máu gây ảnh hưởng đến toàn cơ thể.

Khoi, bui xe gay nhieu benh tat
Một chiếc xe buýt nhả khói đen kịt trên đường Phan Đăng Lưu, Q.Phú Nhuận, TP.HCM.

Người già, trẻ em đang mắc các bệnh hô hấp mãn tính như bệnh phổi tắc nghẽn, bệnh hen suyễn... khi hít phải nhiều khí thải độc hại từ xe cộ dễ có nguy cơ làm bệnh bùng phát, thậm chí tử vong do chít hẹp đường thở nếu không có thuốc cắt cơn hoặc đi cấp cứu kịp thời.

Ho cả đêm vì hít khói

Anh Hưởng, một người chạy xe ôm khu vực bến xe An Sương (Q.12, TP.HCM), cho hay hít khói, ngửi bụi, nghe còi xe ù tai là chuyện thường ngày ở đây. “Chạy xe suốt ở ngoài đường, hít khói xe riết tối về bị ho lụ khụ hằng đêm”.

An Sương là một trong những cửa ngõ có mật độ xe cộ đông nhất TP và đương nhiên tình trạng khói bụi, tiếng ồn cũng thuộc hàng vô đối.

Ở các giao lộ cửa ngõ vào TP.HCM như ngã tư Bà Điểm, ngã tư Gò Mây, ngã tư Bình Phước... hay những trục đường nội ô như Cộng Hòa, Trường Chinh, Cách Mạng Tháng Tám, Điện Biên Phủ, Ba Tháng Hai, Kinh Dương Vương... có mật độ xe lưu thông cao và thường xuyên bị ùn ứ thì tình trạng khói bụi, tiếng ồn cũng diễn ra tương tự.

Trưa 2-1, đường Nguyễn Văn Linh đoạn từ đường Huỳnh Tấn Phát (Q.7) đến quốc lộ 1 (H.Bình Chánh), dù giữa trưa nắng gắt nhưng trên đường luôn có một lớp khói bụi mờ ảo.

Tại các giao lộ, khi xe cộ dừng đèn đỏ thì màn khói bụi đậm đặc hơn. Một số xe container, xe buýt... nhả khói đen, tiếng động cơ xe cùng sự rung lắc của rơmooc luôn “rầm rầm” trên đường. Người đi xe máy, người dân buôn bán hai bên đường thường phải đeo khẩu trang kín mít.

Bà Nguyễn Thị Hai (59 tuổi), vừa đeo khẩu trang vừa bán nước gần giao lộ Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh, cho biết chịu ồn thì quen nhưng khói bụi xe cộ ngột ngạt thì phải đeo khẩu trang, không đeo chịu không thấu.

Trên đường Huỳnh Tấn Phát hướng từ H.Nhà Bè về Q.4, khi những chiếc xe bồn chở xăng dầu đi qua thì người dân dù có đeo khẩu trang hay không cũng phản xạ “bịt mũi che miệng” trước những đợt khói đen cuồn cuộn.

Khoi, bui xe gay nhieu benh tat
Xe máy xả khói trên đường Lý Chính Thắng, Q.3, TP.HCM trưa 2-1.

Tại giao lộ Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh, ông Lâm Văn Năm (63 tuổi), hành nghề xe ôm, chia sẻ: “Tôi chạy xe ôm nhiều năm qua quanh khu vực này, phải luôn mang khẩu trang, đeo kính. Mấy lần ho quá, đi khám bác sĩ nói bị bệnh hô hấp, chắc vì hít khói bụi xe”.

Cần sớm kiểm soát khí thải xe máy

Trước tình hình ô nhiễm khói bụi xe tới mức báo động, Sở GTVT TP kiến nghị Thủ tướng sớm thông qua đề án kiểm tra khí thải xe máy do Bộ GTVT xây dựng. Theo đó, có lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với môtô có dung tích từ 175cm3 trở lên trong giai đoạn 2018-2020, làm tiền đề để áp dụng cho các dòng xe khác.

Một lãnh đạo Cục Đăng kiểm VN cho biết hiện đang rà soát để đưa ra lộ trình về thời gian thực hiện, chọn loại xe (động cơ, thời gian sử dụng 10 năm hoặc 20 năm) đưa vào diện kiểm tra khí thải xe máy.

Đồng thời, chọn một số tỉnh, TP có số lượng xe máy nhiều nhất đưa vào đề án kiểm tra khí thải xe máy. Biện pháp trên sẽ không gây xáo trộn nhiều trong thời gian đầu thực hiện, sau đó sẽ kiểm tra đại trà.

Theo GS Lê Huy Bá (chủ tịch hội đồng khoa học Viện khoa học công nghệ và quản lý môi trường, Đại học Công nghiệp TP.HCM), chỉ kiểm soát khí thải xe máy thôi thì chưa đủ mà cần nhiều giải pháp đồng bộ, kể cả từ chính phía người dân.

“Phải có giải pháp điều tiết giao thông sao cho thông thoáng hơn, không còn ùn tắc để giảm thời gian xe lưu thông trên đường, từ đó giảm lượng khói bụi thải vào không khí, giãn mật độ dân cư, hạn chế xe cộ vào nội ô” - GS Bá đề xuất.

Với tình trạng như hiện nay, theo GS Bá, người dân khi đi đường cần tập thói quen ứng xử văn minh là đi có trật tự, dừng chờ đèn lâu thì tắt máy xe và hạn chế bấm còi xe... Bằng không vẫn sẽ chịu kẹt xe, chôn chân giữa đường, chẳng những “mình làm mình chịu” mà còn khổ lây người khác.

Ảnh hưởng cả thể chất lẫn tinh thần

BS Huỳnh Tấn Tiến cho rằng tiếng ồn do xe cộ, do sinh hoạt hằng ngày tuy không gây điếc nhưng ảnh hưởng rất nhiều về mặt tinh thần, tâm sinh lý của con người.

Về mặt tâm sinh lý, khi bị tiếng ồn “tra tấn”, người ta dễ bị nhức đầu, khó chịu, mất ngủ, bị hội chứng suy nhược thần kinh, hay quên, dễ cáu gắt...

Về mặt sức khỏe, tiếng ồn còn gây tác động lên hệ thần kinh thực vật, gây tăng tiết một số chất không có lợi trong cơ thể, làm cho thần kinh bị kích thích khiến người ta hồi hộp, tim đập nhanh, tăng huyết áp, đổ mồ hôi, thậm chí có thể gây đau dạ dày. Tác hại của khí thải thì đã rõ.

Để hạn chế tiếng ồn và ô nhiễm không khí, BS Tiến cho rằng điều đầu tiên là mỗi người dân phải luôn ý thức, tự giác thực hiện các quy định hạn chế về tiếng ồn để không ảnh hưởng đến cuộc sống của người xung quanh.

Thực tế một số người khi chạy xe còn nẹt pô, bóp còi xe ầm ĩ, liên tục... gây tiếng ồn quá mức nhưng chưa có ai nhắc nhở, xử lý.

Về mặt phòng tránh các chất độc hại từ khí thải, bụi đường gây ra, mỗi người có thể tự trang bị và đeo khẩu trang khi ra đường để hạn chế việc đường hô hấp bị hít phải quá nhiều khí thải độc hại cũng như bụi bặm.

Ngoài ra, khi dừng xe ở ngã tư trên 25 giây thì nên tắt máy để giảm tiếng ồn và khí thải độc hại ra môi trường.

Ô nhiễm tăng

Ông Bùi Xuân Cường, giám đốc Sở GTVT, cho biết số liệu quan trắc ô nhiễm không khí quý 2-2016 ở TP.HCM cho thấy tại nhiều vị trí có nồng độ các chỉ tiêu tăng so với cùng kỳ năm 2015.

Cụ thể, 7/15 vị trí có CO tăng 1,11 - 2,18 lần; 11/15 vị trí có bụi tăng 1,02 - 1,64 lần; 8/15 vị trí có NO2 tăng 1,02 - 1,31 lần. Trong khi đó, ô nhiễm tiếng ồn chủ yếu do xe cộ gây ra, chiếm tỉ lệ 97,64% so với tất cả hoạt động khác gây ra.

Theo kết quả quan trắc mức ồn trung bình trong quý 2-2016 tại 19 vị trí quan trắc dao động từ 51,95 - 81,30 dBA, với 58,92% giá trị quan trắc không đạt QCVN.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI