Khi phụ nữ được "tiếp lửa"

23/09/2016 - 06:42

PNO - Sáng 21/9, lãnh đạo TP.HCM đã có cuộc gặp gỡ thân tình với 150 phụ nữ (PN) là các cán bộ Hội LHPN, PN tiêu biểu trên các lĩnh vực.

Sáng 21/9, lãnh đạo TP.HCM đã có cuộc gặp gỡ thân tình với 150 phụ nữ (PN) là các cán bộ Hội LHPN, PN tiêu biểu trên các lĩnh vực. Phát biểu tại cuộc gặp, bà Tô Thị Bích Châu, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM khẳng định: “Đây là dịp để chị em PN trên các lĩnh vực thể hiện tình cảm, trách nhiệm của người dân, thể hiện tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, hiến kế, tạo điều kiện để PN ngày càng phát huy tiềm năng, thế mạnh, đóng góp hiệu quả, xứng tầm hơn vào sự phát triển chung của TP”.

Làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần

NSƯT Ca Lê Hồng đã mở đầu bằng việc đề xuất lãnh đạo cần quan tâm, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, có sàn diễn xứng tầm với TP để phát huy các loại hình văn hóa dân tộc truyền thống; quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật đến với các tầng lớp nhân dân và sinh viên, học sinh…

Thực tế, nhiều tác phẩm có giá trị, đạt giải thưởng cao trong các hội thi, đã không đến được với công chúng vì không có sân khấu diễn, thiếu kinh phí đầu tư, dàn dựng.

Nội dung đề xuất này được ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP đồng cảm: “Có lần tôi tiếp xúc cử tri, đã nghe người dân ngay Q.1 phản ánh là họ không có một sân khấu kịch, cải lương nào để xem… Thực tế Nhà hát Trần Hữu Trang đã khánh thành nhưng không đáp ứng được nhu cầu sử dụng, nhà hát kịch không có, sân khấu hát bội cũng không, muốn liên hoan đờn ca tài tử cũng không tìm được nơi tổ chức. Vậy người dân hưởng thụ văn hóa tinh thần ở đâu? Làm sao cuộc sống tinh thần phong phú được?”. Theo ông Phong, hiện TP đã có kế hoạch xây dựng thêm các công trình gồm nhà hát cải lương, trung tâm ca nhạc nhẹ, nhà hát kịch giao hưởng…

Khi phu nu duoc
Sáng 21/9, lãnh đạo TP.HCM đã có cuộc gặp gỡ thân tình với 150 phụ nữ (PN) là các cán bộ Hội LHPN, PN tiêu biểu trên các lĩnh vực.

Góp ý về việc xây dựng các công trình văn hóa, ThS Nguyễn Thị Khánh Tâm, nguyên Tổng biên tập báo Phụ Nữ và bà Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cùng kiến nghị cần quan tâm đến những người già, xây dựng nhà văn hóa, nơi dưỡng lão phù hợp.

Bà Nguyễn Thị Hoa Lệ, Tổng giám đốc Công ty du lịch Hòa Bình đề xuất tăng cường phát triển du lịch đường sông để giới thiệu văn hoá TP với du khách. Với những ý kiến này, ông Nguyễn Thành Phong đề nghị các đơn vị liên quan xây dựng đề án, gửi UBND TP. Ông Phong chia sẻ: “Điều mà chính lãnh đạo cũng khổ tâm là chúng ta chưa có một công trình văn hóa nào xứng tầm TP”.

Trăn trở về giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực

TS Hoàng Hồng Hà, Trưởng khoa Quan hệ quốc tế và truyền thông, Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM cho rằng: “Trong chương trình của TP có giải pháp chủ yếu là hỗ trợ các trường đầu tư cơ sở vật chất; nhưng hỗ trợ này phải song song với giải pháp quản lý dài hạn, sử dụng cho mục tiêu giáo dục đào tạo, đảm bảo dù trải qua các biến động như mua bán, sáp nhập, giải thể, chuyển đổi loại hình… phần hỗ trợ, đầu tư của TP vẫn không tiêu biến...”.

Theo TS Hà: “Khoảng cách chất lượng đào tạo của hai hệ thống công lập và ngoài công lập đang nhích lại gần nhau, không hẳn do chất lượng của các trường ngoài công lập tăng lên, mà do chất lượng của các trường công lập có phần bị nới lỏng quản lý. Ưu thế của các ĐH công là đầu vào chất lượng cao, phù hợp với mục tiêu đào tạo định hướng nghiên cứu. Các hệ đào tạo đa dạng mở ra trong ĐH công: hệ ngoài ngân sách, liên kết quốc tế… lấy điểm đầu vào thấp, nhưng đóng học phí cao. Do vậy, từ việc dịch chuyển một số cán bộ giảng dạy ưu tú sang các lớp này, bộ phận sinh viên chính quy có thể không còn được hưởng quyền lợi từ việc được đào tạo và chăm sóc đầy đủ, dẫn đến nguồn nhân lực được đào tạo từ các ĐH công không còn đảm bảo chất lượng...”.

Bên cạnh đó TS Hà còn đề cập đến một số bất cập về hệ thống, tiêu chí đánh giá quy chuẩn, chất lượng giáo dục, đề xuất TP kiến nghị Chính phủ cho TP.HCM cơ chế riêng.

Về ý kiến này, ông Nguyễn Thành Phong thông tin, đầu tháng 10/2016, TP sẽ ra mắt Hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH-CĐ, qua đó, tập hợp đề xuất từ các trường, cùng kiến nghị đến Bộ GD-ĐT. NHỮNG NỖI LO Nếu như bà Trần Thị Thanh Hương, chi hội trưởng Chi hội PN KP.1, P.8, Q.11 và bà Nguyễn Thị Bích Thủy, chi hội KP.4, P.14, Q.Gò Vấp đề xuất cần có những giải pháp đồng bộ trong phòng, chống bạo lực gia đình, thì nữ NSƯT Kim Xuân lại trăn trở với bạo lực và bóc lột sức lao động trẻ em.

NSƯT Kim Xuân nói: “Trẻ em bị đòn roi của cha mẹ, bị bắt lao động sớm ở khắp nơi. Nhiều bậc cha mẹ mặc nhiên coi việc bóc lột sức lao động con là quyền của mình, đẩy các em ra đường kiếm sống. Nên chăng ngay từ trong giáo dục nhà trường, chúng ta phải trao cho các em quyền yêu cầu pháp luật can thiệp, hỗ trợ?”.

Nhà văn Trầm Hương thì băn khoăn về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm: “Phụ nữ chúng tôi luôn lo lắng, bất an về vệ sinh an toàn thực phẩm, bên cạnh nỗi lo cơm áo gạo tiền. Đồng lương thấp, việc thu vén cho gia đình đã khó, giờ thêm việc đề phòng thực phẩm bẩn, thì còn thời gian đâu cho cảm xúc nghệ thuật thăng hoa, cho việc tạo ra tác phẩm?”.

Nhà văn Trầm Hương nói thêm: “Được biết TP có bảy chương trình đột phá, chúng tôi chỉ cần những đột phá đơn giản, gắn với bữa cơm gia đình, với sự an toàn cho con, bình an cho mẹ. Xin hãy giao cho Hội Phụ nữ một vị trí hẳn hòi trong khâu an toàn vệ sinh thực phẩm. PN từng làm được việc quan trọng này, minh chứng sống động là sự đột phá của chị Ba Thi cuối thập niên 80 thế kỷ trước, đưa hạt gạo đồng bằng sông Cửu Long đi khắp mọi miền đất nước và xuất khẩu. Theo tôi, bữa ăn gia đình an toàn mà mình còn không lo nổi thì làm sao đột phá được điều gì đó lớn lao hơn?”.

Khi phu nu duoc
Ảnh: Phùng Huy

Kết luận buổi gặp gỡ, ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP.HCM nói: “Lãnh đạo TP thấu hiểu nỗi lo hằng ngày hằng giờ của các chị em khi phải đối mặt với ô nhiễm môi trường, ùn tắc, tai nạn giao thông, ngập nước, quá tải bệnh viện, quá tải trường học, thực phẩm bẩn… Tuy nhiên, cần bình tĩnh để nhận thức rằng không thể giải quyết bất cứ công việc nào nếu chỉ bằng sự bức xúc, mà cần sự tập trung trí tuệ, trách nhiệm và tình yêu thương con người...”.

Ông Thăng cho biết, trong hai ngày 24 và 25/9, Thành ủy TP.HCM sẽ tổ chức hội nghị bàn về các giải pháp thực hiện bảy chương trình đột phá của TP. Ông đề nghị các quận huyện, sở ngành phải quan tâm đến từng ý kiến đề xuất trong cuộc gặp gỡ này và tìm hướng giải quyết, phản hồi trên tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Ông nhấn mạnh: “Các chương trình đột phá của TP đều gắn với PN, cụ thể là gắn với phát triển kinh tế gia đình, thực hiện chủ trương bình đẳng giới. Những đề xuất, kiến nghị của các chị liên quan đến bình đẳng giới, đến chế độ, chính sách, chúng tôi sẽ gửi đến Chính phủ, Quốc hội; những sáng kiến, đóng góp liên quan sẽ đưa vào cơ chế thực hiện các chương trình đột phá của TP. Tôi hy vọng cuộc gặp gỡ hôm nay sẽ “tiếp lửa” cho PN để các chị tiếp tục vai trò quan trọng của mình trong sự phát triển TP”.

Thành phố phải có trách nhiệm “gỡ” những mối lo về giáo dục

Tôi không bàn việc cấm dạy thêm, học thêm (DT-HT), bởi dư luận đã rất nhiều, một đằng cho rằng nên cấm, một bên lại bảo nên cho, bên nào cũng có những lý lẽ riêng… TP xác định việc “cấm” này là vì học sinh (HS). Đúng, đối tượng chúng ta quan tâm phải là HS.

Nhưng, trước khi ban hành quyết định, TP đã có những khảo sát khoa học chưa? Việc DT-HT này bao nhiêu phần trăm là nhu cầu của HS, phụ huynh, bao nhiêu phần trăm là do bị ép buộc? Chúng ta không khảo sát xem phải chăng nguyên nhân chính là từ sự quản lý yếu kém?

Đầu tiên là sự yếu kém của ban giám hiệu: để giáo viên lạm quyền, đối xử bất công với HS không học thêm; sự yếu kém của sở ngành khi để các trường tổ chức DT trá hình, sự yếu kém của Bộ khi không đưa ra được chương trình đào tạo, vận hành và theo dõi quản lý hợp lý. Điều cốt lõi là việc con cháu chúng ta đang phải hứng chịu chuyện học hành quá tải, đánh mất tuổi thơ.

Hiện nay, dù cấm DT, các em cũng không hề được giảm tải bởi chương trình giáo dục nặng nề. Thầy cô giáo chạy theo giáo án, theo chương trình, các trường đua theo thành tích… Trẻ được gì, thiệt thòi gì qua từng quyết định, chủ trương của chúng ta bổ sung môn học này, bắt buộc trẻ có thêm kỹ năng kia?

Trong khi đó, nhiều chương trình đào tạo, thiết kế và giảng dạy hời hợt, không đến nơi, đến chốn. Không thể nào viện đủ thứ lý do để con em chúng ta phải còng lưng cõng chữ như vậy. TP phải có trách nhiệm gỡ vấn đề này, chấn chỉnh ngay từ khâu quản lý.

TS Lê Thị Linh Trang (Trưởng khoa Đại cương, Học viện Cán bộ TP.HCM)

Trẻ bị xâm hại dưới nhiều hình thức

Tôi đồng cảm với ý kiến của NSƯT Kim Xuân: “Trẻ em hôm nay bị bạo hành nhiều quá”. Đáng báo động hơn, các em bị xâm hại dưới nhiều hình thức, từ bị chửi mắng, đánh đập, không cho đi học, buộc lao động sớm… cho đến những trẻ bị xâm hại tình dục.

TP đã nhận ra lỗ hổng: từ khi Ủy ban Chăm sóc bảo vệ trẻ em TP bị giải thể, mỗi lần muốn quy trách nhiệm cho ai về việc gì đó thì lại cứ loay hoay. Nhưng theo tôi, cách trả lời này chưa thuyết phục. Hiện TP đã có 322 cán bộ làm công tác trẻ em ở cấp xã, phường, được ngành lao động-thương binh và xã hội quản lý. Vai trò của các cán bộ đó ra sao mà để cho vấn nạn này liên tục xảy ra? Hay các cán bộ này thiếu năng lực, kém chuyên môn, phải kiêm nhiệm quá nhiều công việc, chăm lo trẻ em không xuể? TP phải rà soát và chấn chỉnh lại điều này.

LS Vũ Thị Hoài Vân (Phó trưởng Văn phòng Trợ giúp pháp lý miễn phí cho phụ nữ số 6)

 Nghi Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI