Khi niềm tin bị ô nhiễm

15/10/2019 - 17:06

PNO - Những ngày vừa qua, khi gió mùa đã phần nào giúp không gian Hà Nội bớt ô nhiễm bụi, bầu không khí của thành phố vẫn chìm ngập trong lo âu và hồ nghi.

Nguồn nước ăn uống, sinh hoạt của hàng triệu cư dân thành phố có an toàn hay không? Nếu không an toàn, thậm chí độc hại thì mức độ thế nào, người dân có nên tiếp tục sử dụng?

Đã một tuần kể từ ngày người dân phát hiện dấu hiệu bất thường từ nguồn cấp nước sạch, tất cả những câu hỏi trên mới bắt đầu có câu trả lời.

Khi niem tin bi o nhiem
Công ty Cổ phần nước sạch Sông Đà (Viwasupco) phát hiện việc đổ trộm dầu thải từ ngày 8/10 nhưng không báo cáo, không có hành động ngăn chặn dầu, để dầu trôi vào nhà máy

Ngày 8/10, những thông tin đầu tiên về mùi khét trong nguồn nước sinh hoạt của người dân Hà Nội bắt đầu xuất hiện. Chính quyền thành phố lặng im.

Ngày 10/10, báo chí bắt đầu lên tiếng về hiện tượng bất thường này. Chính quyền thành phố vẫn tiếp tục im lặng.

Chiều 11/10, đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố mới được thành lập để lấy mẫu nước xét nghiệm.

Và đến chiều 15/10, tức là đúng 1 tuần sau, chính quyền thành phố lần đầu họp báo để thông tin về vụ việc, đồng thời cũng lần đầu khuyến cáo người dân không nên dùng nguồn nước từ nhà máy nước Sông Đà để nấu ăn.

Tại sao người dân không nhận được bất cứ khuyến cáo nào của chính quyền thành phố, khi sự an toàn của mình bị đe dọa, trong suốt một tuần qua, mà phải đến hôm nay?

Khi niem tin bi o nhiem
Những độc tố nào đã có thể đi vào nguồn nước sinh hoạt của người dân TP.Hà Nội?

Chủ tịch TP.Hà Nội - ông Nguyễn Đức Chung - cho rằng, trách nhiệm thuộc về công ty cấp nước Sông Đà, khi phát hiện ô nhiễm đã không có báo cáo. Hẳn nhiên, trách nhiệm của công ty cấp nước Sông Đà là không phải bàn cãi. Nhưng trách nhiệm của chính quyền thành phố trong chuyện này như thế nào?

Nước sạch là nhu cầu thiết yếu, nhưng việc giám sát các nguy cơ mất an toàn nguồn cung cấp nước sạch lại phụ thuộc hoàn toàn vào sự tự giác báo cáo của doanh nghiệp.

Trong trường hợp xấu, nếu đơn vị cung cấp nước cố tình che giấu các nguy cơ và mức độ ô nhiễm lớn hơn, điều gì sẽ xảy ra khi mà phản ứng của chính quyền thành phố quá chậm trễ, chỉ khuyến cáo sau khi phát hiện dấu hiệu bất thường đến một tuần lễ?

Ngay sau khi phát hiện mùi lạ trong nước sinh hoạt, nhiều hộ dân ở Hà Nội đã chủ động mua nước bình để dùng, thay cho nguồn nước từ nhà máy. Nhưng không phải gia đình nào ở Hà Nội cũng có điều kiện để tự vệ như thế. Điều gì sẽ xảy ra nếu người dân bị nhiễm độc từ nguồn nước?

Công ty cấp nước có thể sẽ phải trả giá vì sự vô trách nhiệm lần này. Song sự an toàn tính mạng của người dân không thể được đảm bảo bằng sự trả giá của một doanh nghiệp. Người dân chỉ có thể được an toàn khi chính quyền thành phố có trách nhiệm và có khả năng ứng phó một cách phù hợp, kịp thời với các nguy cơ mất an toàn đối với người dân.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội tuyên bố sẽ điều tra trách nhiệm của công ty cấp nước Sông Đà. Có thể, ai đó sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự vì sự cố nghiêm trọng này và điều đó sẽ mang lại đôi chút hả lòng cho các nạn nhân. Nhưng, sự hả dạ ấy không giúp giải độc tố đã nhiễm vào cơ thể của người dân sau một tuần sử dụng nước độc. Và, sự hả dạ ấy cũng không giúp giữ niềm tin của người dân về việc mình sẽ được bảo vệ bởi một chính quyền thành phố luôn đầy... kiên nhẫn trước nỗi lo lắng của người dân.

Ô nhiễm nguồn nước, có thể chưa lập tức dẫn đến chết người. Nhưng khi niềm tin của nhân dân vào trách nhiệm của chính quyền thành phố bị ô nhiễm bởi sự chậm trễ và thờ ơ, niềm tin ấy có thể sẽ qua đời.

Phạm Trung Tuyến

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI