Khi nhà khoa học kinh doanh

01/09/2018 - 06:00

PNO - Mang khoa học ứng dụng vào đời sống, từ đó sản xuất ra những sản phẩm tốt có sức cạnh tranh trên thị trường đang là xu hướng của nhiều nhà khoa học hiện nay.

Khi khởi nghiệp, nhà khoa học có lợi thế về kiến thức chuyên môn và đam mê dấn thân nhưng lại thiếu kinh nghiệm kinh doanh. Một số may mắn tìm được bạn đồng hành thuộc nhiều lĩnh vực để bổ sung cho nhau đã trụ được, phát triển làm nên những sản phẩm “made in Vietnam” không thua gì thế giới.

Mắc kẹt... kiến thức kinh tế

Năm 2012, một nhóm nhà khoa học quyết định thành lập Công ty cổ phần Công nghệ Gen-Viet Tất Thành, mang khoa học ứng dụng vào đời sống, để từ đó sản xuất ra những sản phẩm có sức cạnh trạnh trên thị trường thế giới. Sản phẩm thành công đầu tiên của nhóm là trà khổ qua Karantina. Không chỉ làm việc ngày đêm trong phòng thí nghiệm, nhóm còn phủ xanh hàng chục héc-ta đất đồi để ứng dụng các nghiên cứu về công nghệ sinh học vào thực tế... Nhưng sau ba năm, việc kinh doanh bế tắc, công ty gặp khó khăn, phải bán cổ phần cho một nhà đầu tư khác. 

Khi nha khoa hoc kinh doanh
Chị Nguyễn Thu Hồng (bìa trái) tại cuộc thi khởi nghiệp

Hầu hết các thành viên trong nhóm Gen-Viet đều là các giảng viên đại học như: tiến sĩ Lê Quang Nguyên, tiến sĩ Tạ Văn Quang, thạc sĩ Phan Quốc Tâm, thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Tuyết… Họ luôn trăn trở với con đường đưa các nghiên cứu khoa học vào thực tiễn.

“Chúng tôi cảm thấy xót xa khi hầu hết các đề tài được nghiên cứu xong đều cất vào thư viện. Có rất ít đề tài được đưa ra ứng dụng, chuyển giao để sản xuất ra sản phẩm trong khi nhu cầu thị trường vô cùng lớn”, thạc sĩ Ngọc Tuyết chia sẻ. Việt Nam có lợi thế rất lớn về cây cỏ mang dược tính. Gen-Viet không muốn thị trường thực phẩm chức năng rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài, chúng ta phải bán nguyên liệu thô với giá rẻ, rồi nhập lại thành phẩm với giá đắt đỏ. Gen-Viet tin rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể nghiên cứu và sản xuất được các sản phẩm tốt cho sức khỏe với chất lượng hoàn toàn ngang với thế giới. 

Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện giấc mơ lớn, việc nghiên cứu thuận lợi nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm kênh phân phối và hoạch định tài chính. Do toàn người làm khoa học nên không có kiến thức về kinh tế. Ngay cả việc định giá sản phẩm cũng chỉ dựa trên kinh nghiệm, nên chỉ dựa trên chi phí sản xuất chứ quên tính đến chi phí bán hàng, marketing... Việc định giá sai cho sản phẩm đã gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh tiếp thị về sau.

“Vừa lo tìm kiếm thị trường, vừa liên tục phải bù lỗ cho sản phẩm trà bằng các khoản thu khác, tôi cảm thấy mệt mỏi vì không tìm được giải pháp giải quyết khó khăn. Chính vì vậy, chúng tôi đã không thể tiếp tục đi cùng nhau”, một thành viên của Gen-Viet cho biết.

Cũng như Gen-Viet, Nguyễn Thu Hồng, người sáng lập chả cá Kamaboko cũng là một nhà nghiên cứu khởi nghiệp kinh doanh. Năm 2016, Thu Hồng gây ấn tượng tại cuộc thi khởi nghiệp Startup Wheel không chỉ vì giải thưởng “Nữ sáng lập xuất sắc nhất” mà còn vì chị là thí sinh đang mang thai gần đến ngày sinh. Giấc mơ của chị là mang sản phẩm chả cá ngon, sạch cho người tiêu dùng Việt, nhất là trẻ em.

Khi nha khoa hoc kinh doanh
Xưởng sản xuất thanh long sấy Công ty TNHH Lavite

“Người ta nói chắc tôi bị… điên. Vì tốt nghiệp Trường đại học Tokyo danh tiếng lại đi bán chả cá”, Thu Hồng nói với nụ cười hết cỡ. “Tôi nhìn thấy Nhật Bản luôn tạo ra những sản phẩm ngon và tốt nhất cho dân tộc mình. Tại sao tôi không thể làm điều này cho dân tộc tôi? Thế hệ tương lai của Việt Nam đang phải sử dụng thực phẩm bẩn thì những chiến lược đưa nông sản sạch ra thế giới liệu có ý nghĩa gì?”.

Tất nhiên, chọn nghiệp kinh doanh thay vì yên vị với công việc nghiên cứu ở Viện Hải dương học Nha Trang, Thu Hồng phải chịu nhiều lời ra tiếng vào, thậm chí bị gia đình, cấp trên phản đối, cấm cản. Chị đã trải qua không ít lần hy vọng, rồi thất vọng, nhưng với bản tính lì và liều, chị vẫn đi qua từng thất bại, với niềm hy vọng lớn. Cũng như nhiều người nghiên cứu khác, việc kinh doanh của Hồng đi từng bước chậm chạp và gặp khó khăn nhiều hơn vì sự thiếu hụt kiến thức tài chính, kinh doanh.

“Thậm chí việc định giá doanh nghiệp tôi còn làm sai. Mãi sau nhiều năm, tôi mới được bổ sung nhiều kiến thức kinh doanh nhờ những khóa học ngắn ngày, chẳng hạn như khóa “Thương mại hóa sản phẩm trên thị trường” ở Anh và biết định giá thương hiệu cho đúng”, chị chia sẻ.

Tìm người đồng hành để đi được xa

Trong những ngày tháng khởi nghiệp khó khăn, Thu Hồng may mắn nhận được sự đầu tư từ một nhà đầu tư tiếng tăm, từng tham gia nhiều thương vụ sáp nhập đình đám ở Việt Nam. Nhờ có nguồn đầu tư này, chị vẫn làm công tác nghiên cứu tại Viện Hải dương học Nha Trang, đồng thời tiến thêm một bước đến gần với giấc mơ của mình bằng việc xây dựng nhà máy sản xuất chả cá sạch theo công nghệ Nhật tại Nha Trang thay cho cơ sở sản xuất thủ công 12m2 thử nghiệm.

Theo Thu Hồng, đối với những người khởi nghiệp trẻ, thử thách trong kinh doanh có vẻ “dễ thở” hơn khó khăn trong các thủ tục hành chính. Chị và nhiều người khởi nghiệp khác nản lòng không phải do thất bại trong kinh doanh mà do “chạy” không kịp với các loại thủ tục, giấy tờ. Thậm chí, không có phong bì hay phong bì đưa không đúng chỗ cũng không thể xong việc. Nếu có một giấc mơ chung đủ lớn thì chúng ta nên tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp thuận lợi cho các bạn trẻ. Trong đó, thủ tục hành chính được cắt giảm tối đa, thủ tục vay vốn ngân hàng cũng được đơn giản hóa hết mức, việc chuyển giao công nghệ từ nước ngoài cũng phải được hỗ trợ tích cực hơn...

Tuy nhiên, chị Thu Hồng cho biết, nguồn vốn đầu tư không quan trọng bằng những gì chị học được từ nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm. Đó không chỉ là kinh nghiệm trong kinh doanh, mà còn là phong cách sống nghiêm túc, khiêm tốn và nhân hậu với triết lý quản lý con người bằng tình yêu thương.

Ngoài nhà đầu tư, Thu Hồng còn tìm được người đồng hành trong nghề làm chả cá. Sau một thời gian tất tả dậy từ 2g sáng để làm một mình các khâu chế biến, sản xuất, bán hàng, Thu Hồng phải nhập viện vì kiệt sức. Chị nhanh chóng nhận ra mình đã sai và phải cần một đội ngũ hỗ trợ. Thế là đội ngũ nhân viên bán chả cá ra đời. Mỗi người một việc, có hoạch định rõ ràng và ai trong nhóm cũng đồng cam cộng khổ, trung thành với mục tiêu của dự án Kamaboko.

“Người làm khoa học thường có đủ đam mê cũng như sự dấn thân, nhưng lại thiếu kinh nghiệm thương trường. Muốn làm kinh doanh, cần có những người bạn đồng hành thấu hiểu và thuộc nhiều lĩnh vực khác để bổ sung cho nhau”, thạc sĩ Ngọc Tuyết trải lòng sau thất bại của mình.

Tuy Gen-Viet thất bại, nhưng chị vẫn có niềm đam mê lớn là mang những sản phẩm chất lượng ra thị trường. Cuối năm 2015, chị đã tìm được ba người bạn đồng hành khác. Bốn người phụ nữ với những thế mạnh riêng đã hiệp lực thành lập Công ty TNHH Lavite, sở hữu các thương hiệu đông trùng hạ thảo Hector, thanh long sấy Lavite cùng nhiều thực phẩm chức năng chiết xuất từ đinh lăng, gừng, nghệ, khổ qua, đậu bắp, chùm ngây và các loại thực phẩm sấy khác. Họ bổ sung cho nhau trên con đường đưa sản phẩm nghiên cứu phát triển và đi đến đích thành công.

Hiện Lavite đã có trang trại trồng dâu tằm rộng hơn 5ha, trang trại rộng 12ha trồng rau quả thảo dược cùng nhà máy sấy dược liệu tại tỉnh Đồng Nai, vườn nuôi cấy đông trùng hạ thảo tại TP.Đà Lạt, nhà máy chế biến nông sản sấy và nước uống dinh dưỡng tại khu công nghiệp Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Sản phẩm thanh long sấy Lavite đã có mặt trên kệ trong các chuỗi siêu thị ở Canada...

Nâng niu sản phẩm “Made in Vietnam”

Có thể thấy, nhà khoa học có rất nhiều ưu thế như: đam mê khám phá, không ngừng tìm tòi điều mới lạ và kiên trì không bỏ cuộc. Đây là bí quyết để các nhà khoa học cho ra đời những sản phẩm mang tính đột phá, mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng và nền kinh tế. Nhóm của thạc sĩ Ngọc Tuyết là một điển hình, họ luôn chăm chút từng sản phẩm bán ra. Chẳng hạn như với đông trùng hạ thảo, nhóm nghiên cứu và phát triển theo định hướng chất lượng cao, giá thành hợp lý và thuận tiện cho người dùng. Để làm được như vậy, nhóm đã tự sản xuất để đảm bảo đúng loại tằm cổ kén vàng cho cây nấm có hàm lượng dược chất cao. Dâu phải tự trồng để đảm bảo lá sạch, không bón phân, thuốc hóa học, tằm ăn mới tốt và nấm đạt chất lượng cao hơn.

Khi nha khoa hoc kinh doanh
Chị Nguyễn Thị Ngọc Tuyết đang kiểm tra chất lượng đông trùng hạ thảo

Theo công thức của Nhật Bản, nhóm xay con tằm thành bột, rồi lấy bột đó chế biến thành môi trường thức ăn nuôi nấm đông trùng hạ thảo phát triển nên chất lượng tốt và năng suất cũng đạt... Với những bước làm công phu như vậy, đó là cách để chúng ta thật sự có những sản phẩm “Made in Vietnam” không thua gì thế giới.

Còn với Thu Hồng, chị luôn trăn trở khi thấy nguồn tài nguyên cá tươi của quốc gia bị khai thác tràn lan và bán sản phẩm thô cho Trung Quốc với giá rẻ. Nếu sử dụng làm chả cá sạch thì cá sẽ có giá trị cao hơn gấp nhiều lần mà còn tạo ra công ăn việc làm cho hàng trăm người. Công nghệ làm chả cá từ Nhật Bản được đánh giá là tiên tiến và hiện đại, nhưng chị vẫn ngày đêm nghiên cứu để cải tiến. Theo chị, công nghệ này còn thải ra lượng nước thải lớn. Làm 1kg chả cá thường cho ra từ 12-16 lít nước thải chứa nhiều tạp chất như protein, mỡ gây hại cho đất và gây mùi hôi thối cho môi trường. Vì vậy, chị quyết tâm cải tiến công nghệ để sản xuất 1kg chả cá chỉ cho ra khoảng 1 lít nước thải…

Những nhà khoa học khởi nghiệp kinh doanh như Ngọc Tuyết, Thu Hồng và nhiều người khác nữa luôn kiên trì từng bước trên hành trình dấn thân, vì hạnh phúc là thỏa mãn đam mê của chính mình và mang lại điều ý nghĩa cho xã hội. Và đó là điều chúng ta luôn trân trọng. 

Hùng Trần, nhà sáng lập Got It (người khởi nghiệp thành công ở Silicon Valley, Mỹ): 

Thu hút nhân tài, bù đắp kỹ năng còn khuyết của người sáng lập

Đối với công ty khởi nghiệp, có hàng trăm hoạt động khác nhau nằm bên ngoài kỹ thuật, như xác thực nhu cầu của thị trường, vận hành, tăng trưởng, kinh doanh, huy động vốn, theo dõi các biến động bên ngoài, nhân sự, tài chính... Để công ty có thể hoạt động tốt thì người sáng lập phải làm sao có được đủ các kỹ năng cần thiết cho phát triển của doanh nghiệp, nhưng không có nghĩa là nhà sáng lập phải biết hết mọi thứ. Những kỹ năng bị khuyết của người sáng lập có thể giải quyết bằng cách thu hút nhân tài.

Trong trường hợp của Got It, công việc chính của tôi là xác định và thuyết phục những người giỏi tham gia vào đội ngũ của mình. Ứng viên tôi chọn thường phải thật giỏi ở một lĩnh vực nào đó. Chẳng hạn như CEO của Got It hiện nay - ông Peter Relan, vốn là một người dày dạn kinh nghiệm ở Silicon Valley, từng trải qua nhiều thành công và thất bại với các startup trước cũng như trong vườn ươm do ông sáng lập. Có như vậy, công ty mới luôn phát triển và không bị giới hạn bởi khả năng cá nhân. 

Xuân Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI