Khi người giúp việc bị chủ mặc định là vật sở hữu

24/07/2018 - 06:55

PNO - Không chỉ chủ nhà xem người giúp việc là vật sở hữu, người đi làm việc nhà cũng nghĩ bản thân mình thuộc về gia chủ nên bị chửi mắng như cơm bữa.

Câu chuyện về cô gái giúp việc ở tỉnh Gia Lai bị ngược đãi, bạo hành như quả bom được kích nổ trong lòng biết bao người giúp việc tại TP.HCM, càng nhắc đến, càng khiến những “osin thời @” thêm bức xúc. Nhưng khi nhìn lại, chính bản thân họ cũng đã và đang là những nạn nhân thầm lặng.

Biết kêu ai bây giờ, tại cái số như vậy

Được người bạn giới thiệu về cô giúp việc tại quận Tân Phú, phóng viên báo Phụ Nữ TP.HCM có dịp bước vào thế giới riêng của nghề osin. Có ai biết rằng, bên trong những tòa nhà khang trang, lịch sự, ngày ngày người chủ vẫn tuôn ra vô vàn lời mắng chửi khó nghe, thậm chí bạo hành người giúp việc. Tại những nơi này, họ không được xem là người làm công, mà như một vật sở hữu. 

Đau lòng hơn, chính bản thân người nhận việc cũng được “tẩy não” khi luôn miệng cho rằng mình không dám phản kháng vì đang đi làm công. Thêm phần, khi trả lương cho người giúp việc, người chủ luôn chỉ trả một phần, nên dù có bị mắng chửi, bạo hành, họ vẫn ráng ở lại vì số tiền ít ỏi còn bị giữ lại. Cuối cuộc trò chuyện, họ luôn “chốt”: “Biết kêu ai bây giờ, tại cái số tôi nó vậy, ráng làm vài năm có vốn sẽ đi làm việc khác”.

Khi nguoi giup viec bi chu mac dinh la vat so huu
Bà Nguyễn Thị Lệ buồn khi kể về thời gian mình bị bạo hành lúc làm giúp việc nhà

Chỉ vào hai vết sẹo trên tay, bà Nguyễn Thị Lệ (49 tuổi, quê ở An Giang) nói buồn: “Sẹo lâu rồi, lúc tôi mới lên Sài Gòn làm giúp việc. Tôi làm cho chủ nhà ở quận 6, ông đó nghiện thuốc lá. Mỗi khi căng thẳng hay cãi nhau với người trong nhà cũng hút thuốc. Lần đó ông ấy cãi nhau với vợ xong thì hút khoảng 6, 7 điếu thuốc. Tôi thấy tàn thuốc bay đầy nên đi ra dọn dẹp. Bất ngờ, ông chủ cầm chặt tay tôi rồi dí thuốc vào, khi bà chủ chạy đến cứu cũng là lúc tôi nhận thêm hai cú bạt tai khiến tai trái giờ nghe rất kém”.

Sau khi bị đánh, bà Lệ xin chủ nhà cho nghỉ, về lại An Giang, nhưng quê bà vốn nghèo không có gì làm nên bà trở lại Sài Gòn, làm dọn dẹp cho một tiệm phở. Ở đây cũng không khá hơn, bà liên tục bị ông chủ dòm ngó. Chỉ mới 2 tuần làm ở tiệm phở, bà Lệ đã bị ông chủ liên tục sàm sỡ nhưng không dám nói ra vì sợ bị đuổi việc. Hơn nữa, vợ ông chủ là người rất ghen tuông, chỉ được trả 3,5 triệu đồng/tháng, bà vẫn cắn răng chịu đựng.

Khi nguoi giup viec bi chu mac dinh la vat so huu
Từ lâu, phụ nữ đi làm giúp việc thường nhờ vào "số trời", may nhờ rủi chịu như phận làm dâu.

“Có một lần, tôi bị ông chủ sờ ngực giữa quán. Tưởng được bà chủ hiểu, không ngờ tôi chưa kịp nói gì, bà chủ liền nắm tóc tôi mà đánh. Tôi té ngã xuống bàn, cố van xin nhưng bà ấy không chịu nghe rồi lấy cây kéo đâm thẳng vào chân tôi đến bây giờ vẫn còn sẹo. May mà có người ăn phở thấy, tôi mới được giải cứu”, bà Lệ cay đắng.

May mắn hơn cho bà Lệ, người khách này chứng kiến cảnh bà bị ngược đãi, cũng là người cùng quê nên giới thiệu cho bà vào xí nghiệp may. Sau đó bà xin làm giúp việc cho gia đình ở huyện Bình Chánh. Do người quen giới thiệu, nên chủ nhà hơi khó tính, tuy vẫn có la mắng nhưng không bạo hành nên bà “kệ, cứ làm”.

Giúp việc theo giờ vẫn không khá hơn

Chị Trần Hoàng Ngọc Ân (29 tuổi, quê ở Hà Tĩnh) thường lặp lại câu nói: “Chắc nghề chọn mình” khi nói về công việc của mình. 10 năm trước, khi chị Ân còn là sinh viên trường Đại học Kinh tế TP.HCM, người cha của chị bị tai nạn giao thông rồi qua đời.

“Lúc học đại học, nhà tôi không có tiền, tôi vừa đi học vừa đi làm cũng tạm đủ. Trước khi mất, cha tôi phải điều trị hơn 3 tháng, lúc đó tôi tạm xin bảo lưu để tìm việc phụ mẹ. Trong lúc quẫn trí, tôi thấy tờ rơi tìm người giúp việc nhà nên tìm tới công ty. Ban đầu tôi trả phí môi giới 300 ngàn đồng để đi làm. Cầm địa chỉ thấy nhà chủ ở cầu chữ Y thì sợ lắm, nhưng vì đã đóng tiền nên tôi đạp xe đi. Từ khi bước vào căn nhà đó, tôi bị đánh không đếm xuể”, chị Ân rùng mình.

Khi nguoi giup viec bi chu mac dinh la vat so huu
Chị Ân vẫn còn khiếp đảm khi nhớ về chuỗi ngày tháng tăm tối trong nghề giúp việc nhà

Theo chị Ân, dù chị đúng hay sai, chỉ cần chủ nhà thua bài, thua đá gà, con bị thi lại, làm ăn không tốt,... chị đều nhận đòn roi. Bất kể chị đang làm gì, thuận tay là chủ đánh. Mỗi lần chị Ân định phản kháng, chị lại nhớ số tiền đóng cho công ty môi giới, và tiếc tiền lương tháng nên im lặng nghĩ “đau chút rồi hết”.

Chị buồn buồn: “Người ta trả tiền cho mình, mình phải làm việc cho người ta. Mỗi người một tính, tôi bị đánh thường xuyên nhưng chủ chưa bao giờ quỵt tiền. Mấy lần dẫn chó đi dạo, các cô, các chị giúp việc khác cũng bị bầm như tôi, nhưng họ bị giam tiền lương 3-4 tháng. Ai cũng như mình, chịu chút rồi cũng xong. May ông trời thương nên tôi chỉ có 4 năm, ông chủ đi nước ngoài nên tôi mới thoát".

Chị Ân bỗng nắm chặt tay, chị thoát được giúp việc theo tháng, nhưng vẫn tìm đến giúp việc theo giờ. Giúp việc cho nhà chủ 4 năm, được bao ăn ở nhưng mức lương rẻ mạt 2,6 triệu đồng/tháng khiến chị không thể giúp mẹ trả hết nợ, đừng nói gì có vốn làm ăn. 

"Tôi từng thề sẽ không làm giúp việc nữa, nhưng xin việc quá khó, lại tốn thêm tiền trọ, tiền ăn. Tôi lại làm osin theo giờ, 35.000 đồng/giờ, ráng làm hết ngày cũng được vài trăm. Thôi, nghề nó chọn mình chứ mình đâu thể chọn nghề", chị Ân cười.

Khi nguoi giup viec bi chu mac dinh la vat so huu
Tất cả những công việc nhà, chị thường phải làm bằng tay, không có công cụ hỗ trợ.

Nếu cô Lệ, chị Ân bị bạo hành một thời gian rồi tìm được “bến tốt”, thì cô Nguyễn Thị Bé (hơn 60 tuổi, quê ở Bình Phước) đến bây giờ vẫn phải... nhìn mặt chủ để dọn nhà. Tuy bà Bé làm việc theo giờ, nhưng vì lớn tuổi nên bà chấp nhận bị chủ la mắng. Bà thường xuyên bị chủ nhà kéo dài thời gian thuê, đổ thêm việc.

Bà nói: “Thôi kệ, mình đã làm rồi, cãi thì họ không trả tiền. Tôi chỉ tủi vì chị mấy đứa bằng tuổi con, cháu mình chửi rủa. Sợ nhất là họ đổ việc, có lần tôi được kêu đến lau nhà, rửa chén thôi, nhưng làm sắp xong thì họ kêu ủi đồ, ủi đồ vừa xong họ lại nhờ nấu đồ ăn cho chó ăn, mà phải đợi chó của họ ăn xong, rửa cái chén chó ăn đó rồi mới xong việc. Họ nói mướn 1 tiếng, nhưng làm đến 5, 6 tiếng, họ thảy 50 ngàn đồng rồi kêu về”.

Bà Bé không nhận dọn nhà cho gia đình này nữa thì bị gọi điện thoại chửi rủa. Quá đáng hơn, thấy bà đang đi xe đạp ngoài đường, Thanh – người con trai trong gia đình chủ liền đạp xe khiến bà té ngã.

“Bây giờ nhà đó mà kêu thì tôi vẫn làm, kệ đi, ngày nào họ kêu coi như mình xui xẻo ngày đó. Tôi đâu có muốn làm, nhưng nhớ lần té xe thì sợ lắm. Hôm đó không bị gì, nhưng lỡ lần sau mà có chuyện gì, tôi đâu có tiền đi bệnh viện”, bà Bé lại than số trời.

*Tên nhân vật đã được thay đổi

Phạm An - Hương Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI