Khi đứa trẻ Campuchia viết "Phụ Nữ"

12/12/2016 - 07:11

PNO - Ở đó có đứa trẻ Campuchia chưa một lần nhìn thấy bong bóng bay; phụ nữ, người già chưa một lần đặt chân vào phòng khám chữa bệnh; cánh rừng u tịch tựa đôi mắt biên giới buồn như mưa trên lá.

Ở đó có đứa trẻ Campuchia chưa một lần nhìn thấy bong bóng bay; phụ nữ, người già chưa một lần đặt chân vào phòng khám chữa bệnh; cánh rừng u tịch tựa đôi mắt biên giới buồn như mưa trên lá. Bất đồng ngôn ngữ. Nhưng khi chia tay, nhìn những ứa trẻ viết trên bàn tay be bé như chiếc lá chữ “Phụ Nữ” và chạy dọc con kênh vẫy chào đưa tiễn, thì đường biên giới như nhòa đi… Trải nghiệm của những tình nguyện viên dự án “Biên cương xanh” do báo Phụ Nữ TP.HCM tổ chức tại biên giới Tây Ninh.

Xe vừa vào con đường đất xuyên vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, chúng tôi như trôi tụt khỏi thế giới bên ngoài, nhà cửa vừa thưa thớt dần giờ mất hút. Không còn dấu vết của làng mạc, phía trước, con đường đất dài và rộng đưa đoàn công tác xã hội của dự án Biên cương xanh của báo Phụ Nữ vào rừng sâu, đến khám bệnh, phát thuốc, tặng quà cho bà con vùng biên giới Việt Nam - Campuchia.

“Anh là người Việt hay người Cam?”

Càng vào rừng sâu, đường càng khó đi. Chiếc xe nặng nhọc nhồi xóc. Rừng núi hai bên đường chậm chạp lướt qua, rồi... dừng hẳn. Cửa mở. Tài xế nói gì đó không rõ. Vài người ngồi những hàng ghế đầu nhảy xuống đường. Tôi rướn người qua khỏi hàng ghế trước mặt, nhìn về tấm kính đầu xe. Phía trước, con đường đất vào đoạn lầy lội.

“Lót ngay chỗ đó! Đúng rồi!”. Anh tài xế đứng ở cửa xe, nói với nhóm tình nguyện viên đang thay nhau ôm những cành cây khô bên đường hối hả chạy lại, lót ngay chỗ lầy lội nhất. Trong tích tắc, anh lại vào vị trí. Chiếc xe khó nhọc lê đi, trầy trật giữa những rãnh bùn, khựng lại, rồi nhích lên, nhào tới. Đứng dưới đường, nhóm tình nguyện viên vừa vỗ tay, vừa reo hò, khí thế chạy theo chiếc xe vừa dừng lại chờ phía trước.

Khi dua tre Campuchia viet

Đại úy Lê Trung Quân - Phòng Chính trị Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Tây Ninh tham gia dẫn đường cho đoàn - đứng lên từ hàng ghế đầu, vừa chuệnh choạng theo chiếc xe đang rung lắc, vừa cầm micro hào hứng giới thiệu về con đường đất dẫn tới Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát mà chúng tôi đang đi qua. Anh Quân vừa dứt lời, chiếc xe cũng... dừng hẳn. Tài xế tắt máy, xuống xe. Đoàn người chộn rộn bước theo sau.

Bên dưới, con đường đất đã biến thành một vũng lầy khổng lồ, cùng những dấu hằn to tướng, ngoằn ngoèo do những chuyến xe tải nặng nề để lại. Rừng núi vắng tanh. Đoạn đường xấu dài ngút mắt với những rãnh bùn sâu đến hơn nửa bánh xe. Những người đàn ông đứng thành nhóm, ước chừng bằng mắt, rồi bàn bàn tính tính trước khi quay qua động viên tài xế: “Hay... mình cứ thử?”. Anh tài xế kiên quyết lắc đầu.

Còn gần hai cây số nữa mới đến đích. Trên xe là hàng tấn hàng hóa với 100 túi gạo 10kg, chăn mền, sữa, mì gói, bánh kẹo… - quà cho dân nghèo Campuchia và những phần quà cho tiền tuyến là các chiến sĩ bộ đội biên phòng. Phía sau, chiếc xe 16 chỗ đưa 12 bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương - nhóm phụ trách hoạt động khám bệnh, phát thuốc miễn phí của đoàn - cũng vừa trờ tới. Vài chiếc xe tải đi ngược chiều như mắc kẹt chỗ đoạn đường khó, nhọc nhằn lắm mới trườn qua được.

Cả đoàn nhìn nhau. Bóng tối như đang lan dần ra từ khu rừng hai bên đường. Điện thoại mất sóng. Giao thông cách trở làm đất nước Campuchia bỗng... xa thăm thẳm. Cảm nhận thời gian đang đi qua cùng những tia sáng cứ mờ dần; tôi mới cảm giác rõ ràng rằng mình đang ở biên cương - một khu vực nhạy cảm, nhiều rủi ro an ninh bậc nhất. Chỉ còn vài cây số nữa, phía cuối đoạn đường lầy lội này đã là địa phận huyện Ponhea Kraek, tỉnh Tbong Khmum, Vương quốc Campuchia.

Quyết tâm đi tiếp, các anh nam dỡ hàng xuống xe, trong khi các chị nữ tự gùi hành lý cá nhân... cuốc bộ vào Đồn biên phòng Tân Bình - đơn vị sẽ hỗ trợ sinh hoạt cho đoàn suốt thời gian lưu lại vùng biên giới. Khu rừng tịch mịch bắt đầu dày đặc các loại côn trùng. Các anh nam nhóm lửa bằng củi khô, ngồi giữa đường vắng. Sau đó khoảng một giờ đồng hồ, một chiếc máy cày tiến lại gần, chiếc đèn xe như đang chầm chậm “nhảy múa” giữa đoạn đường lầy lội.

Nhảy phóc xuống xe, Rang - tài xế xe máy cày lao vào phụ khuân vác cùng anh em tình nguyện viên. Hỏi, “anh là người Việt hay Campuchia?”. Rang gật: “Campuchia”. Đang đi chở hàng ở bên kia biên giới thì nghe Đồn biên phòng Tân Bình báo tin, nhờ hỗ trợ đoàn từ thiện người Việt bị mắc kẹt, Rang lật đật quay về, gắn thùng xe vào đầu kéo để chạy sang ứng cứu. Người tài xế tháo vát, thuần thục và biết tiếng Việt lâu lâu lại ngước lên cười cười với nhóm người Việt vừa “tươi tắn trở lại” nhờ sự xuất hiện của anh.

Đến lúc này, những người bạn đã hào hứng lên đường ban sáng mới thấy mình đang ở thật gần đất nước Campuchia.

Nói cùng một ngôn ngữ

Có đôi mắt sáng giống Rang, những đứa trẻ người Campuchia có mặt thật sớm ở nhà sinh hoạt cộng đồng của phum Thlok Trach, xã Kak, huyện Ponhea Kraek, tỉnh Tbong Khmum sáng 10/12. Giữa nhà, tấm băng rôn song ngữ Việt - Campuchia đề dòng chữ “Chương trình khám bệnh, cấp thuốc, tặng quà cho nhân dân biên giới Việt Nam - Campuchia” được chính quyền phum treo sẵn. Nhóm tình nguyện viên xếp thành hàng dài, chuyển hàng từ xe xuống.

Ở cuối nhà, nhóm bác sĩ đang bận rộn phân thuốc, sắp xếp các dụng cụ khám bệnh. 100 phần quà trị giá 500.000 đồng/phần cùng hàng trăm lượt khám bệnh phụ khoa, nội tổng quát đã sẵn sàng khi những người đàn ông, phụ nữ Campuchia lần lượt dắt hai, ba đứa trẻ cùng đến. Ngoài đường, các chiến sĩ biên phòng Việt Nam vui vẻ trò chuyện với nhân viên an ninh mặc quân phục Campuchia, cùng bảo vệ an ninh cho chương trình.

Tôi theo chân chị Mum - một trong những người dân địa phương tình nguyện tham gia “thông dịch” cho chương trình - qua căn nhà dân bên cạnh. Ở đó, một nhóm bác sĩ đang xếp đặt một gian phòng khám phụ khoa, với cả máy siêu âm. “Phụ nữ ở trong, đàn ông ở ngoài”, các tình nguyện viên đang hết sức tập trung, thông dịch từng yêu cầu của bác sĩ cho bệnh nhân, và ngược lại.

Ngồi ngay bàn đăng ký trước phòng khám, Phong (một thanh niên 19 tuổi người Campuchia) vừa ghi tên tuổi bệnh nhân, vừa với vào hỗ trợ bên trong khi bác sĩ nhờ “nói chị này nằm xuống”, “hỏi chỉ có đau không”... Chị Mum phải chạy ra chạy vào, kiêm nhiệm vụ hướng dẫn trình tự khám bệnh và trình bày tiền sử bệnh của từng bệnh nhân cho bác sĩ. Cả “phòng khám” rộn ràng.

Chỉ đi theo con gái đặng phụ ẵm cháu ngoại, nhưng nghe bác sĩ nói “nếu phát hiện vấn đề nghiêm trọng, sẽ lên kế hoạch đưa bệnh nhân sang Việt Nam điều trị miễn phí”, bà Mun (65 tuổi) cũng vội vã tìm đến bàn đăng ký, rồi hớn hở bước vào phòng khám.

Dắt con đến khi khám nội tổng quát xong, có mấy chị phụ nữ thập thò bước đến trước phòng khám phụ khoa. Đoán biết ý, anh Nguyễn Quốc Việt giục: “Vào khám đi, dễ gì mà qua tới Việt Nam”. Được lời, các chị nhanh nhảu bước vào đăng ký. Là người bán vé số Việt quen mặt người xứ này, mỗi ngày đều đi bộ qua biên giới sang Campuchia mưu sinh, anh Việt chứng kiến sự thiệt thòi về y tế của người Campuchia vùng biên giới. Ở xa bệnh viện lớn, trạm xá sơ sài, mỗi lần có bệnh, người có tiền phải sang Việt Nam, “xuống bác sĩ Tùng”, hoặc bệnh viện Tây Ninh; người thật giàu thì xuống TP.HCM chữa trị. Còn lại, họ đành... tin vào bùa chú.

Khi dua tre Campuchia viet
"Hành động và món quà của chúng tôi đều nhỏ, nhưng tình hữu nghị thì lớn” - Ảnh: Võ Tiến

Việc đến với đoàn từ thiện lần này trở thành cơ hội “cả đời mới có một lần” của người nghèo phum Thlok Trach. Bồng đứa con trai sáu tuổi đến khám tổng quát, chị Samon (30 tuổi) chậc lưỡi, nói với thông dịch viên: “Đáng lẽ đi qua Việt Nam lâu rồi, mà không tiền. Giờ mà không đến khám, chắc thôi luôn”.

Cách đây năm tháng, Sampak bị tai nạn giao thông. Đưa con vào bệnh viện huyện ở Campuchia, thấy tình hình không tiến triển, đứa trẻ hôn mê suốt 25 ngày, chị Samon vội vã vay mượn, mang con sang Việt Nam điều trị. Được xác định chấn thương não nặng, Sampak được cứu sống sau 40 ngày nằm ở bệnh viện. Lúc ra viện, Sampak bắt đầu biết nói trở lại, nhưng em không còn đứng lên được nữa.

Được hẹn mang con tái khám sau hai tháng để điều trị thần kinh vận động, nhưng không còn chỗ vay mượn, chị Samon đành để ngày hẹn trôi qua. Kể với bác sĩ về bệnh tình của con, chị Samon được hướng dẫn tập vật lý trị liệu, hỗ trợ vận động, kèm những giải thích cặn kẽ về khả năng phục hồi của đứa trẻ.

Khu nhà sinh hoạt vẫn đầy kín những màu áo. Bong bóng tạo hình thỉnh thoảng lại nổ, người lớn giật mình, còn trẻ con phấn khích cười vang. Những đứa trẻ ban đầu ngượng nghịu nép sau vai mẹ, dần tụt xuống, chạy lại chỗ có nhóm tình nguyện viên đang thổi “bong bóng tạo hình theo yêu cầu”, rồi phát miễn phí cho các em. Ở những đứa trẻ khác ngôn ngữ, “yêu cầu” là những cái níu áo, chỉ chỉ về phía từng mẫu bong bóng đang treo sẵn, rồi ngước mắt, hồn nhiên chờ đợi. Các anh chị người Việt chỉ cần quan sát, rồi đoán ý từng em mà làm theo, trúng phóc.

Ngôn ngữ vì thế chẳng còn là khoảng cách nữa. Sau phần phát quà cho 100 hộ nghèo nhất của phum, trên sân khấu, ông Pholy, chủ tịch xã cùng một thông dịch viên gửi lời cảm ơn đến đoàn từ thiện. Nhà sư Sokchhin, già làng ChangViem kính cẩn bước đến bắt tay ông Nguyễn Thiện Hồng, trưởng đoàn từ thiện báo Phụ Nữ.

Những giao tiếp chỉ thỉnh thoảng mới cần đến thông dịch viên, những đại diện của đoàn và địa phương vẫn “nói” với nhau bằng từng cái cúi đầu chào, nụ cười, hay cái bắt tay nồng nhiệt. Phát biểu cuối chương trình, sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ , ông Nguyễn Thiện Hồng chỉ khiêm tốn gửi gắm rằng: “Cả hành động và món quà của chúng tôi đều nhỏ, nhưng tình hữu nghị thì lớn”.

Chia nhau từng chiếc xe máy, và hai, ba chiếc xe bán tải; chúng tôi rời phum Thlok Trach. Đường về chạy dọc theo con kênh thanh bình, xinh đẹp của vùng đất nghèo bậc nhất Campuchia. Từ trên chiếc xe đang khởi động chầm chậm, “tiễn” chúng tôi là một bầy trẻ con đang cầm trên tay những chiếc bong bóng xanh đỏ chạy dọc bờ kênh bên kia.

Nhìn dòng chữ “Phụ Nữ” viết bằng tiếng Việt in nghiêng trên đôi tay của những đứa trẻ mới đây còn xa lạ, tôi chợt thấy, chẳng phải tiếng Việt, hay tiếng Cam nữa, mà một ngôn ngữ nào đó đã kết nối giữa những người khách Việt, với lũ trẻ hồn nhiên xứ này. Thứ ngôn ngữ ấy đã “lên tiếng” đâu đó trong quyết tâm lên đường, quyết vượt cách trở đường sá của đoàn “khách Việt”; “lên tiếng” lần nữa trong sự cứu giúp hồn nhiên của Rang, trong cái cười chào nồng nhiệt của anh lính biên phòng Campuchia đứng chốt ở biên giới khi chúng tôi chuẩn bị băng qua chiếc cầu hữu nghị ở “lượt về”.

Và, có lẽ là cả trong cách gọi tên chuyến đi của bà Lê Thiên Hương (nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) khi cảm ơn Đồn biên phòng Tân Bình: “Cảm ơn các anh đã cho chúng tôi cơ hội được hiểu và tham gia vào việc bảo vệ tình hữu nghị với láng giềng, và an ninh đất nước”. Đó là ngôn ngữ của sự chan hòa, tình hữu nghị tự nhiên, khi con người tiến về phía nhau.

Minh Trâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI