Khí amoniac - 'tử thần' trong khu dân cư

11/10/2017 - 09:38

PNO - Xác định đây là một loại khí rất độc nên cơ quan chức năng di tản các hộ dân xung quanh và hơn 1.000 học sinh Trường tiểu học An Phú Tây 2 (cách vị trí xảy ra sự cố khoảng 1km) ra nơi an toàn.

Đến chiều 10/10, một trong bốn nạn nhân vụ vỡ ống dẫn khí amoniac (NH3)  vẫn phải thở oxy. Vụ nổ xảy ra tại Trạm chiết nạp gas của Công ty may cao su Vĩnh Lộc (217B/7A đường An Phú Tây, ấp 2, xã An Phú Tây, H.Bình Chánh, TP.HCM) vào sáng cùng ngày đã  buộc cơ quan chức năng phải di tản khẩn cấp hơn 1.000 người dân ra khỏi khu vực có sự cố.

Khi amoniac - 'tu than' trong khu dan cu
Sự cố làm nhiều gia súc, gia cầm của người dân khu vực chết

Khoảng 9h ngày 10/10, người dân sống quanh khu vực trạm chiết NH3 ngửi thấy mùi hôi nồng nặc. Từ bên trong trạm, một người đàn ông và một phụ nữ bỏ chạy ra phía ngoài trong tình trạng khó thở, miệng nôn ra máu. Một làn khói khí màu trắng sau đó tỏa ra khắp khu vực. 

Trung tá Phạm Trung Thắng - Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC H.Bình Chánh -  cho biết, ngay khi tiếp nhận tin báo, lực lượng PCCC H.Bình Chánh đã điều 5 xe cùng 35 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường, trong đó có một xe chuyên dụng xử lý hoá chất.

Xác định đây là một loại khí rất độc nên cơ quan chức năng đã yêu cầu chính quyền địa phương di tản các hộ dân xung quanh và hơn 1.000 học sinh Trường tiểu học An Phú Tây 2 (cách vị trí xảy ra sự cố khoảng 1km) ra nơi an toàn. Hai đội hình xử lý hoá chất của Cảnh sát PCCC H.Bình Chánh đã phun nước làm loãng nồng độ NH3, tiếp cận vị trí xảy ra rò rỉ để ngăn không cho khí độc thoát ra ngoài. 

Khi amoniac - 'tu than' trong khu dan cu
Cây cối trong khu vực lập tức bị héo sau sự cố rò rỉ khí độc

Đến trưa cùng ngày, sự cố này mới được khắc phục xong. Sự cố làm nhiều vật nuôi, cây trồng của người dân khu vực bị chết, héo lá, trong đó, hộ chăn nuôi của anh Nguyễn Tấn Tài nằm cạnh trạm chiết nạp gas trên bị thiệt hại nặng nề với nhiều chó kiểng, mèo, gà chín cựa, lợn bị chết nằm la liệt, thiệt hại ước tính gần 100 triệu đồng. Nguyên nhân sự cố được tạm xác định là do bị bể đường ống dẫn khí.

Vụ rò khí này đã khiến bốn người bị tổn thương, phải đi cấp cứu. Đến tối cùng ngày, ba nạn nhân đã hồi phục, một nạn nhân vẫn phải thở oxy. Theo giáo sư - tiến sĩ Lê Huy Bá - chuyên gia về môi trường, NH3 là chất độc thần kinh, tiếp xúc với nồng độ thấp sẽ nôn mửa, nhưng tiếp xúc với nồng độ cao sẽ bị hôn mê và dẫn đến tử vong.

Kinh doanh, sản xuất, chiết nạp NH3 là loại hình kinh doanh có điều kiện, được cụ thể hóa tại điều 14 Luật Hóa chất. Ngoài ra, cơ sở phải đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, có biện pháp phòng ngừa và ứng phó sự cố.

Theo điều 10 Luật Hóa chất, chủ cơ sở sản xuất phải có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức lấy ý kiến của cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án về biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.  Không hiểu vì sao tồn tại cơ sở chiết nạp khí nguy hiểm như NH3 như thế ở khu dân cư. 

Luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM)

Nguyên Huy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI