Hơn ba tháng, chưa tiêu hủy được lô thực phẩm kém an toàn

04/04/2018 - 08:31

PNO - Phí lưu kho đã lên hơn 36 triệu đồng, việc tiêu hủy 27 tấn thịt vi phạm vô chủ còn sẽ tiêu tốn của Nhà nước số tiền ước tính khoảng 400 triệu đồng.

Ban Quản lý (BQL) An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM “lập chiến công” khi phát hiện hai container chứa 27 tấn thịt, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc tại H.Hóc Môn ngay trước tết Nguyên đán, nhưng hiện vẫn đang phải “chịu tội” trong việc xử lý vi phạm đối với số lượng tang vật lớn này.

Hon ba thang, chua tieu huy duoc lo thuc pham kem an toan
Hiện trường vụ phát hiện 27 tấn thịt không rõ nguồn gốc tại H.Hóc Môn, TP.HCM - Ảnh: ATTP

Chi phí lưu trữ, tiêu hủy “khủng”

Ngày 3/1, đoàn kiểm tra của BQL ATTP TP.HCM kiểm tra đối với hộ kinh doanh cơ sở sản xuất chả lụa, giò thủ Ngọc Châu (xã Bà Điểm, H.Hóc Môn) do ông Lê Đình Sơn làm chủ. Tại đây, ngoài ghi nhận nguồn nguyên liệu và thành phẩm thực phẩm không có hợp đồng, hóa đơn, chứng từ nguồn gốc, hạn sử dụng, đoàn còn phát hiện hai container chứa 27 tấn thịt cũng không rõ nguồn gốc của cơ sở này đang được lưu giữ tại bãi xe Trần Phương.

Trong quá trình làm việc, ông Sơn bất hợp tác, không ký biên bản, nói sẽ bổ sung giấy tờ chứng minh nguồn gốc sau. Do đó, đoàn cùng với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương lấy mẫu kiểm nghiệm, đồng thời phải bốc dỡ, vận chuyển toàn bộ lô hàng về Q.Thủ Đức, nơi có kho hàng được BQL chuẩn bị sẵn cho các đợt kiểm tra dịp cận tết để lưu giữ tang vật. Sau khi cung cấp giấy tờ nhưng bị phát hiện là giả mạo, cộng với kết quả kiểm nghiệm cho thấy sản phẩm không đạt chất lượng, chủ cơ sở trên đã bỏ trốn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Trung Thu - Trưởng phòng Thanh tra BQL ATTP TP.HCM - cho biết, trường hợp chủ doanh nghiệp bỏ trốn, trình tự xử lý là phải xác định vụ việc không có đối tượng vi phạm. Việc này phải do chính quyền địa phương làm thủ tục xác minh tình trạng bỏ trốn. Sau đó, BQL mới tiến hành các bước tiếp theo như xác định hành vi, tịch thu tang vật… Tất cả phải tuân thủ thời gian theo quy định.

“Sau quyết định tạm giữ lô hàng, phải chờ trong vòng 30 ngày để có kết quả kiểm nghiệm, mới được xử lý vi phạm hành chính. Lúc này họ cũng bỏ trốn luôn. Vì không có đối tượng vi phạm, chúng tôi phải mời chính quyền địa phương tới để chứng kiến, làm đúng thủ tục và mới ra được quyết định xử phạt; tiếp tục chờ 10 ngày sau khi có quyết định xử phạt mà doanh nghiệp không thực hiện thì mới tiếp tục cưỡng chế…” - ông Thu liệt kê.

Khi tuân thủ đúng các quy định, trường hợp trên lại gây ra vấn đề đau đầu cho BQL, đó chính là phí lưu kho và chi phí tiêu hủy hàng vi phạm quá cao. Mỗi ngày lưu kho chờ cho đúng các thủ tục, tốn 400.000 đồng. Từ khi phát hiện vụ việc đến nay đã hơn ba tháng, việc xử lý vẫn đang ở bước… chờ tiêu hủy. Bởi theo đúng luật, phải tổ chức đấu thầu xem đơn vị nào sẽ cung ứng dịch vụ tiêu hủy. Chưa kể, phí lưu kho đã lên hơn 36 triệu đồng, việc tiêu hủy 27 tấn thịt vi phạm vô chủ còn sẽ tiêu tốn của Nhà nước số tiền ước tính khoảng 400 triệu đồng.

“BQL cũng không được áp dụng giá tiêu hủy theo mức mà UBND TP.HCM đã ban hành năm 2007, bởi vụ việc này ban đầu có chủ vi phạm nhưng sau đó bỏ trốn nên không thuộc đối tượng áp dụng. Do đó, chi phí tiêu hủy khá cao. BQL cũng đã có văn bản trình lãnh đạo UBND TP.HCM xem xét lại, nếu sau này có những vụ tương tự thì được áp dụng giá năm 2007” - ông Thu nói.

“Khuyến khích” thái độ cầu an?

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng BQL ATTP TP.HCM - thực tế hiện nay, để phạt được doanh nghiệp vi phạm là cực kỳ khó. “Luật của chúng ta hở rất nhiều. Ví dụ như vụ 27 tấn thịt ở H.Hóc Môn, trong một chừng mực nào đó, có vẻ như muốn khuyến khích thái độ cầu an của người thanh tra ATTP. Họ có thể sẽ suy nghĩ: bắt làm chi cho cực, rồi còn tốn bao nhiêu tiền để xử lý lưu trữ, tiêu hủy, chưa kể không khéo bị doanh nghiệp áp dụng luật mà kiện tụng.

Thấy chóng mặt như thế thì lần sau dễ nhắm mắt cho qua, mà có khi còn nhận được chi phí tiêu cực từ chủ hàng nữa” - bà Lan thở dài. Bà cho rằng, đây là vụ việc không phải đầu tiên, chắc chắn cũng không phải sau cùng mà cơ quan chức năng phát hiện. 

Theo bà Lan, việc “thống nhất lực lượng” nhằm tránh sự chồng chéo trong việc thực thi các văn bản pháp luật về quản lý ATTP, nhưng đến khi xây dựng các văn bản pháp luật thì lại chưa có đơn vị thống nhất, vẫn “manh mún ba ngành” rất khó khăn, kể cả còn có sự đổ thừa trách nhiệm.

“Tội làm thuốc giả có thể lãnh mức án cao nhất là tử hình, trong khi hành vi làm thực phẩm giả, đặc biệt với trường hợp gây chết người, mức phạt cao nhất vẫn chỉ là 20 năm, làm sao răn đe được? Tôi không hiểu dựa trên quan điểm nào mà việc xây dựng luật lúc nào cũng nương nhẹ việc xử phạt. Anh em rất ấm ức khi đi kiểm tra rồi cuối cùng sau đó chỉ xử phạt rất nhẹ ở mức độ vi phạm hành chính” - bà Lan nói.

Hiện, quy định xử phạt cứ dựa trên giá trị của mặt hàng. Thế nhưng, nông sản, thực phẩm tươi sống thường có giá trị không lớn và nếu có phạt gấp 10 lần giá trị đó cũng chẳng có ý nghĩa gì với kẻ vi phạm, trong khi tác hại của vi phạm là rất lớn.

“Thực phẩm kém chất lượng, nhiễm hóa chất sẽ tích tụ lâu ngày trong cơ thể dẫn đến những hệ lụy khó lường như bệnh nan y, gây hại cho giống nòi… nhưng mà luật của chúng ta thì lúc nào cũng yêu cầu phải chết ngay mới xử mạnh tay được. Làm sao mà chết ngay được đối với thực phẩm” - bà Lan dẫn chứng.

Theo bà, ngoài lỏng lẻo, luật còn như đánh đố cơ quan chức năng, làm cho tình hình vi phạm về ATTP ngày càng trầm trọng hơn. Trong khi đó, lực lượng của BQL còn yếu và thiếu. “Tôi ưu tiên tập trung cho lực lượng thanh tra. Hiện đã có 250 người phân về các đội ở ba chợ đầu mối và 24 quận, huyện. Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường lực lượng này, sẽ cắt tới mức tối đa những bộ phận của các phòng chuyên môn khác để đưa về các đội thanh tra quận, huyện” - bà quả quyết.

Vượt quy định mới xử được vụ heo bị tiêm thuốc an thần

Bà Lan cho biết, BQL đã phải mạnh dạn đề xuất, cộng với quan điểm hết sức quyết liệt của UBND TP.HCM, mới có thể tiêu hủy toàn bộ hơn 4.000 con heo bị tiêm thuốc an thần tại H.Hóc Môn. Còn nếu xử lý theo đúng Nghị định 90 thì chỉ phạt từ 30 đến 35 triệu đồng, thậm chí còn được cho phép đưa ra thị trường nếu sản phẩm không vượt ngưỡng thuốc mà Bộ Y tế cho phép. Nhưng đến nay, Bộ Y tế cũng chưa đưa ra ngưỡng nào cả. “Nếu không kịp thời sửa luật, sẽ còn lặp lại không biết bao nhiêu vụ tiêm thuốc an thần cho heo như vậy” - bà Lan nói.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI