Hội thảo về ngập nước tại TP.HCM lấn chiếm kênh rạch: Nguyên nhân chính gây ngập úng

25/11/2016 - 06:03

PNO - Theo các chuyên gia, tình hình ngập tại thành phố là vấn đề nan giải, chẳng những chưa cải thiện mà còn có xu hướng gia tăng, dù được đầu tư rất lớn nhưng tình trạng ngập úng đô thị vẫn trầm trọng.

Thống kê của Trung tâm Chống ngập TP.HCM cho thấy, tháng 10/2016, số tuyến đường bị ngập tại Thành phố tăng cao kỷ lục với 59 tuyến. Số tuyến đường bị ngập từ năm 2010-2015, cụ thể: năm 2010: 50 tuyến đường; 2011: 32 tuyến đường; 2012: 21 tuyến đường; 2013: 50 tuyến đường; 2014: 29 tuyến đường; 2015: 10 tuyến đường tới tháng 10/2016: 59 tuyến đường.

Tại hội thảo Vấn đề ngập nước trên địa bàn TP.HCM - 40 năm nhìn lại do Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức ngày 24/11, nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng ngập lụt đang là trở lực lớn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Theo các chuyên gia, tình hình ngập tại TP là vấn đề nan giải, chẳng những chưa cải thiện mà còn có xu hướng gia tăng, dù được đầu tư rất lớn nhưng tình trạng ngập úng đô thị vẫn trầm trọng.

Hoi thao ve ngap nuoc tai TP.HCM lan chiem kenh rach: Nguyen nhan chinh gay ngap ung
Đường ngập nước.

Ông Hoàng Minh Trí, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho biết bên cạnh nguyên nhân lượng mưa ngày càng tăng, mực nước đỉnh triều tăng đột biến, còn có nguyên nhân do con người: tiến trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ cao, trong khi công tác quản lý còn hạn chế.

Thực tế trong khoảng 20 năm qua, nhiều diện tích đất vùng thấp trở thành khu dân cư, khu công nghiệp, khiến ứ đọng nước kéo dài. Một số nguyên nhân chính gây ngập được nêu rõ: dự án chống ngập “rùa bò”, chưa thực hiện các dự án hỗ trợ thoát nước, đặc biệt là tình trạng xả rác bừa bãi, lấn chiếm kênh rạch.

Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP (Trung tâm Chống ngập TP), kênh rạch bị lấn chiếm là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng ngập. Tính đến nay, cơ quan chức năng đã xử lý 29/87 vị trí lấn chiếm kênh rạch, tiếp tục buộc các chủ đầu tư khắc phục 58 vị trí lấn chiếm kênh rạch còn lại. TP đã xử lý tám vị trí lấn chiếm hầm ga, hiện còn 99 hầm ga bị lấn chiếm (thuộc 38 tuyến đường). Về tình trạng lấn chiếm cửa xả, cơ quan chức năng đã xử lý 13/74 vị trí. Ngoài ra, còn 61 vị trí lấn chiếm lòng, hành lang kênh, rạch phục vụ thoát nước.

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý thoát nước Trung tâm Chống ngập TP cho biết, hầu hết các trường hợp lấn chiếm đều tồn tại nhiều năm và đến nay chưa trả lại hiện trạng dù Trung tâm đã có nhiều văn bản kiến nghị các địa phương.

Không chỉ hộ dân xây dựng nhà cửa, công trình ngay trên hầm ga mà một số nhà máy, xí nghiệp, chung cư… cũng xây dựng công trình trên tuyến cống, hầm ga. Đa số rạch thoát nước bị người dân tự ý đổ xà bần, san lấp dần và xây cất. Một số trường hợp người dân tự ý san lấp rạch, thay thế bằng cống thoát nước gây ngập cục bộ nhiều khu vực.

Chẳng hạn, cửa xả số 1 đường Nguyễn Hữu Thọ (Q.7) bị người dân lấp và thay bằng cống thoát nước, gây ngập nặng đường Nguyễn Hữu Thọ (đoạn từ cầu Kênh Tẻ đến siêu thị Lotte Mart) và đường số 15 (đoạn từ Lê Văn Lương đến Nguyễn Hữu Thọ). Cửa xả rạch Phú Thuận thuộc nhánh rạch Bà Bướm bị người dân lấn chiếm thay bằng cống nhỏ, gây ngập đoạn đường Phú Thuận (Q.7)...

“Việc bít, làm hẹp dòng chảy của cửa xả, hố ga, miệng cống, rạch thoát nước… gây ảnh hưởng lớn đến quá trình thoát nước và gây khó khăn cho công tác chống ngập trên toàn địa bàn TP. Biện pháp cuối cùng là trả lại nguyên trạng ban đầu cho lối thoát nước - đây là mong muốn lớn nhất của Trung tâm Chống ngập TP. Muốn thực hiện triệt để việc này, cần sự quyết liệt của chính quyền địa phương, nơi trực tiếp quản lý tình trạng lấn chiếm kênh rạch xây cất nhà cửa”, ông Long đề xuất.

Về thực trạng lấn chiếm kênh rạch để làm nhà ở, công trình, KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận định, do địa phương quản lý lỏng lẻo, cụ thể từ cấp phường, xã đến các phòng quản lý đô thị, tài nguyên môi trường và xây dựng của các quận, huyện.

Các quy định bảo vệ hành lang sông, kênh rạch được nêu rõ trong quyết định 150 ban hành năm 2004 của UBND TP, cụ thể đối với các sông cấp một - hai như sông Sài Gòn, hành lang bảo vệ sông rạch là 50m mỗi bên. Sông, kênh, rạch cấp ba - bốn hành lang là 30m mỗi bên, cấp năm - sáu là 20m mỗi bên.

Đối với kênh, rạch chưa được phân cấp kỹ thuật thì hành lang bảo vệ mỗi bên là 10m. Trên hành lang đó người dân không được lấn chiếm xây dựng nhà cửa, các công trình kiến trúc. Phần đất này sẽ được dùng để xây dựng bờ bao, bờ kè kết hợp làm đường giao thông, công viên, các công trình công cộng phục vụ cộng đồng.

“Khi một công trình lấn chiếm kênh rạch “mọc” lên, địa phương phải nắm rõ và đình chỉ ngay, tuyệt đối không được cấp chủ quyền cho trường hợp lấn chiếm. Trường hợp địa phương để tồn tại, phát sinh công trình lấn chiếm thì lãnh đạo phường, xã, trưởng phòng ban và thậm chí lãnh đạo quận, huyện phải chịu trách nhiệm với UBND TP, tùy mức độ vi phạm mà có hình thức kỷ luật đủ răn đe. Không nên để tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, càng minh bạch trong quản lý càng dễ xử lý mà có xử lý thì mới không tái diễn tình trạng lấn chiếm kênh rạch”, ông Sơn nói.

Thu Hồng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI