Học bổng "Nữ sinh hiếu học, vượt khó" lần thứ 26: Nhà mình thiếu tiền, không thiếu yêu thương

03/08/2016 - 19:44

PNO - Uyên năm nay lên lớp 12, cô bé nhận mình “già trước tuổi”, cảm nhận cuộc sống của một cô bé tự lập từ nhỏ, khiến cho những bài văn của Uyên luôn đạt điểm cao.

Trịnh Phương Uyên, học sinh lớp 11, trường Hoàng Hoa Thám - Q.Bình Thạnh, TP.HCM, đúc kết năm điều giúp em trở thành học sinh giỏi suốt 11 năm qua: “Trước hết là em thích học, ham học, không có gì tuyệt hơn những bài học. Thứ hai, học là con đường duy nhất để thoát nghèo, để có thể nuôi mẹ tuổi già. Mẹ đi làm khổ nhọc, em chỉ đi học thôi mà không học giỏi thì phụ công mẹ. Tiếp theo là học giỏi em mới có thể kèm cặp đứa em trai đang học lớp 8. Và học giỏi, sau này, khi xong đại học, em có thể đi dạy kèm trong thời gian chưa xin được việc làm”.

Uyên năm nay lên lớp 12, cô bé nhận mình “già trước tuổi”, cảm nhận cuộc sống của một cô bé tự lập từ nhỏ, khiến cho những bài văn của Uyên luôn đạt điểm cao. Năm học lớp 9, Uyên đoạt giải ba trong cuộc thi toàn thành phố môn ngữ văn. Năm lớp 10, một bài văn của Uyên được cô giáo cho 8,5 điểm, và photo gửi cho học sinh trong khối để cùng đọc. Uyên còn nhớ đề bài văn là từ lá thư của một nhà kinh doanh Nhật Bản gửi con trai với 11 lời khuyên. Trích ra cho bài văn của mình, Uyên đã chọn câu: “Tình yêu thương cho đi, không cần nhận lại”. Uyên viết từ câu chuyện gia đình mình, một nơi thiếu tiền, nhưng chưa bao giờ thiếu tình yêu thương, vì thế Uyên cảm thấy mình may mắn.

Uyên lên năm, ba mẹ ly hôn. Mẹ Uyên, chị Phạm Thu Hà, dắt con gái, bồng con trai về tá túc nhà ông bà ngoại. Uyên lớn lên, ít gặp mẹ vì “mẹ đầu tắt mặt tối đi làm kiếm tiền, nuôi con”. Uyên gần với bà ngoại Ngô Thị Hải hơn. Bà Hải kể: “Vợ chồng tôi cùng ba đứa con nhỏ từ Bắc vào Sài Gòn với hai bàn tay trắng. Con gái tôi, mẹ của Uyên, chỉ học được hết cấp II. Tôi buôn bán ngoài chợ, Hà đi làm, khi lắp ráp điện tử, có lúc bán vé xe, chủ phá sản thì thất nghiệp, cứ long đong suốt. Bây giờ, Hà đang làm công nhân cho một công ty nhựa, lương không nhiều. Tôi mở hàng tạp hóa tại nhà để có thêm chút tiền mua gạo, rau. Hai đứa cháu nội trai của tôi cũng đang ở với tôi, bố của các cháu đi làm xa. Ông nhà tôi đã mất từ lâu, nhà còn mấy mẹ con, bà cháu đùm bọc, thương yêu nhau”.

Hoc bong
Uyên và bà ngoại

Cuộc đời tần tảo của bà, của mẹ gieo vào những đứa trẻ trong ngôi nhà ấy ý chí, quyết tâm và đam mê học hành. Một cháu nội của bà Hải được học bổng đang du học tại Hàn Quốc. Điều đó càng khích lệ tinh thần vượt khó của Uyên. Noi gương người anh họ, vừa học, vừa rửa chén, dọn dẹp cho một nhà hàng để kiếm tiền ăn học ở nước ngoài, Uyên cũng vừa học, vừa phụ bà bán tạp hóa, nấu cơm, đi chợ…

Đối với Uyên, mùa hè là khoảng thời gian sôi động. Hè năm nay, Uyên nhận được một việc làm có lương: bưng bê, dọn dẹp tại một quán cà phê, từ 6g sáng đến 3g chiều. Số tiền kiếm được, Uyên đưa hết cho mẹ, phụ mẹ phần nào học phí cho năm học mới. Bà ngoại tiết lộ: “Dù là ngày hè, Uyên vẫn thức khuya để học, sáng lại dậy sớm chong đèn học tiếp, con nhà nghèo làm gì có chuyện đi học hè, phải tự học”.

Không chỉ đi làm, tự học, Uyên còn là “thủ lĩnh” của các em thiếu nhi khu phố 2, P.13, Q.Bình Thạnh. Dưới sự “chỉ đạo” của Uyên, các em nhỏ đã có một mùa hè phong phú các hoạt động: xem phim, văn nghệ, đi bộ tuyên truyền phòng chống ma túy… Tại lớp, Uyên luôn giữ chức phó bí thư Đoàn và tích cực tham gia các chương trình ngoại khóa của trường. Uyên rất tâm huyết và nhiệt tình khi về sinh hoạt Đoàn tại địa phương trong dịp hè. Uyên nói: “Em rất vui khi chơi với các em nhỏ, khi dạy các em múa hát, giúp các em hiểu được ý nghĩa của việc tham gia hoạt động ở địa phương để có được một cuộc sống tình nghĩa xóm làng. Nhiều em tham gia vui chơi hè nên đã bớt chơi game”.

Bà ngoại còn tiết lộ: “Các chị phụ nữ cũng mời Uyên tham gia văn nghệ của Hội Phụ nữ, rồi khi đội hình của đơn vị cựu chiến binh thiếu người múa, các bà cũng mời Uyên”.

Uyên múa đẹp, người dạy múa cho em là bà ngoại, bà từng là diễn viên múa của các đoàn văn công quân đội. Hiện nay, bà vẫn là “hạt nhân” trong các đội văn nghệ của quận. Bà cũng là “chuyên viên tư vấn” cho Uyên, chia sẻ với cháu những buồn vui của tuổi mới lớn.

Bà ngoại Uyên đã khó tính, mẹ còn khó tính hơn: “Nhà này, không có chuyện đi chơi long nhong về khuya, đi đâu là phải báo cáo lý do, càng không có chuyện sắm sửa đua đòi”. Năm Uyên lên lớp 5, mẹ em bảo: “Con đã lớn rồi, phải biết tự sắp xếp việc học, việc nhà của con, không đợi người lớn nhắc nhở”. Cũng từ đó, Uyên có thể quyết định được những chuyện nhỏ, chuyện lớn của mình.

Ước mơ của cô bé là trở thành nhà báo hoặc chuyên viên tâm lý. Phải có sức khỏe mới học giỏi được, mới thực hiện được nhiều ước mơ, và đó là lý do để Uyên trở thành cầu thủ của đội bóng đá nữ của lớp.

Công ty TNHH Thời trang và xe đạp Martin 107 ủng hộ 50 triệu đồng và 15 xe đạp

Ngày 2/8, ông Nguyễn Văn Cường, Trưởng phòng Kinh doanh, đại diện Công ty TNHH Thời trang và xe đạp Martin 107 trao tặng 50 triệu đồng và 15 chiếc xe đạp ủng hộ chương trình học bổng Nữ sinh hiếu học, vượt khó lần thứ 26, năm học 2016 - 2017 của báo Phụ Nữ.

Ngoài việc ủng hộ quỹ học bổng Nữ sinh hiếu học, vượt khó từ những ngày đầu, Công ty TNHH Thời trang và xe đạp Martin 107 còn là một trong những đơn vị đồng hành cùng nhiều hoạt động xã hội khác do báo Phụ Nữ thực hiện như: chăm lo tết cho người nghèo, hỗ trợ người dân vùng bão lũ, trợ cấp đột xuất cho nhiều hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật…

Hơn 20 năm thành lập và phát triển, từ một mẫu xe đạp truyền thống đến nay, ngoài mẫu xe đạp thông dụng Martin 107, công ty đã cho ra mắt nhiều dòng sản phẩm khác nhau như xe đạp thời trang, xe đạp thể thao, xe đạp điện, xe đạp trẻ em…

Được biết, Martin 107 vừa khai trương thêm showroom Asama tại số 149-151-153 Khánh Hội, P.3, Q.4, TP.HCM.

N. Thiện

Trường Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI