Hỗ trợ ngư dân bị ảnh hưởng vì cá chết: Tạo sinh kế cho người dân là quan trọng nhất

06/07/2016 - 06:40

PNO - Bộ LĐ-TB-XH xác định, tạo sinh kế cho người dân là vấn đề quan trọng nhất, trong đó tập trung vào đề án dạy nghề, việc làm và xuất khẩu lao động.

Ho tro ngu dan bi anh huong vi ca chet: Tao sinh ke cho nguoi dan la quan trong nhat
Bộ LĐ-TB-XH xác định, tạo sinh kế cho người dân là vấn đề quan trọng nhất

Liên quan đến sự cố cá chết hàng loạt, hiện Chính phủ đang giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cùng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) phối hợp xây dựng chính sách chuyển đổi nghề, khôi phục môi trường, tạo việc làm cho bà con ngư dân bốn tỉnh miền Trung.

Trao đổi với báo chí ngày 5/7, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp cho biết, trước khi có thông tin chính thức về việc Formosa cam kết bồi thường 500 triệu USD, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH đã đến khảo sát, làm việc với hai tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị, dự kiến sẽ tiếp tục làm việc với Quảng Bình và Hà Tĩnh để có giải pháp tổng thể hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố. Bộ LĐ-TB-XH xác định, tạo sinh kế cho người dân là vấn đề quan trọng nhất, trong đó tập trung vào đề án dạy nghề, việc làm và xuất khẩu lao động (XKLĐ).

Theo thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, hiện Bộ LĐ-TB-XH đang triển khai bốn chương trình XKLĐ lớn, tất cả đều ưu tiên cho lao động các huyện bị ảnh hưởng nặng sau sự cố cá chết, trong số này có chương trình EPS đi Hàn Quốc, với tổng chỉ tiêu 3.500 người. “Chương trình này sẽ dành ưu tiên cho những huyện ven biển bị ảnh hưởng. Với một số huyện bị ảnh hưởng có tỷ lệ cư trú bất hợp pháp cao, trước mắt Bộ sẽ dỡ bỏ lệnh hạn chế cho lao động các vùng này được tham gia”, ông Doãn Mậu Diệp nói.

Với các chương trình IM Nhật Bản, chương trình đưa điều dưỡng viên đi Nhật và đi Đức, Bộ LĐ-TB-XH cho biết, đang chia đều chỉ tiêu cho các địa phương, nhưng có thể Bộ sẽ ưu tiên hỗ trợ các địa phương này. Các chương trình này cũng sẽ được đào tạo miễn phí. Lao động ở những huyện bị ảnh hưởng, nếu đáp ứng được các điều kiện như có bằng cử nhân hoặc cao đẳng điều dưỡng, sẽ được Bộ ưu tiên trong các chương trình điều dưỡng viên.

Bên cạnh đó, với các chương trình XKLĐ do doanh nghiệp tiến hành, Bộ LĐ-TB-XH sẽ yêu cầu Cục Quản lý lao động ngoài nước mời các doanh nghiệp có uy tín triển khai hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng. Cụ thể như một số chương trình XKLĐ trong lĩnh vực tàu cá gần bờ tại Hàn Quốc và Đài Loan, Bộ sẽ yêu cầu Trưởng ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc và Đài Loan đàm phán với đối tác để tăng chỉ tiêu lao động xuất khẩu, hỗ trợ tối đa người dân của bốn tỉnh đi theo các chương trình này.

Theo thống kê của Bộ LĐ-TBXH, ước tính sơ bộ có khoảng 263.000 lao động đang bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường do Công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra. Trong đó, có khoảng 100.000 lao động bị ảnh hưởng trực tiếp. “Chúng tôi mong muốn không phải chuyển đổi toàn bộ số lao động này sang nghề khác, bởi những người dân ở vùng biển phải sống được từ biển. Có thể trong một vài năm trước mắt, hỗ trợ họ làm công việc tương tự tại vùng biển khác”, ông Doãn Mậu Diệp nói.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI