Hệ sinh thái giáo dục đại học ngập trong ô nhiễm

10/06/2019 - 07:32

PNO - Ngay trước mùa tuyển sinh, những vụ lùm xùm ở các trường đại học đang khiến một phần bức tranh giáo dục đại học trở nên bức bối, xám xịt.

Trường đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM (HUFLIT) phải rút tên những người không phải là giảng viên cơ hữu ra khỏi danh sách các giảng viên cơ hữu đã công bố, tính toán lại và giảm chỉ tiêu tuyển sinh năm 2019, đăng công khai trên cổng thông tin điện tử của trường để cán bộ, giảng viên, người học và cơ quan quản lý theo dõi, giám sát.

He sinh thai giao duc dai hoc ngap trong o nhiem
Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM vừa phải rút số lượng giảng viên cơ hữu, giảm chỉ tiêu tuyển sinh ngay trước mùa tuyển sinh

Trường đại học Luật TP.HCM dậy sóng đơn thư khiếu nại, tố cáo; mà theo lời tiến sĩ Võ Thị Kim Oanh, Chủ tịch Hội đồng trường, “lùm xùm, bất ổn trong nội bộ thời gian qua là do chiếc “ghế nóng” hiệu trưởng đang thiếu chủ” (theo Dân Trí). Trong hai ngày 30-31/5, đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm việc với lãnh đạo nhà trường để giải quyết những xung đột, ổn định tình hình.

Trường đại học Tôn Đức Thắng lại đang xung đột với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam - cơ quan chủ quản của trường. Xung đột nảy sinh khi Tổng liên đoàn lao động Việt Nam yêu cầu nhà trường phải “trích nộp 30% chênh lệch thu chi tài chính sau khi nộp thuế, mức nộp cụ thể do cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp quyết định”.

Vậy đấy, ngay trước mùa tuyển sinh, trong môi trường giáo dục lại bày biện chiêu thức vay mượn, thuê mướn học vị để tăng chỉ tiêu tuyển sinh chứ không mảy may đề cập đến chất lượng dạy học. Ngay cả thông báo số 556 của Kiểm toán Nhà nước đối với trường đại học Luật TP.HCM cũng chỉ xoay quanh tài chính, thu chi học phí, liên kết đào tạo… Rồi đến khi cái tỷ lệ 30% “buộc phải trích nộp” kia vỡ lở, kéo theo cả một “tảng băng chìm” đang trôi sau vô số trường đại học - người ta đã không còn gì để ảo tưởng về một hệ sinh thái giáo dục bậc cao đang ngập trong ô nhiễm.

Lẽ nào, đây chính là biểu hiện của cuộc khủng hoảng giữa thương mại hóa giáo dục với một “định chế giáo dục cao thay đổi thế giới” (tức giáo dục đại học, theo cách gọi và cũng là nhan đề của công trình biên khảo giá trị của Nguyễn Xuân Xanh - nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM)? Và giáo dục lúc này chỉ còn là một món hàng trước cái quyền lực thương mại đang trỗi dậy và thao túng nó?

Tất cả vấn đề này đều cần được tiếp cận vào bản chất, không thể mãi ve vuốt trong những quy tắc, thỏa thuận vốn ẩn chứa nhiều mâu thuẫn hay những hô hào bóng bẩy. Để rồi, hễ khi sẩy cái ung lại bung ra nhiều bất cập trái khuấy.

Ngày 9/6, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đã gửi văn bản cho Bộ Giáo dục và đào tạo, xin chỉ đạo một số nội dung để chuẩn bị triển khai thực hiện Luật Giáo dục đại học, áp dụng với đơn vị trường trực thuộc - Đại học Tôn Đức Thắng.

Những nội dung được Tổng liên đoàn lao động đưa ra trong văn bản này gần như là một sự tái xác lập, tái khẳng định vai trò, quyền hạn của chủ quản, thông qua chức danh và hiệu lực hoạt động của hội đồng trường, của chủ tịch hội đồng trường với đơn vị trực thuộc trong công tác quản trị, nhân sự, thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu.

Ví dụ, trong văn bản của tổng liên đoàn có nêu về việc “đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo xem xét tính hợp pháp của việc ban hành quy định các chức vụ chuyên môn giáo sư của Trường đại học Tôn Đức Thắng”. Trong khi, đây vốn là một “phát kiến” của nhà trường, trong chuyển động chung của giáo dục thế giới. Tức, mỗi trường đại học sẽ tùy vào mục tiêu đào tạo của mình để xây dựng tiêu chuẩn và tiêu chí chức danh học hàm của trường mình, họ được quyền chọn lựa, xét duyệt và công nhận học hàm ấy trong phạm vi đào tạo của mình.

Khung pháp lý đang ngày càng trở thành một lực cản. Mỗi xung đột lại cho thấy mục tiêu, sứ mạng, tầm nhìn và chính sách chất lượng của trường đại học Tôn Đức Thắng đang cần một cơ chế quản lý, tự quản lý rộng lớn hơn.

“Đại học cần phải là một cơ quan độc lập tận tụy với phúc lợi công chứ không phải phúc lợi tư”, cái huấn thị ấy, đặt trong diễn biến bức bối, xám xịt trong hơn tuần qua của một phần bức tranh đại học Việt càng được xem xét, mổ xẻ thấu đáo, cấp thiết hơn bao giờ hết.

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI