Hành trình của những cô đỡ thôn bản - Đừng gọi em là ân nhân

11/05/2017 - 11:38

PNO - Khi đường đến bệnh viện trùng trùng cách trở, những cô đỡ thôn bản vô tình trở thành nữ hộ sinh, thành bác sĩ, thậm chí thành... cái “bệnh viện di động” của sản phụ.

Thực tế, họ cũng chỉ là một phụ nữ cùng làng, chiều chiều lại nách con đi khắp xóm, đứng hỏi chuyện mẹ bầu, con trẻ rồi tỉ mỉ hướng dẫn cách dưỡng thai, vận động đến bệnh viện sinh con, nhắc nhở “đưa bé đi tiêm ngừa”...

Hanh trinh cua nhung co do thon ban - Dung goi em la an nhan
Công việc hàng ngày của H-Đông

“Chỗ dựa” của cả buôn

H-Wem có vẻ đẹp sắc sảo và hoang dại của một cô gái miền cao. Buổi đầu mới gặp, H-Wem không nói gì, chỉ cười. Cho nên, khi cô cất giọng trôi chảy bằng tiếng Kinh, tôi bất giác giật mình. Cũng đúng lúc đó, một chiếc xe gắn máy cà tàng dừng lại trước ngõ, người đàn ông trên xe nói vọng vào một tràng tiếng Ê đê. H-Wem lớn tiếng đáp lại. Người đàn ông lập tức quay xe đi ngay.

H-Wem thì hấp tấp đứng lên: “Đi ngay với mình vào trong này, nó cần mình rồi!”. H-Wem chở tôi lần theo một con đường đất bé xíu đầy ổ gà, ngoằn ngoèo cặp theo một rừng cà phê, miệng kể về gia đình chúng tôi đang đến. Cuối con đường là căn nhà cạnh một con suối. H-Wem thành thạo cho xe tấp vào gốc cây vú sữa, xốc lại cái túi dụng cụ, xăm xăm băng qua khoảng trống cạnh căn nhà, nhảy qua mấy hòn đá kê sẵn dưới lòng suối, hướng về phía cánh đồng bên kia.

Tôi cứ thế mà bám theo. Bờ ruộng lầy, hẹp. Cô chỉ căn nhà bên kia cánh đồng: “Nhà nó ở đó, mình vô trước, em đi cẩn thận nghe!”, rồi cô vụt chạy.

Hanh trinh cua nhung co do thon ban - Dung goi em la an nhan
Nho trong một lần khám thai.

Thật ra, H-Wem cũng chỉ mới biết đến đoạn đường cách trở, lầy lội này cách đây khoảng một tháng. Đêm ấy, đã 23h, một người đàn ông đến tìm cô, vừa đập cửa vừa la lớn: “H-Wem vô coi giùm, vợ tôi đau đẻ mà đẻ không được”. Không kịp chờ H-Wem thay quần áo, người đàn ông nói nhanh: “Nhà ở bên kia rẫy cà phê ông Teau, qua con suối nhỏ là tới” rồi dợm chạy.

H-Wem giao hẹn: “Tôi đi đến suối, rọi đèn pin qua là anh ra đón vô nghe!”. Đêm ấy chiếc xe Wave cà tàng của H-Wem bị hư đèn, cô vừa cầm lái vừa cầm cái đèn pin soi đường, vất vả trăm bề trên con đường ổ gà mà chúng tôi vừa đi. Hết đường, cô bỏ xe bên này con suối, rọi đèn pin về phía căn nhà bên kia mãi mà không thấy ai ra, đành mò mẫm bước sang. Tiếng trẻ con khóc, tiếng la hét từng hồi của người đàn bà, trộn lẫn tiếng quát tháo, giục giã của đàn ông vọng ra từ một căn nhà còn sáng đèn.

Lúc ấy là 0h, sản phụ đang quằn quại giữa hai đứa con nhỏ, dấu hiệu sinh đã quá rõ. H-Wem nhờ anh chồng “lùa” hai đứa con nhỏ ra sau nhà, rồi đỡ cho sản phụ sinh ngay tại nhà. Đó là một ca thuộc loại “suôn sẻ”. Sinh xong, H-Wem nhận nhiệm vụ tắm em để theo dõi tình trạng của hai mẹ con suốt một tháng sau đó. Hết một tháng, chị “chuyển giao” việc vệ sinh bé cho mẹ thì... năm ngày sau là phải quáng quàng chạy sang “ứng cứu” vì “nó cần mình rồi”.

Là một trong những cô đỡ giỏi của tỉnh Bình Phước, nhưng Ninh Thị Thim từng bao phen bị công việc đẩy vào những tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Chỉ cách rừng Nam Cát Tiên một con sông, nhưng làng của Thim cũng muôn trùng cách biệt với trụ sở xã. Có lần, đưa sản phụ mang thai ngôi ngược lên đến trạm y tế xã, Thim lại được chỉ định đưa lên tuyến huyện vì trạm không đủ điều kiện xử lý. Đường lên bệnh viện huyện vừa xa vừa vắng vẻ. Giữa đường, sản phụ không chịu nổi, nhất quyết phải “sinh ngay”.

Chưa từng được dạy đỡ đẻ thai ngôi ngược, lại thêm tiên lượng xấu từ trạm y tế xã, Thim tiến thoái lưỡng nan. Tình thế chẳng đặng đừng, Thim nhảy xuống xe, trải tấm bạt, lấy dụng cụ ra, đỡ đẻ ngay  ven đường. Lúc kéo được chân, rồi lại tự nghĩ cách đẩy phần trên đứa trẻ ra ngoài, chẳng hiểu sao Thim bật khóc.

Thế nhưng, bên cạnh cái niềm vui đến bật khóc của Thim, còn muôn vàn nước mắt bất lực của cô đỡ. Ở làng Groi (xã Kon Thụp, huyện Mang Yang, Gia Lai), Nho từng không ít lần chứng kiến hậu quả của việc tự sinh con tại nhà, khi cô đỡ được gọi xuống, thì… chuyện đã rồi. Có khi, em bé ra khỏi bụng mẹ đã chấn thương xương khớp, thậm chí mẹ rách cửa mình vì không được đỡ đẻ đúng cách.

H-Wem, Thim, Nho… mỗi cô đỡ thôn bản là một câu chuyện dài đầy vất vả và những nỗi đau nhói lòng. Cũng là phụ nữ như bao phụ nữ cùng làng, cũng từng tự sinh con hay giao phó chuyện sinh nở cho mụ vườn; các chị may mắn được chọn đào tạo kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản theo chương trình Cô đỡ thôn bản trước khi trở về buôn làng, thành người tuyên truyền kiến thức, dạy kỹ năng và là “chỗ dựa” cho những bà mẹ trẻ em cùng làng. Cái “gánh nặng sinh nở” mà do địa bàn phân tán, cách biệt văn hóa, cán bộ y tế không kham nổi được chuyển sang vai họ. 

Tự nuôi nghề

Ở xứ này, đàn bà là trụ cột. Vậy nên, việc phụ nữ quần quật gánh vác gia đình, bươn bả lên rẫy suốt thai kỳ càng “dễ hiểu” bao nhiêu, thì việc “trụ cột” ấy theo nghề cô đỡ thôn bản, bỏ nương rẫy chạy lo chuyện sinh nở cho người làng, càng… “ngược đời” bấy nhiêu.

Năm 2007, khi được chọn theo học chương trình đào tạo Cô đỡ thôn bản, H-Đông (SN 1986) chỉ vừa sinh con được vài tháng. Theo xe của Sở Y tế Đăk Lăk, chị khóc suốt đường xuống Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM. Trong lớp chị, ai cũng đều gửi lại cho chồng coi ngó ba-bốn đứa con để đi học. Ban ngày tất bật việc học, nhưng đến giờ ăn, giờ ngủ là người này nhìn người kia, rớt nước mắt vì nhớ con, nhớ buôn làng.

Sau mỗi đợt đào tạo kéo dài sáu tháng, hàng trăm cô đỡ thôn bản được trả về để lãnh trách nhiệm “giúp buôn làng bớt khổ đường sinh con”. Trong sáu tháng ấy, nhiều anh chồng lẳng lặng nuôi con, phụ vợ tiền tiêu vặt, rồi nhiều năm sau còn phải… nuôi vợ đi làm. Trước đây, mỗi cô đỡ thôn bản nhận phụ cấp 50.000đ/tháng, có nơi được 200.000đ/tháng; nhưng từ 2014 đến nay, phụ cấp bị cắt, ngoài những dụng cụ được cấp, các cô đỡ phải tự túc mọi chi phí cho hoạt động của mình.

Tất cả những nhọc nhằn ấy, dù được nghe kể, được chứng kiến tận mắt trong suốt chuyến thực tế, cũng không làm tôi ám ảnh bằng ánh mắt thật thà, nhẫn nại, có phần như ngây dại của Djen và những quả quyết hồn nhiên của H-wem Ênuôl. Trên con đường làng Kon Mahar (xã Hà Đông, huyện Đak Đoa) có một quán từ thiện, nằm ngay giữa làng, tường gỗ bạc thếch, cửa đóng im ỉm.

Theo chị Thúy - nữ hộ sinh xã Hà Đông, “quán từ thiện” thường do cha xứ mở, tìm kiếm và vận động những nguồn hàng để bán rẻ hoặc phát miễn phí cho những buôn làng quá khó khăn. Cạn hàng thì quán đóng cửa. Tiệm tạp hóa duy nhất còn mở cửa hôm ấy là tiệm của Djen. Buồn tẻ, vắng tanh. 

Không quen nói về việc mình làm, Djen còn nguyên cái ngọng nghịu của một cô gái vùng cao ít giao tiếp. Giọng kể tiếng Kinh chầm chậm, lơ lớ của cô khiến những chuyện buồn càng như chân thực hơn: “Dù người dân chửi mình nhưng khi họ cần mình vẫn đến ngay. Mình thương dân thì mình làm, dù không có tiền cũng làm”. Rồi như nhận ra mình nói chưa thật chính xác, chị chữa lại: “Không phải mình không cần tiền. Mình cần tiền lắm, nhưng Nhà nước không cho mình tiền. Mà không có tiền thì mình cũng làm thôi”. 

H-Wem Ênuôl có xe máy công việc cũng thuận tiện hơn. Nhưng những hôm sáng sớm đã thấy Ênuôl bước xuống từ một chiếc xe khách, ở gần cái quán tạp hóa đầu ngã ba vào buôn E Ga, là biết đêm qua trong làng có người đẻ ở bệnh viện. Nhiều lúc, vừa xuống xe là Ênuôl tấp ngay vào quán tạp hóa của chị Thanh, “xác nhận” món nợ ban tối. Đêm trước, sản phụ trở dạ nửa đêm. Đường từ nhà sản phụ đến trạm y tế chỉ có thể đi bằng… máy cày mà nhà sản phụ không có.

Ênuôl phải đập cửa từng nhà trong xóm để mượn một chiếc máy cày đưa sản phụ lên trạm xá. Có xe rồi, cả người cho mượn lẫn chủ nhà đều lúng túng vì… hết xăng. H-Wem lại lần nữa “bảo lãnh”: “Lên quán tạp hóa mua nợ, ghi tên H-Wem Ênuôl”. Con số ghi nợ cứ dài ra theo tần suất đi lại của Ênuôl vì chị làm không lương, lại phụ trách cả ba buôn E Ga, Ê Bung và KNir (xã Eautieu, huyện Cư Kuin, Đăk Lăk).

Mọi nợ nần, sinh hoạt phí gia đình của Ênuôl, đều trông vào tiền công đi rẫy của chồng. Vậy mà hôm cùng tôi vượt suối đến thăm đứa bé đang khóc ngằn ngặt vì rôm sảy, được người nhà biếu một buồng chuối, chị nhất quyết không nhận. Trên đường về, chị nói: “Mình không lấy đồ của người dân đâu. Người dân kêu mình là “ân nhân”, mình không chịu. Đây là công việc. Mình chỉ cố làm tốt việc của mình, mình không muốn làm ân nhân”.

Câu nói ấy thật sự thấm vào tim người nghe, khi chứng kiến cảnh chị xách túi lao vào những tình huống trắc trở mỗi ngày khi miếng ăn dồn đuổi, con cái nheo nhóc, lương tiền lại chẳng có một xu. Đó có phải là công việc? Chính danh thì phải gọi là một việc “thiện nguyện”, việc của một “ân nhân”.

Nhưng cả Nho, Cret, H-Wem, H-dong… đều không nhận là mình làm thiện nguyện, mà đang làm vì những kiến thức, kỹ năng đã được ký thác, vì một niềm tin và ước vọng nào đó…

Tỉnh Gia Lai đã đào tạo 326 cô đỡ nhưng chỉ 187 cô hoạt động. Công việc không được phụ cấp khiến nhiều cô đỡ không theo được, số còn làm việc thì rất chật vật. Theo bà Bùi Thị Bích Dung - Giám đốc TT Chăm sóc sức khỏe tỉnh Đăk Lăk, hoạt động của các cô đỡ thôn bản do trạm y tế xã quản lý. Ngoài công việc ở địa bàn, các cô còn phải thực hiện báo cáo hàng tháng, hàng quý. 

Họ đã hỗ trợ cho y tế địa phương rất lớn trong việc đẩy lùi những bất trắc sản khoa. Đầu năm nay, tỉnh Đăk Lăk có bốn ca uốn ván rốn, đều rơi vào những buôn làng không có cô đỡ. Nhưng, ngoài những cô được tuyển làm cộng tác viên dân số hoặc cán bộ y tế thôn bản, các cô đỡ còn lại đều không có phụ cấp. Đăk Lăk có 132 cô được đào tạo nhưng chỉ 101 cô còn hoạt động; trong đó, 31 cô không có phụ cấp.


Minh Trâm

Bài 3: Một ca đỡ chưa tròn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI