Hàng trăm ngàn tấn bùn đen bủa vây vịnh biển Chân Mây

08/06/2018 - 13:00

PNO - Hơn 870.000m3 bùn nhiễm mặn đổ đầy các bãi đất hoang, nằm sát các tuyến đường nội bộ dẫn vào cảng Chân Mây, gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường.

Các bãi đầm lầy “nhân tạo” này nằm sát với vịnh biển du lịch - nơi có rất nhiều du khách quốc tế, tàu biển cao cấp đi qua khi đến Huế.

Hang tram ngan tan bun den bua vay vinh bien Chan May
Bùn đen sì và bốc mùi hôi thối đổ sát các tuyến đường nội bộ vào cảng biển Chân Mây

Ngập tràn bùn đen trên vịnh biển du lịch

Trong quá trình thực hiện dự án đê chắn sóng cảng Chân Mây (H.Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế), các nhà thầu hút bùn - Công ty cổ phần Đạt Phương và Tổng công ty xây dựng Lũng Lô - đã hút hơn 870.000m3 bùn nhão nhiễm mặn từ đáy biển đổ vào đất liền.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu kinh tế - công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế, có hai khu đất, với diện tích gần 42ha, được đổ bùn để xử lý. Trong đó, có hàng chục ha đất từng là khu vực ao hồ nuôi trồng thủy sản của người dân xã Lộc Vĩnh (đã được giải tỏa, đền bù) bị đổ bùn xuống, tạo nên những đầm lầy sâu và rất nguy hiểm. Thế nhưng, đơn vị thi công không khoanh vùng, làm hàng rào cảnh báo, mà chỉ cắm những biển thông báo rất sơ sài.

Quan sát tại hiện trường, một đường ống lớn và dài nối từ các máy hút bùn ngoài biển đã đưa bùn vào đất liền, tạo thành những đầm lầy khổng lồ bốc mùi hôi thối. Tuần trước, do đơn vị thi công xả bùn vào nhanh, trạm biến áp của Trạm biên phòng Cửa khẩu cảng Chân Mây đã gặp sự cố chập điện, phải câu điện tạm của đơn vị hải quan bên cạnh để dùng gần bốn ngày.

Hang tram ngan tan bun den bua vay vinh bien Chan May
Hệ thống ống dùng để hút bùn từ khu vực bờ biển vịnh Chân Mây vào đầm

Ông Lê Phước Nam - phụ trách kỹ thuật Công ty Đạt Phương - cho biết, việc thi công hút bùn chủ yếu do Tổng công ty xây dựng Lũng Lô đảm trách. Thời gian hút bùn từ ngày 29/4 vừa qua, trong khi hút đã có một số vấn đề chưa đảm bảo.

Tôm chết do ô nhiễm từ nước thải bùn?

Trước việc bùn đen tràn ngập vịnh biển Chân Mây, UBND xã Lộc Vĩnh đã yêu cầu hai đơn vị thi công dừng mọi hoạt động hút bùn do lo sợ nước bùn đen tràn vào, ảnh hưởng khu nuôi trồng thủy sản của các hộ dân ở thôn Bình An 2 và Phú Hải.

Theo ông Nguyễn Xuân Bảo, Phó chủ tịch xã Lộc Vĩnh, xã đã cho lấy hai mẫu nước bùn đen đưa đi kiểm nghiệm, hiện chưa có kết luận liệu môi trường ở khu vực thải bùn có ô nhiễm hay không.

“Trách nhiệm của địa phương cũng chỉ dừng lại ở việc lập biên bản, không cho phép tiếp tục hút bùn. Điều chúng tôi lo nhất là khi trời mưa, nước bùn bẩn sẽ chảy tràn vào, gây ảnh hưởng khu vực nuôi trồng thủy sản, diện tích 20ha, của người dân địa phương” - ông Bảo nói.

Theo ông Tôn Thất Viễn Điểm, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu kinh tế - công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế, dự án đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 1 có tổng kinh phí hơn 700 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2018 đến 2020. Chiều dài đê 450m, thân đê bằng đá phủ bê tông. Việc nạo bùn từ đáy biển ở độ sâu 10-12m đổ vào đất liền là công đoạn đầu, sau đó sẽ đổ vật liệu xuống tạo phần đáy đê.

Khối lượng bùn biển và cát hút lên được đổ vào phần đất nguyên là bờ biển cũ theo quy hoạch. Do sau này người dân tự ý nuôi trồng thủy hải sản trái phép nên nhiều người cứ tưởng là đất nuôi trồng thủy hải sản.

Hang tram ngan tan bun den bua vay vinh bien Chan May
 

“Trước đây có phương án đổ bùn ra ngoài biển, nhưng vì quá nhạy cảm nên chúng tôi chọn phương án đổ bùn trong đất liền. Việc đổ bùn đã được xác định vị trí bãi thải cũng như đánh giá tác động môi trường. Sẽ có hệ thống mương thoát nước nhằm lắng bùn và cho chảy ra biển nước bùn đã lọc. Tuy nhiên, vì chưa làm kịp hệ thống mương nên đã xảy ra tình trạng gây mất an toàn lưới điện. Đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được công văn bên điện lực” - ông Điểm nói.

Tuy nhiên trong văn bản của Công ty Điện lực Phú Lộc gửi cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu kinh tế - công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trạm biến áp Cửa khẩu cảng Chân Mây được xây dựng ở vị trí khô ráo, thiết kế đúng tiêu chuẩn ngành điện. Chính do các nhà thầu của dự án bơm nước vào khu vực có trạm biến áp, làm ngập nước đến sát đáy tủ hạ thế, gây mất an toàn điện.

Ngày 7/6, Phòng Tài nguyên - Môi trường H.Phú Lộc đã nhận báo cáo khẩn từ UBND xã Lộc Vĩnh về việc tôm nuôi gần vịnh Chân Mây chết hàng loạt, nghi do nguồn nước ô nhiễm thải ra từ túi bùn “khủng” tại đây. Báo cáo của UBND xã Lộc Vĩnh nêu rõ, lượng bùn thải tại khu vực cầu cảng số 2 và số 3 cũng như tại cửa biển Lạch Giang, có độ dày có nơi lên đến gần 1m. Nguồn nước màu xám đen, theo triều cường đã tràn vào khu vực nuôi trồng thủy sản của người dân Lộc Vĩnh. 

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI