Hạn nặng, dân phải uống nước suối trâu dầm

19/08/2019 - 14:00

PNO - Do nắng hạn lâu, nhiều nơi ở huyện Nam Đông và A Lưới,, người dân đành phải uống nước suối ô nhiễm vốn là chỗ trâu dầm.

Nắng hạn 5 tháng liền, gần như toàn bộ sông, suối ở hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới của tỉnh Thừa Thiên - Huế khô cạn, không còn khả năng cấp nước sinh hoạt cho người dân. Nhiều nơi, người dân đành phải uống nước suối ô nhiễm vốn là chỗ trâu dầm.

“Nước tự chảy” không còn chảy

Giữa trưa tháng Tám, ông Hồ Văn Dương - ở thôn 3, xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông - nhễ nhại mồ hôi đẩy chiếc xe rùa chở hai thùng nước.

“Cả thôn có 104 hộ nhưng chỉ có 40 hộ dùng nước tự chảy, còn lại đều phải dùng nước giếng, nước suối để sinh hoạt. Muốn lấy nước, phải đi xa 2-5km, hết đẩy xe rồi gánh, không thì chết khát” - ông Dương nói. 

Han nang, dan phai uong nuoc suoi trau dam
Hệ thống nước tự chảy đã tê liệt, từ sáng sớm người dân xã Thượng Quảng huyện Nam Đông đã đi lấy nước ngoài suối

Theo ông Dương, cả thôn chỉ có 3 cái giếng đào nhưng cứ đến mùa nóng là nhiễm phèn, không dùng được, bà con chỉ còn cách uống nước suối. 

“Cứ nhìn trâu đang dầm dưới kia, rồi chai lọ thuốc trừ sâu trôi dạt là biết bẩn cỡ nào, nhưng chịu thôi, tiền đâu mua nước bình, nước đóng chai. Không riêng nhà tôi, 300 hộ dân của xã Thượng Nhật cũng lấy nước suối, nước khe về dùng” - ông nói tiếp. 

Huyện Nam Đông lâu nay được xem là “chảo lửa” của tỉnh Thừa Thiên - Huế, vốn thường xuyên thiếu nước, nay lại rơi vào cảnh khô kiệt. 

Trong số 5 xã của huyện Nam Đông đang thiếu nước, Thượng Quảng là xã thiếu nước trầm trọng nhất. 

Múc nước vào xô ở suối Tơ Niêng, ông Hồ Văn Mão (thôn 2, xã Thượng Quảng) buồn bã: “Bốn tháng rồi không có nước sạch để uống. Cả xóm hơn 30 hộ, có 2 cái giếng nhưng đã cạn đáy từ lâu rồi. Sáng nào, dân cũng ới nhau đi lấy nước ở suối cách 3km, may là được tí nước sạch, chứ muộn thì chỉ có nước tắm vì trâu dầm bẩn lắm”. 

Nghe hỏi về “nước tự chảy”, ông Mão lắc đầu: “Hư lâu rồi”.

Hệ thống nước tự chảy tại đây được Nhà nước đầu tư xây dựng từ năm 2005 với 10 công trình cấp nước đạt chuẩn, phục vụ 2.700 hộ dân 5 xã vùng cao H.Nam Đông gồm Thượng Long, Thượng Nhật, Hương Hữu, Hương Giang, Thượng Quảng. 

Hiện tại, 7/10 công trình hư hỏng hoàn toàn do năng lực quản lý yếu, thiếu vốn duy tu, bảo dưỡng. 

Han nang, dan phai uong nuoc suoi trau dam
Những giọt nước cuối cùng được ông Hồ Văn Mão và người dân ở thôn 2, xã Thượng Quảng đem về nhà để sinh hoạt

Ông Phạm Văn Nhoi (thôn Làng Măng, xã Thượng Quảng) buồn bực: “Bà con không biết làm gì để có nước ăn uống. Nhiều hộ bỏ ra 5-10 triệu đồng thuê thợ về đào giếng khoan, có giếng đào sâu tới 70-80m vẫn không có nước”. 

Ông Trần Quốc Phụng - Chủ tịch UBND huyện Nam Đông - cho biết, do khô hạn, một số hệ thống nước tự chảy không hoạt động. Hiện tại, có hơn 3.000 hộ dân của H.Nam Đông đang thiếu nước sinh hoạt do nắng hạn kéo dài. 

“Bà con uống nước sông suối, ao hồ, không đảm bảo vệ sinh dẫn đến dịch bệnh như tiêu chảy. Chúng tôi đã chỉ đạo người dân khơi thông các giếng hiện có nhưng không khả thi. Người dân hiện phải đi lấy nước rất xa. Đây là hiện trạng chung của 5 xã vùng cao. Về lâu dài, cần có biện pháp cung cấp nước sinh hoạt cho người dân” - ông nói.

Thủy điện phớt lờ trách nhiệm 

Huyện A Lưới hiện cũng trong tình trạng khát cháy. Nguyên nhân làm mất nước hoặc sụt giảm nước ngầm ở các khe suối của huyện được xác định là do thủy điện A Lưới. 

Cuộc sống của 1.300 hộ dân ở các xã Hồng Thái, Hồng Thượng, Hồng Quảng, Nhâm, Sơn Thủy, Phú Vinh của huyện này đang rất khó khăn: nước sinh hoạt không có, hơn 200ha lúa đang chết cháy vì thiếu nước. 

Hơn 100 hộ dân tộc Tà Ôi, Pa Cô ở xã Sơn Thủy, Hồng Thái, Hồng Thượng, Phú Vinh phản ánh rằng, dự án thủy điện đã gây tụt giảm nghiêm trọng mạch nước ngầm. Tuy nhiên, chủ đầu tư dự án thủy điện là Công ty cổ phần Thủy điện Miền Trung phớt lờ. 

Được biết, dự án thủy điện A Lưới được khởi công từ năm 2007 với công suất 170MW, tổng mức đầu tư hơn 3.200 tỷ đồng.  

Ông Nguyễn Thanh Điền - cán bộ UBND xã Phú Vinh - cho hay, trong quá trình thực hiện dự án thủy điện A Lưới, đơn vị thi công đã xây con kênh dài hơn 2km từ xã Hồng Thượng về xã Phú Vinh để lấy nước từ hồ chứa sông A Sáp đưa về nhà máy phát điện. 

Từ khi có con kênh này, nước mặt và mạch nước ngầm ở huyện này sụt giảm nghiêm trọng, sông suối, giếng nước đều khô cạn, trơ đáy. 

Chỉ vào con suối A Co ở thôn Phú Thành cạn khô, lởm chởm đá giữa lòng, ông Điền không giấu được nỗi lo: “Trước đây nó đầy nước, là nguồn tưới cho hàng chục héc-ta hoa màu và cây lâm nghiệp của bà con địa phương, nhưng mùa hè này, nó thành con suối chết, chẳng cây con nào sống nổi”.

Đã nhiều mùa hè qua, người dân xã Phú Vinh, Hồng Thượng nghĩ ra trăm phương ngàn kế để chống hạn như chuyển từ trồng lúa, trồng hoa màu sang các loại cây trồng chịu được khô hạn, nhưng đều thất bại do thiếu nước trầm trọng. Thậm chí, có hộ dân phải di dời đến nơi khác sinh sống. 

Han nang, dan phai uong nuoc suoi trau dam
Nhiều giếng nước của người dân xã Hồng Thượng (huyện A Lưới) đã bỏ hoang từ nhiều tháng nay vì trời khô hạn không có giọt nước nào

Ông Trần Rế - ở thôn Phú Xuân, xã Phú Vinh - kể: “Vợ chồng tôi chuyển về đây sinh sống đã hơn 10 năm với nghề chăn nuôi, trồng trọt, đào đất vườn làm hồ thả cá, thu nhập cũng ổn định. Thế nhưng, từ ngày có dự án thủy điện, nguồn nước ở đây khô cạn. Mùa hè năm nay, gia đình tôi tốn hơn 6 triệu đồng nạo vét, nhưng giếng sâu hơn 10m cũng trơ đáy, dân trong thôn phải chở nước bẩn từ trong khe suối ra rồi lọc uống. Nếu chủ đầu tư dự án thủy điện không đền bù gì cho người dân thì thật là vô lý”. 

Theo thông tin chúng tôi có được, từ năm 2012, UBND H.A Lưới và các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, kiểm kê số hộ dân có diện tích đất đai, nhà cửa, ruộng vườn bị ảnh hưởng bởi dự án thủy điện nhưng đến nay, người dân vẫn chưa được hỗ trợ hay đền bù gì.  

Lý giải tình trạng khô hạn kéo dài, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND huyện A Lưới - cho biết, qua kiểm tra, các cơ quan chức năng xác định, hiện tượng mất nước mặt và tụt giảm mạch nước ngầm ở hai xã Phú Vinh, Hồng Thượng xảy ra từ năm 2010, nguyên nhân chính là do thủy điện A Lưới gây ra.

Khi chưa thi công các hạng mục dự án thủy điện thì hoàn toàn không có hiện tượng này. Tuy nhiên, Công ty cổ phần Thủy điện Miền Trung lại cho rằng, phải có cơ sở khoa học xác định nguyên nhân sụt giảm nước mặt và nước ngầm, mới có phương án đền bù. 

“Mới đây, UBND huyện lập phương án đề xuất và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã giao Trường đại học Nông Lâm Huế thực hiện đề tài khoa học nghiên cứu, đánh giá, tìm nguyên nhân của hiện tượng mất nước mặt, tụt giảm mạch nước ngầm tại H.A Lưới. 

Đến cuối tháng 7/2019, Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh đã thông qua đề tài khoa học này. Địa phương rất mong muốn sớm có cơ sở khoa học để yêu cầu phía chủ đầu tư dự án thủy điện hỗ trợ, đền bù và có giải pháp khắc phục nhằm ổn định cuộc sống cho người dân” - ông Hùng nói. 

Tình trạng thiếu nước sạch trầm trọng vào mùa hè đã gây nên nhiều bệnh tật cho người dân ở hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới, nhất là các bệnh về da và đường tiêu hóa, làm chất lượng sống của người dân giảm sút. Trước thực trạng này, ông Nguyễn Văn Phương - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho biết, cuối tháng 7/2019, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt bổ sung danh mục dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh năm 2019, định hướng đến năm 2020, trong đó có dự án Nhà máy nước Thượng Long tại H.Nam Đông và mạng lưới cấp nước sạch D50-D225 các xã Thượng Long, Thượng Quảng, Hương Giang. Dự án này có công suất 2.000 m3/ngày đêm, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 51,9 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án là 3 năm.

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI