Hai phép giải bài toán kẹt xe

23/08/2019 - 06:46

PNO - Bài toán kẹt xe tại TP.HCM không chỉ có các biến số đơn giản như diện tích mặt đường, số tuyến đường, lượng xe máy, ô tô hay mật độ xe cộ tại một vị trí, ở một thời điểm.

Kẹt xe là vấn nạn nhức nhối của nhiều đô thị trên khắp thế giới, đặc biệt là các siêu đô thị trên 10 triệu dân. Ngoài một phần mềm giúp cộng đồng cư dân tìm đường thoát kẹt, đã có nhiều đề xuất, dự án được triển khai nhằm “giải cứu” TP.HCM nói chung và các điểm nóng kẹt xe, thậm chí có cả những  đề xuất cực đoan như cấm xe, cấm đường.

Thế nhưng, bài toán kẹt xe tại TP.HCM không chỉ có các biến số đơn giản như diện tích mặt đường, số tuyến đường, lượng xe máy, ô tô hay mật độ xe cộ tại một vị trí, ở một thời điểm.

Mỗi sáng, mỗi chiều, chiếc cầu Kênh Tẻ nối Q.7 và Q.4 vẫn là nỗi ám ảnh của biết bao người. Cộng đồng cư dân Phú Mỹ Hưng muốn sang Q.1, nếu không qua cầu Kênh Tẻ, sẽ phải đánh một vòng xa hơn nhiều. Nhưng nếu muốn qua cầu, họ hẳn cần một hệ thần kinh thép để xông vào giữa những chiếc xe hơi chiếm gần hết mặt cầu và những chiếc xe máy lèn vào mọi khoảng trống có thể để rồi tất cả đều phải nhích từng chút một hoặc… dừng lại ngắm dòng kênh và cố giữ lòng bình thản.

Hai phep giai bai toan ket xe
Cảnh kẹt xe thường lệ trên cầu Kênh Tẻ - xe hơi chiếm hết đường xe máy

Đoạn đường Nguyễn Thái Sơn, từ cầu vượt vòng xoay Nguyễn Thái Sơn đến ngã ba Nguyễn Thái Sơn - Phạm Ngũ Lão rất ngắn và rộng 3 làn xe, song cứ hễ kẹt xe là xe máy sẽ tràn qua làn ô tô để lao vào phần đường ngược chiều, tìm cách thoát đi. Mỗi chiếc ô tô dừng lại để tránh va chạm với những chiếc xe máy bất chấp luật lệ ấy là một lần mật độ giao thông tăng lên, khi những chiếc xe khác tiếp tục đổ vào.

Với lý do “cuộc sống mà!”, những chiếc taxi hay xe ôm công nghệ sẵn sàng quay đầu ngay trên vạch cấm, trên phần đường dành cho người đi bộ, leo lên lề để tiết kiệm nhiên liệu, để nhanh chóng đón trả khách, bất chấp mọi nguy hiểm họ có thể gây ra cho người khác và cho chính bản thân. Không phải ngẫu nhiên mà các diễn đàn xe cộ phát đi lời kêu gọi đậu xe, bấm kèn, lái xe có ý thức và nhiều lái xe lên án hành vi lấn làn, giành đường, vượt ẩu…

Tại một giao lộ đông đúc, hình ảnh dễ thấy là một vài hoặc nhiều chiếc xe lấn qua làn đường ngược chiều và… kéo theo cả đám đông phía sau. Hành vi trái luật và phản văn minh ấy, khi được “tập huấn” thường xuyên qua từng ngày, dần trở thành một phản xạ có điều kiện của không ít người tham gia giao thông, rằng cứ kẹt xe là lấn, là chen vào mọi vị trí có thể lèn được. Nếu sau đó dòng người kẹt cứng và hỗn loạn thì… ai cũng phải dừng, có riêng gì mình đâu.

Câu chuyện chiếc xe bán tải bật đèn cảnh báo nguy hiểm để cướp đường, hung hãn đối đầu với xe khác và sau đó bị phạt nguội nhờ camera hành trình và phản ứng dữ dội của dư luận chỉ là một mảnh ghép rất nhỏ trong bức tranh ý thức và văn hóa giao thông. Cư dân của một đô thị thông minh, hiện đại không thể là những người thiếu hiểu biết pháp luật và coi thường các quy định pháp luật. Trái lại, cư dân đô thị đó phải chính là những người góp phần xây dựng văn minh đô thị, từ những việc nhỏ nhất như tôn trọng bản thân và người xung quanh khi mang xe ra đường, tham gia giao thông.

Nhịp sống nhanh, hiện đại khiến con người trở nên vội vã. Điều đó không thể tránh được. Điều có thể tránh được là ngay trong sự vội vã, chúng ta giữ được nền tảng văn hóa, để mọi thứ có thể vận hành, dù chậm, thay vì buộc phải dừng lại. Thật mỉa mai khi những con đường cao tốc như TP.HCM - Long Thành, TP.HCM - Trung Lương, theo lý là phải đảm bảo giao thông liên tục, cũng kẹt xe, chỉ vì ai cũng muốn nhanh chóng thoát đi, ai cũng nêu lý do “cuộc sống mà!”.

Giải bài toán kẹt xe cho TP.HCM, ngoài những nỗ lực của chính quyền - những chiếc cầu vượt, những con đường mới, tuyến xe buýt, phần mềm thông tin giao thông… cần rất nhiều ý thức của cư dân đô thị trong những việc tưởng chừng nhỏ nhặt như chạy xe đúng làn, dừng xe sau vạch chờ đèn đỏ. Sẽ là vô lý khi chúng ta xem ảnh hàng dài xe trật tự nối đuôi nhau ở Ấn Độ, Campuchia rồi khen công dân nước bạn có ý thức tốt vì không có xe nào cố vượt lên để rồi ngay sau đó chúng ta lại bất chấp tính mạng mình và người khác bằng câu “cuộc sống mà!” ở thành phố này. 

Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI