Nghị định cần hướng tới người tiêu dùng

23/08/2017 - 17:48

PNO - Nên chăng nhà nước đầu tư kinh phí, mời các chuyên gia về sản phẩm hữu cơ của thế giới giúp đỡ thay vì tự làm rồi không chắc thuyết phục được doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng.

Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đang được người tiêu dùng toàn cầu quan tâm, cũng là xu hướng sản xuất của nhiều nền nông nghiệp tiên tiến. Ngay cả quốc gia láng giềng Campuchia cũng đang thúc bách nền kinh tế nông nghiệp sản xuất sản phẩm hữu cơ. Thế mà đến nay, nghị định về quản lý sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho Việt Nam mới được đặt lên bàn soạn thảo.

Nghi dinh can huong toi nguoi tieu dung

Việt Nam là nước có bề dày về sản xuất nông nghiệp, còn giữ được nhiều giống cây trồng bản địa, nên có lợi thế lớn để phát triển nông nghiệp hữu cơ. Việc ban hành nghị định thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ là tín hiệu đáng mừng. Song vẫn “cần có những chính sách đặc thù để­­­­ phát triển nông nghiệp hữu cơ, ưu tiên những chính sách hiện có cho nông nghiệp hữu cơ” - đúng như tinh thần quyết liệt của ông Phạm Đồng Quảng - nguyên Cục phó Cục trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đã nêu.

Thực tế, các đơn vị sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam hiện vẫn theo nhiều tiêu chí, tiêu chuẩn khác nhau - từ quốc tế đến tự phong. Tiêu chuẩn GlobalGAP hoặc VietGAP cũng từng trở thành mảnh đất màu mỡ để nhiều người trục lợi. Mỗi danh hiệu có xấp xỉ 10 đơn vị chứng nhận. Giá thẩm định, cấp giấy mỗi nơi mỗi khác.

Chuyện mua bán danh hiệu đã xảy ra. Nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng không còn tin vào giấy chứng nhận nữa. Nói thế không có nghĩa là ta không cần thiết lập quy chuẩn sản phẩm hữu cơ. So với các nước, Việt Nam đang rất cần bộ quy chuẩn này và cần hơn lúc nào hết vì tình hình nhiễm độc thực vật, đất đai, sông suối khiến nông sản Việt đang bị nghi ngờ. Cách để thuyết phục thị trường là làm ra những sản phẩm hữu cơ thực sự và được chứng nhận chất lượng, dù con đường làm hữu cơ thật sự không dễ dàng.

Nhưng, nghị định mới liệu có vẽ ra mê cung khiến nông dân lẫn người tiêu dùng tốn thời gian, tiền của lạc vào rồi vội vã thoát ra với gánh nợ trên lưng như từng xảy ra trong lịch sử của các hoạt động sản xuất tương tự? Đặc biệt, trong bối cảnh Bộ NN-PTNT đang để các chất độc hại tràn lan, mất kiểm soát và nhiều chứng nhận bị mua bán thì các cơ quan liên quan cần có hành động cụ thể cho dân tin tưởng. 

Nên chăng nhà nước đầu tư kinh phí, mời các chuyên gia về sản phẩm hữu cơ của thế giới giúp đỡ thay vì tự làm rồi không chắc thuyết phục được doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng. Cần thiết, nên ứng dụng công nghệ thông tin, dán mã vạch và các biện pháp kiểm soát khác để người tiêu dùng chủ động và dễ dàng kiểm tra chất lượng sản phẩm.

Có như vậy, cơ quan quản lý mới xóa được nghi ngại bấy lâu về “danh chính” mà sản phẩm… chưa chắc an toàn. Con đường tiếp cận các chuỗi bán lẻ trong nước và thế giới từ bàn giấy tới thực tế còn nhiều việc phải làm mà trên hết là tinh thần thực sự vì nông nghiệp, nông dân cũng như quy trình công khai, minh bạch. n

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI