Mầm bệnh của giao tử X

07/02/2018 - 13:08

PNO - Đừng tự mãn vào thân thể mình, cái dấu X nhỏ bé mà đầy quyền năng ấy, bởi mọi sự lấn át, lạm dụng, ngạo mạn chỉ là thói học đòi của kẻ trọc phú, là mầm bệnh cho lối sống, cách hành xử khuyết tật, dị dạng

Tôi sẽ không nói gì nữa về lòng yêu nước từ những đôi chân vàng quả cảm. Tôi cũng không lạm bàn về tình yêu trái bóng và niềm tự hào quốc dân trong cả rừng áo đỏ.

Mam benh cua giao tu X

Tôi chỉ tự nhủ rằng, sau cơn phẫn nộ là một thái độ bình tĩnh và đôi chút ngượng ngùng khi buộc phải bào chữa cho chính mình, đúng hơn là cho chính giới của mình một cái nhìn, một phần suy nghĩ xuất phát từ một quan niệm lệch lạc, một sự hiểu biết khá loang lổ, dẫn tới một hành xử không che đậy, thậm chí rất… mát mẻ, rằng: nơi nào có dịch vụ vui vẻ, thoải mái là nơi ấy có phụ nữ; nơi nào cần phục vụ tươi mát là nơi ấy cần thân xác đàn bà! Liệu thế phỏng, “ma đam” X? 

Tôi nhớ loáng thoáng khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, ở nơi chốn xa hoa của TP. Saint Petersburg, trong những salon quý tộc, không ít kẻ học đòi của nước Nga đang hồi rệu rã, cứ lõm bõm mớ tiếng Pháp, oui Madame, non Monsieur… Và giữa những mớ hợp đồng mua bán vũ khí của Sa hoàng với những đế chế Đức Áo cùng chư hầu chỉ hóng chực xem bọn họ bỏ túi được bao nhiêu cái gọi là phần trăm mà bất cần những đứa con bất hạnh của nước Nga vĩ đại đang bị ném vào lò thiêu của cuộc chiến tranh vô nghĩa. 

Tôi không tin một người như “ma đam”, cũng mài đũng từ cái nước Nga xa xôi ấy, vốn rất yêu lao động, miệt mài lao động, tìm thấy giá trị của lao động không phải từ trị giá đồng tiền và lợi nhuận lại là người sử dụng lao động - bằng chính sự khuyến khích khoe bày cái thân xác đàn bà ấy - như những kẻ mua vui và đổi chác bằng những phút giây “thư giãn” theo kiểu thỏa mãn, cười cợt, quyến dụ. 

Đã tự gọi mình là “ma đam”, hẳn bà biết và nhớ, cách nay tròn 50 năm, sau sự kiện gọi là Mai 68 (tháng Năm năm 1968), làn sóng tranh đấu đòi nữ quyền tại Pháp đã dẫn tới một số thay đổi cấu trúc xã hội, nó lan tận vào nghị trường quốc hội, nó xuống đến mỗi trường học, công xưởng… Mà trong đó, cái khẩu hiệu nổi tiếng “Thân thể của chúng tôi thuộc về chúng tôi” (Notre corps nous appartient) đã làm sôi sục cả nước Pháp lẫn châu Âu, lan sang Mỹ. 

Vâng, thưa “ma đam”, thân thể phụ nữ thuộc về phụ nữ, thuộc về cha mẹ họ đã sinh ra và nuôi dưỡng họ, giáo dục và gìn giữ họ trong yêu thương, trong nếp nhà, trong  phong hóa xã hội mà họ đang sống và tự do định đoạt cuộc đời mình. 

Thân thể phụ nữ thuộc về chính họ, về sở hữu bản thân mà không một định chế xã hội nào, không một kẻ lắm tiền nhiều của nào có thể bắt buộc, ngã giá hay rao bán họ, như một cái be sườn mua vui cho những Adam ngạo mạn. Tất nhiên, trừ phi họ thông đồng với người môi giới hay ngã bán trực tiếp có khi. 

Thân thể phụ nữ thuộc về họ và dân tộc họ. Bà hãy thử nhìn sang nước bạn Hàn Quốc những ngày này, trên những chiếc xe bus, người ta vẫn đặt những bức tượng cô gái đi chân trần, cắt tóc ngắn, mặc hanbok, ngồi lặng lẽ. Họ đấy, chứng nhân của một thời đau thương và tủi nhục khi những cô gái Hàn bị ép “mua vui giải khuây” cho lính Nhật. 

Vì vậy, hãy ngưng thôi đi cái trò múa may thân xác, ưỡn ẹo đường cong, nó chẳng những không làm thẳng thớm cái nhân cách làm người mà còn cong cớn cái nhân vị đàn bà - mà Simone de Beauvoir, văn sĩ, người lĩnh xướng phong trào nữ quyền của Pháp thế kỷ XX đã kiêu hãnh tuyên bố: “Chúng ta sinh ra không phải là đàn bà mà để trở thành đàn bà”.

Và chính Madame Simone de Beauvoir đã kêu gọi giải phóng tình dục, giải phóng quyền thân thể của phụ nữ để đi tới bản Tuyên ngôn 343, ngày 5/4/1971: “Tôi từng phá thai” (Je me suis fait avorter) như một sự thừa nhận và nhìn nhận đầy trung thực về quyền con người - quyền của phụ nữ. Nguồn năng lượng ấy được chuyển hóa thành sáng tạo đỉnh cao, nơi văn sĩ S. de Beauvoir là hiện thân cho triết học hiện sinh cùng người tình của bà, triết gia Jean-Paul Sartre và là cây bút tiên phong cho lối viết thân xác (chữ dùng của Hélène Cixous). Năm 1954, Simone de Beauvoir nhận giải thưởng văn học danh giá Goncourt. 

Thế đấy thưa “ma đam” X.

Người ta đấu tranh để bảo vệ thân thể đàn bà. Và thăng hoa trong sáng tạo để tận hiến cho con người, vì con người - không phân biệt đàn ông hay đàn bà.

Còn bà, cố chấp để tạo sự khác biệt bằng trình diễn thân xác, điều đó chỉ hạ thấp và sỉ nhục phẩm giá con người, không loại trừ đàn bà hay đàn ông. 

Với tài năng và nhiệt huyết của bà, tôi những mong “ma đam” tiếp tục phát triển sự nghiệp khổng lồ, trong ấy có nhiều cách để gầy dựng và gia tăng sự sản mà không bằng những bộ bikini tội nghiệp đắp trên thân thể những cô gái tội tình. 

Giao tử X - nữ trong phần lớn của cấu trúc tế bào mang tính năng quyết định, so với giao tử Y - nam. Nhưng, một khi X áp chế thì ngay lập tức, gen X sẽ rơi vào… im lặng, X mang mầm bệnh. Đừng tự mãn vào thân thể mình, cái dấu X nhỏ bé mà đầy quyền năng ấy, bởi mọi sự lấn át, lạm dụng, ngạo mạn chỉ là thói học đòi của kẻ trọc phú, là mầm bệnh cho một lối sống, cách hành xử khuyết tật, dị dạng. 

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI