Đóng tàu dỏm là gây tội ác với ngư dân!

28/06/2017 - 08:46

PNO - Một khi sở hữu những con tàu “dỏm” này ra khơi bám biển, chẳng may bị chết máy khi gặp thời tiết bất thường giữa biển khơi thì không biết số phận ngư dân trên tàu sẽ ra sao?

Cuộc sống mưu sinh với bao nhiêu phận người bám víu vào những chuyến đi biển, giờ đây, ngư dân bó gối ngồi nhìn “đống sắt vụn” trơ nắng nằm bờ. Đấy là cảnh của chủ nhân 18 con tàu vỏ thép ở Bình Định vừa mới đưa vào khai thác đã bị hư hỏng nặng phải phơi lưới không thể ra khơi bám biển.

Dong tau dom la gay toi ac voi ngu dan!

Ngư dân Thanh Hóa phải hàn bánh lái tàu bị gãy sau chuyến ra biển lần 3. Ảnh: báo Thanh Niên

 

Ngư dân tại Thanh Hoá cũng “cùng chung số phận” với 15/23 tàu vỏ thép vừa đóng theo nghị định 67/CP đã hư hỏng, trục trặc liên tục. Ngư dân điêu đứng vì nhiều chuyến ra khơi bám biển phải quay về bờ phơi lưới.

Điều đáng nói, nhiều chiếc tàu mới bàn giao, ngư dân ra khơi chuyến đi biển đầu tiên, vừa thả lưới xuống thì máy tời bị vỡ, hư hỏng nặng nên phải quay về bờ để đưa vào xưởng sửa chữa bảo dưỡng!

Sau ngư dân Bình Định, Thanh Hoá, rồi đây, không biết sẽ còn bao nhiêu ngư dân tại các địa phương khác trên dải đất hình chữ S này chịu chung số phận sở hữu những con tàu vỏ thép kém chất lượng?

Trước nguy cơ mất phương kế mưu sinh, nai lưng gánh trả lãi vay cho ngân hàng, ngư dân đã khởi kiện hai công ty Nam Triệu và Đại Đương về chất lượng vỏ thép của những con tàu không đúng hợp đồng, các thiết bị máy móc đã bị hư hỏng…

Đơn vị sai phạm chắc chắn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Gây ra thiệt hại kinh tế chắc chắn sẽ phải bồi thường thiệt hại. Các nhà máy đóng tàu phải trả giá cho những sai phạm ấy, không chỉ bồi thường cho ngư dân mất công ăn việc làm và trả lãi cho ngân hàng mà còn đứng trước khả năng khởi tố…

Có thể nói, chủ trương của Nhà nước hỗ trợ cho ngư dân vay vốn đóng tàu vỏ thép to hơn, đủ sức để vươn ra biển lớn là rất đúng đắn. Chỉ có điều, các doanh nghiệp đóng tàu đã lợi dụng nó để trục lợi. Đó là việc làm thiếu đạo đức, nếu không nói là tội ác!

Một khi sở hữu những con tàu “dỏm” này ra khơi bám biển, chẳng may bị chết máy khi gặp thời tiết bất thường giữa biển khơi thì không biết số phận ngư dân trên tàu sẽ ra sao?

Các đơn vị thực hiện việc đóng những con tàu “dỏm” này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trong Chương trình đóng tàu vỏ thép theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ giao cho rất nhiều cơ quan quản lý Nhà nước phối hợp thực hiện.

Ngư dân muốn được vay tiền có hỗ trợ từ chương trình này dĩ nhiên theo quy định phải qua nhiều tầng lớp thẩm định, còn sản phẩm kém chất lượng trước khi trao cho ngư dân thì chẳng cần qua bước thẩm định nào?

Phạm Sông Thu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI