Chửi mắng cảnh sát giao thông, cái sai đến từ đâu?

18/07/2017 - 12:19

PNO - Những lời tục tằn của vị Trung tướng quân đội về hưu, những hành động lời nói vô văn hóa (nếu không muốn sử dụng từ mất dạy) của người phụ nữ có tên Trịnh Thị Thùy Dương đều nhắm đến đối tượng duy nhất là CSGT.

Hai vụ việc đang gây ầm ĩ trong dư luận, một diễn ra ở thành phố Cần Thơ, một tại TP.HCM. Ngay ở những thành phố lớn còn xảy ra những chuyện sai quấy đến vậy thì những câu chuyện vô thanh vô ảnh ở địa phương khác có khiến chúng ta ngậm ngùi.

Cái sai đến từ đâu?

Những lời tục tằn của vị Trung tướng quân đội về hưu, những hành động lời nói vô văn hóa (nếu không muốn sử dụng từ mất dạy) của người phụ nữ có tên Trịnh Thị Thùy Dương đều nhắm đến đối tượng duy nhất là cảnh sát giao thông.

Chui mang canh sat giao thong, cai sai den tu dau?

Người phụ nữ tên Trịnh Thị Thùy Dương mắng chửi cảnh sát giao thông.

 

Dĩ nhiên, lực lượng cảnh sát giao thông là lực lượng va chạm với đời sống nhân dân nhiều nhất. Va chạm toàn trong tình huống xử lý vi phạm, mà có ai bị xử lý vi phạm lại vui vẻ hay hòa nhã với người đang xử lý mình đâu.

Sòng phẳng mà thừa nhận thì lực lượng cảnh sát giao thông vẫn đang tồn tại nhiều hạn chế, tiêu cực. Những cụm từ như Pikachu, kiếm bánh mì hay nhân viên giao sữa… được cư dân mạng chế giễu càng khiến hình ảnh chiến sĩ cảnh sát giao thông trở nên méo mó. Lâu dần, hình thành nên định kiến. Mà suy cho cùng thì người ta chỉ có thể trao đổi với ý kiến chứ có ai thanh minh với định kiến được bao giờ.

Trong bối cảnh hiện tại, chưa bao giờ bức tranh hiện thực lại xấu xí đến mức này. Những sai phạm không được xử lý đến nơi đến chốn của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, những căn biệt thự biệt phủ mọc lên khắp nơi thuộc sở hữu của những công bộc nhân dân, những đề bạt người thân đúng quy trình, những thăng tiến thần tốc của các hot girl công sở, những dinh thự được xây trái phép trên đất nông nghiệp…

Trượt dài trong mớ cảm xúc vô cùng tiêu cực ấy, người ta dễ dàng cáu gắt, người ta dễ dàng đánh đồng cá mè một lứa. Người ta dễ dàng ngụy biện để tìm ra cách đổ vấy cho những buông lơi, cho những sai quấy của bản thân.

Nếu như trước đây, khi chưa có mạng xã hội hoặc sự phát triển thần kỳ của điện thoại thông minh, những scandal của các nhân vật trong làng giải trí nhanh chóng nhấn chìm toàn bộ thông tin thời sự đang diễn ra. Một cái nhảy mũi của Ngọc Trinh, một cái váy fake của Lý Nhã Kỳ… tắp lự được mang ra bình luận, thì nay họ đã trở về miền vô thanh vô ảnh nào đó. Gần như, rất ít được quan tâm đến. Thay vào đó là những thông tin phần nhiều liên quan đến hình ảnh người cán bộ đương thời.

Chui mang canh sat giao thong, cai sai den tu dau?

Cánh tay đe dọa của Trung tướng Võ Văn Liêm đối với viên cảnh sát.

 

Tiền nhân đã đúc kết, “thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Nếu thượng tầng còn mãi vuốt ve nhau, vẫn lấy tinh thần người trong nhà đóng cửa bảo ban nhau, vẫn giữ nguyên quan điểm cũ như cách nói của bà Lê Mai Trang – Phó chủ tịch UBND quận Thanh Xuân (Hà Nội) là “một âm mưu bôi nhọ chính quyền”, thì sẽ vô cùng khó để hy vọng vào một tiến trình văn minh của xã hội, nơi pháp luật được thượng tôn, nơi hình ảnh người thực thi công vụ được bảo vệ nhằm giữ gìn tính tôn nghiêm của pháp luật.

Cái sai đến từ đâu, cái sai đến từ những đặc quyền đặc lợi của một nhóm bộ phận mà nói như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thì, “Một bộ phận cán bộ chính quyền còn hành động gây tai tiếng cho bộ máy do tham nhũng, lợi ích nhóm”.

Điển hình như vụ việc sai phạm của Trung tướng Võ Văn Liêm, việc gì lãnh đạo Công an TP Cần Thơ phải xin ý kiến Bộ Quốc phòng lẫn Bộ Công an, luật đã quy định rất rõ ràng về việc xử lý những cá nhân lăng mạ, xúc phạm người thi hành công vụ rồi, cứ như vậy mà làm thôi.

Đáng tiếc, tư duy một cuộc điện thoại, một vị trí, một chức vụ đứng trên luật đã hằn sâu trong chính những người thực thi luật.

Có thể trả lời cho câu hỏi “Cái sai đến từ đâu?”, cái sai đến từ một bộ phận được hưởng đặc quyền đặc lợi hơn phần còn lại của xã hội.

Ngô Nguyệt Hữu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI