Giáo sư Hoàng Tụy: Hãy can đảm từ giã tất cả những gì cũ kỹ

15/07/2019 - 08:05

PNO - "Thế giới đã khác xưa lắm rồi. Nếu cứ để đất nước mãi tụt hậu thì chúng ta có tội với tiền nhân, với con cháu" (Giáo sư Hoàng Tụy).

Giao su Hoang Tuy:  Hay can dam tu gia tat ca nhung gi cu ky
 

“Thiếu một cơ chế giá trị thích hợp thì những ham muốn đời thường sẽ là động lực chính làm cho giáo dục khoa học tha hóa dần, suy thoái dần, như cảnh tượng đang diễn ra hằng ngày trước mắt chúng ta từ bao năm nay”.

Những dòng trăn trở ấy đã được ông viết ra cách nay tròn 10 năm - năm 2009. Vì là 10 năm, nên ông chỉ gọi là “phiếm luận” về khuyết tật hệ thống. Vì là 10 năm, nghĩa là từ bấy đến nay, ông đã phải “chịu đựng” trước bao nhiêu “cảnh tượng” mà sau một thập niên, có khi đã tha hóa mất rồi, suy thoái luôn rồi. 

Nhà toán học lỗi lạc của thế giới, người gắn cái tên Việt Nam của mình vào trong một phương pháp toán học Tuy’s cut - Lát cắt Tụy để giải bài toán quy hoạch lõm: tìm nghiệm cực tiểu x của một hàm lõm f trên tập lồi đa diện D. 

Nhà khoa học với phẩm chất khiêm tốn, trung thực, các công trình về tối ưu toàn cục đạt chỉ số trích dẫn khoa học hàng đầu, theo số liệu từ Mathematical Reviews là 1.071 lần trích dẫn, 827 người trích dẫn. Nhà giáo dục tận tâm, tận tụy đã luôn nhìn thẳng và “xin được nói thẳng”(*), bởi có quá nhiều vấn đề ông đã nhìn thấy từ sớm, nói ngay, đề xuất bền bỉ. 

Ông kể, từ năm 1995, tức 24 năm trước, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã triệu tập và chủ trì một hội nghị về giáo dục, nêu thẳng thực trạng nguy kịch của giáo dục và lên tiếng kêu cứu cho ngành.

Cũng từ đó, những phân tích có giải pháp luôn được vị giáo sư toán nêu lên xung quanh các vấn đề, chế độ thi cử, học hành, giáo trình, cải cách… cho đến nghiên cứu khoa học, danh xưng học hàm, công bố bài báo khoa học quốc tế… 

Trong một bài báo đăng cách đây 10 năm, với tựa đề “Giáo dục: xin cho tôi nói thẳng”, giáo sư Hoàng Tụy đã điểm đúng ba nội dung: giáo dục sa sút không phải vì thiếu tiền mà vì quản lý kém, cần cải cách có hệ thống chứ không phải đổi mới vụn vặt, giáo dục không phải là phòng thí nghiệm. 

Giao su Hoang Tuy:  Hay can dam tu gia tat ca nhung gi cu ky
Giáo sư Hoàng Tụy

Tự kiểm thảo, sau 10 năm, những gì ông “nói thẳng”, ngành giáo dục vẫn cứ… lượn lờ “cong”. Ngân sách dành cho giáo dục vẫn cao nhưng kết quả đào tạo có tương xứng với chất lượng giáo dục. 

Cải cách chưa thấy, chỉ thấy đổi mới loay hoay. Hệ quả mang lại, không là toàn cảnh nhưng một phần lớn của bức tranh giáo dục và sản phẩm giáo dục - con người, đang “rơi tự do” trong sự báo động về hành vi, đạo đức… 

Để rồi, những ngày tháng sau cùng, ông lại chất chứa: “Tôi không lo về những điều kiện vật chất hiện nay mà lo về những điều kiện đạo đức” - trích từ trang cá nhân của giáo sư Phùng Hồ Hải, tháng 6/2019.  

Nhà toán học, nên những giải pháp, “lối ra” của ông luôn khúc chiết, khoa học, khả thi. Nó kết nối các “địa chỉ” rõ ràng, cụ thể, ai làm, làm gì, làm như thế nào. Mục tiêu của những “lối ra” ấy, lại chất chứa giá trị nhân văn, sự thấu hiểu và vẫn cứ tràn trề một niềm tin son sắt vào thế hệ tiếp nối. 

Đọc sách của ông, đọc bài viết của ông, hình dung Con Người ấy, lỗi lạc mà bình dị, minh triết mà khiêm cung. Nương vào những suy nghĩ, trở trăn của ông, một cách thật lòng, sẽ tự mình nhận lấy trách nhiệm, sẽ không cho phép nghĩ hẹp, bám víu rêu phong và hô hào những chỉ tiêu không hữu ích cho con người. 

Xin cúi đầu trước một sự ra đi. Xin được thấu thị những ưu tư của ông thuở sinh thời. Để ít nhất, trong mỗi công dân “ai đó còn mải ngủ say hãy tỉnh lại, cùng với nhân dân chung tay xây dựng một mùa xuân mới cho đất nước. Thế giới đã khác xưa lắm rồi. Nếu cứ để đất nước mãi tụt hậu thì chúng ta có tội với tiền nhân, với con cháu!” (Hoàng Tụy). 

Mà trước hết, có lỗi với chính ông, với lời chào mà ông gửi lại: “Hãy can đảm từ giã tất cả những gì cũ kỹ, đã từ lâu không còn phù hợp. Để cho đất nước nở hoa. Mùa xuân phía trước, miên trường phía sau”. 

Ái Mỹ

(*)Tên cuốn sách của giáo sư Hoàng Tụy vừa được xuất bản tháng 6/2019. 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI