Gần 300 giáo viên trước nguy cơ mất việc: 'Nếu nghỉ việc chắc tôi sẽ đi nhặt rác'

28/03/2019 - 14:06

PNO - Đó là chia sẻ của một thầy giáo tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội), trước nỗi lo mất việc trong kỳ thi công chức sắp tới. “Thi cũng nghỉ mà không thi cũng phải nghỉ”, đó là nguy cơ đang chờ chực đối với 256 giáo viên.

Chiều ngày 28/3, trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ, ông Lê Hữu Mạnh – Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn (phụ trách giáo dục) cho biết đã nắm được thông tin về việc 256 giáo viên đang công tác trên địa bàn huyện phản ánh về nguy cơ mất việc sau kỳ thi tuyển dụng công chức sắp tới. 

Việc thi công chức của huyện Sóc Sơn được thực hiện theo Nghị định 161/2018/NĐ-CP và theo chỉ đạo của TP. Hà Nội với Quyết định số 1076/QĐ-UBND ngày 07/3/2019 về việc phê duyệt chỉ tiêu và ban hành Kế hoạch thi tuyển viên chức làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS công lập trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội năm 2019. 

Gan 300 giao vien truoc nguy co mat viec: 'Neu nghi viec chac toi se di nhat rac'
Nhiều giáo viên hợp đồng bức xúc trước thông tin của kỳ thi tuyển dụng công chức.

Tổng số chỉ tiêu tuyển dụng được phê duyệt trong ngành giáo dục là 11.182 người trong đó chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên là 10.949 người; nhân viên là 233 người. Huyện Sóc Sơn có 685 chỉ tiêu cho cả ba khối mầm non, tiểu học, trung học.

Cũng theo vị lãnh đạo này, nếu các giáo viên của huyện Sóc Sơn không đăng ký thi sẽ bị cắt hợp đồng và thi trượt cũng bị cắt hợp đồng. Hiện tại không còn cơ chế xét tuyển nào đối với các giáo viên hợp đồng dù đã công tác, cống hiến nhiều năm đi chăng nữa. Việc nộp hồ sơ sẽ kết thúc vào ngày 13/4 sắp tới, không giới hạn số lượng hồ sơ và địa bàn tham gia thi tuyển.

Qua tìm hiểu, việc thi tuyển công chức được thực hiện theo hai vòng thi, vòng một sẽ thi trắc nghiệm trên máy tính về kiến thức chính trị, ngoại ngữ và tin học theo yêu cầu của vị trí việc làm. Nếu đúng từ 50% số câu hỏi trắc nghiệm cho từng phần thi thì được thi tiếp vòng hai là thi môn nghiệp vụ chuyên ngành. 

Gan 300 giao vien truoc nguy co mat viec: 'Neu nghi viec chac toi se di nhat rac'
Nhắc tới kỳ thi, ai cũng tỏ ra buồn bã, căng thẳng.

Với cách thức thi công chức như vậy, dường như có sự thiếu công bằng với các thầy, cô giáo đã công tác nhiều năm trong ngành giáo dục của huyện Sóc Sơn. Được biết 256 giáo viên gửi đơn kêu cứu đều là những người có thời gian dài gắn bó với nghề, người ít nhất là 6 năm, nhiều nhất lên tới 27 năm. Họ có bề dày kinh nghiệm trong chuyên môn công tác và nhiều người còn đạt được nhiều thành tích, giấy khen cấp huyện, thành phố. 

Tuy nhiên trước một kỳ thi mà vòng một phải qua các môn như ngoại ngữ, tin học, nhiều thầy cô giáo lo sợ mình không đủ khả năng vào được vòng hai để thể hiện kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm.

Nghỉ việc chỉ đi nhặt rác, dọn vệ sinh

Trao đối về vấn đề này, thầy Đầu Xuân Đàm (giáo viên môn ngữ văn, Trường THCS Trung Dã) cho biết: “Kỳ thi công chức cuối cùng với môn ngữ văn là vào năm 1998 nên cho tới nay, tôi vẫn chỉ là giáo viên hợp đồng. Hợp đồng giáo viên thì không ghi thời hạn, có người ghi ngắn hạn nhưng vẫn được nâng lương theo quy định, ai xuất sắc vẫn được nâng lương như viên chức.

Với cá nhân tôi cũng như một số anh chị em, việc thi ngoại ngữ, tin học quả thực rất khó khăn. Chúng tôi già rồi, kiến thức chuyên môn mình chắc chắn nhưng những kiến thức mới như ngoại ngữ, tin học, chúng tôi chắc chắn không bằng các em trẻ tuổi. Mà trong kỳ thi công chức, không giới hạn địa phương thì người trẻ đăng ký thi rất đông. Kỳ thi này chúng tôi cũng chỉ biết trước khoảng hai tháng, vừa lo việc gia đình, vừa đi dạy thì thời gian nào để ôn thi”.

Gan 300 giao vien truoc nguy co mat viec: 'Neu nghi viec chac toi se di nhat rac'
Một giáo viên khoe những tấm bằng khen mình đạt được sau suốt bao nhiêu năm công tác.

Thầy Đàm cũng ngậm ngùi chia sẻ, nếu thực sự phải thi, tỷ lệ đỗ với ông rất mong manh. Sau hàng chục năm cống hiến với nghề, thầy Đàm cho biết mình không có nghề tay trái nào để có thể đề phòng ngừa lúc mất việc vì không nghĩ tới. 

“Nếu phải nghỉ việc thật, chắc tôi đi nhặt rác thôi vì nhà tôi cũng gần với bãi rác Nam Sơn”, thầy Đàm nửa đùa nửa thật với giọng buồn bã. 

Cô Trần Thị Hoa (SN 1973, giáo viên môn văn hóa, trường tiểu học Nam Sơn) tâm sự: “Tôi ra trường năm 1994, được huyện hợp đồng về trường dạy luôn, đến giờ cũng 25 năm rồi. Lúc đó, lương mỗi tháng chỉ được 160 ngàn, giờ thì lương cùng phụ cấp được hơn 6 triệu. Để có thêm thu nhập, hai vợ chồng tôi cũng phải chăn nuôi thêm nhưng cũng thua lỗ nhiều. Nghĩ cố gắng đợi các con khôn lớn thì sẽ đỡ, ai ngờ lại phải thi công chức, không đỗ thì bị cắt hợp đồng, khó khăn lại chồng chất khó khăn”.

Giống như thầy Đàm, cô Hoa cho biết những khó khăn đối với các giáo viên cao tuổi như mình là ít tiếp xúc với ngoại ngữ, tuổi cao nên có học cũng tiếp thu kém, không bằng các em mới ra trường. Hơn nữa, do còn phải lo kinh tế gia đình, lo cho các con và vẫn phải soạn giáo án lên lớp mỗi ngày nên việc thi đỗ hay không, kết quả như đã được biết trước. 

Gan 300 giao vien truoc nguy co mat viec: 'Neu nghi viec chac toi se di nhat rac'
Danh sách các giáo viên hợp đồng, nhiều người chỉ còn vài năm nữa đến tuổi nghỉ hưu.

“Tôi chỉ mong các cấp ban ngành xem xét có cơ chế nào đó để xét tuyển các giáo viên đã có thời gian giảng dạy nhiều năm tại trường. Nếu không làm giáo viên, tôi cũng chẳng biết làm nghề gì, lại đi xin làm các công việc tay chân, rửa bát, vệ sinh thôi. Bằng cấp bao nhiêu năm coi như bỏ phí hết”, cô Hoa nói.

Giống như thầy Đàm, cô Hoa, hàng trăm giáo viên khác đang lo lắng trước kỳ thi tuyển công chức bởi họ có nhiều bất lợi khác nhau so với những giáo viên trẻ, sắp ra trường. Họ đã có tuổi, có gia đình, có những gánh nặng kinh tế phải lo và còn công việc với cương vị là thầy, cô giáo nên thời gian để bồi dưỡng các kiến thức như ngoại ngữ, tin học với họ là vô cùng khó khăn. 

Trong lá đơn cầu cứu, các thầy cô giáo mong mỏi các cấp chính quyền, mong muốn có một cơ chế xét tuyển, để họ có thể thể hiện khả năng chuyên môn, được tiếp tục gắn bó với nghề trong những năm tháng còn lại.

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI