Đường sắt Cát Linh - Hà Đông có công nghệ mới từ Trung Quốc: Khó hiểu

05/10/2016 - 11:18

PNO - ''Tôi không hiểu tại sao đến bây giờ Bộ GTVT lại đàm phán để mua gói công nghệ mới nhất của Trung Quốc. Cái này nằm ngoài gói thầu hay xuất phát từ đâu?''

Ngày 29/9 đã diễn buổi họp báo thông tin về tình hình thực hiện nhiệm vụ Quý III và triển khai nhiệm vụ trọng tâm Quý IV năm 2016 của Bộ GTVT.

Tại buổi họp, Bộ GTVT cho biết, một trong những nguyên nhân khiến dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông chậm tiến độ là để lựa chọn công nghệ mới nhất từ phía nhà thầu Trung Quốc.

Chỉ là biện minh?

Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng - Nguyên Hiệu trưởng ĐH xây dựng Hà Nội cho biết, bản thân ông khá băn khoăn trước thông báo của Bộ GTVT.

Theo ông Hùng, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã được triển khai từ lâu. Cả phía Việt Nam và đối tác Trung Quốc đã có sự bàn bạc thống nhất về hợp đồng, vốn, công nghệ, thời gian thi công. Vì vậy, bản thân ông cảm thấy bất ngờ khi Bộ GTVT quyết định lùi lại 1 năm để đàm phán mua công nghệ mới nhất từ Trung Quốc.

“Dự án ban đầu khi tiến hành đấu thầu thì bao giờ cũng có những tiêu chuẩn, tiêu chí về chất lượng đường sắt, kết cấu xây dựng, thiết bị xây dựng, toa tàu, đường ray. Tiêu chuẩn về công nghệ hết sức rõ ràng.

Tôi không hiểu tại sao đến bây giờ Bộ GTVT lại đàm phán để mua gói công nghệ mới nhất của Trung Quốc. Cái này nằm ngoài gói thầu hay xuất phát từ đâu?

Thời điểm ban đầu, tôi nghĩ chúng ta cũng phải yêu cầu công nghệ tốt nhất, mới nhất rồi. Tôi rất khó hiểu với quyết định này. Liệu rằng đây có phải là cách giải thích để biện minh cho việc công trình thi công vượt thời hạn hay đội giá không?”, TS Hùng đặt nghi vấn.

Duong sat Cat Linh - Ha Dong co cong nghe moi tu Trung Quoc: Kho hieu
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông

Dấu hỏi về công nghệ

Về công nghệ mới của Trung Quốc, ông Hùng cho rằng, chắc chắn so với Việt Nam, phía đối tác Trung Quốc sẽ có lợi thế hơn. Thế nhưng, nếu so sánh thực tế với các quốc gia hàng đầu về đường sắt hiện nay thì Trung Quốc vẫn còn nhiều hạn chế.

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng phân tích: “Đường sắt cao tốc thì Trung Quốc mới phát triển trong thời gian gần đây. Nền tảng khoa học kỹ thuật của họ chưa phải cao so với các nước trên thế giới. Nhưng chắc chắn là so với Việt Nam thì hơn rồi.

Thực tế Trung Quốc cũng làm nhiều tuyến đường sắt dài nhưng để hiện đại và chắc chắn về độ tin cậy thì không thể sánh bằng Nhật, Pháp hay Đức.

Chúng ta thấy rằng Trung Quốc hiện nay vẫn phải nhập khá nhiều công nghệ máy móc từ các nước vào trong nước để sản xuất. Tuy nhiên họ chỉ nhái lại được thôi chứ để giống và hiện đại hoàn toàn thì chưa được.

Tại sao máy bay Trung Quốc, rồi ô tô nước này sản xuất mãi không lên chiếm lĩnh thị trường được. Bởi lẽ họ không có nền tảng, lịch sử công nghệ. Điều này rất quan trọng”.

Vị chuyên gia nhấn mạnh, từ rất lâu rồi người dân đều mong mỏi tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông đi vào hoạt động để giảm ùn tắc giao thông. Đặc biệt, khi Hà Nội dự tính từ năm 2025 sẽ cấm xe máy thì việc xây dựng và đưa các tuyến đường sắt hiện đại vào hoạt động lại càng cần thiết hơn.

“Trên thế giới để đánh giá chất lượng công nghệ người ta dựa theo số vụ tai nạn trên các quãng đường đi, tốc độ cũng như độ hao mòn, độ bền của máy móc. Ngoài ra còn xét đền yếu tố giá cả.

Vì vậy chúng ta cần phải có 1 hội đồng chuyên gia có lương tâm và trách nhiệm để lựa chọn và tìm những công nghệ mới nhất. Đặc biệt không để lệ thuộc nguồn vốn nào khiến chúng ta không thể kiểm soát được sau này”, ông Hùng lưu ý.

Thiếu cương quyết

Cùng bàn luận về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Đình Thám - Trưởng bộ môn công nghệ và quản lý xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, gói công nghệ mới trên nằm trong kế hoạch của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau chuyến thăm Trung Quốc vừa qua.

“Chúng ta đã ký trực tiếp với Cục đường sắt số 6 của Trung Quốc kế hoạch như trên. Vì vậy việc Bộ GTVT tuyên bố lùi thời hạn để đàm phán công nghệ mới tôi cho rằng đã nằm trong tính toán, không có vấn đề gì cả. Quan trọng là thiện chí của tổng thầu và trách nhiệm giám sát của chúng ta đến đâu”, TS Thám nêu quan điểm.

Ông Thám cho rằng, dự án đường sắt trên cao Cát Linh- Hà Đông đã bị chậm thời gian và tiến độ thời gian qua do chúng ta linh động, thông cảm, chưa thật sự cương quyết với nhà thầu Trung Quốc.

“Chính phủ đã quyết như vậy, tôi cho rằng các bên sẽ phải chấp hành tốt. Ở đây, Bộ GTVT và Bộ Khoa học công nghệ cần phải cử những chuyên gia giỏi đi khảo sát và kiểm tra kỹ về công nghẹ này trước khi lắp đặt tại Việt Nam.

Tôi tin là lần này đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ vận hành và có công nghệ tốt. Từ Trung ương đến các bộ, ngành đều rất quyết tâm. Dự án còn hơn 1 năm nữa thì tôi cho rằng sẽ kịp thời gian”, TS Thám nhận định.

Hà Lan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI