Đừng nghĩ mưa nhiều là không có cháy

12/08/2019 - 08:13

PNO - Có rất nhiều vụ cháy nổ xảy ra trong lúc mưa, gây hậu quả nghiêm trọng. Thậm chí, ngay trong lúc ngập nước, vẫn có thể xảy ra các vụ hỏa hoạn lớn.

Những ngày qua, TP.HCM có mưa nhiều nhưng vẫn liên tiếp xảy ra các vụ cháy lớn, gây hậu quả nghiêm trọng. Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy TP.HCM khuyến cáo, người dân không được lơ là đề phòng cháy nổ trong mùa mưa. 

Chữa cháy trong... ngập

Tối 10/8, trong lúc toàn TP.HCM đang hứng chịu một cơn mưa lớn, kéo dài nhiều giờ thì tại H.Hóc Môn, lực lượng phòng cháy và chữa cháy (PCCC) vẫn căng mình khống chế ngọn lửa ở một công ty may mặc. Khoảng 21g cùng ngày, công ty may mặc ở ấp Đông, xã Thới Tam Thôn, H.Hóc Môn bị đám cháy thiêu rụi. 

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (PC07) Công an TP.HCM, từ năm 2015 đến nay, mỗi năm, TP.HCM xảy ra 25-30 vụ cháy trong mùa mưa; nơi xảy ra cháy là trụ điện, nhà dân, cơ sở sản xuất, nguyên nhân chủ yếu là do chập điện.

Hệ thống dây dẫn điện của nhà dân, điện chiếu sáng công cộng trên các tuyến đường, tuyến hẻm qua thời gian sử dụng bị hư hỏng, xuống cấp, đấu nối sai kỹ thuật (để lộ lõi đồng, nhôm ra ngoài), gặp nước mưa sẽ chập điện, gây cháy nổ. Nếu sự cố xảy ra lúc nửa đêm, nguy cơ thương vong về người rất cao.

Trong mùa mưa, thường có gió lớn làm cây xanh ngã đổ, kéo theo hệ thống dây điện, cáp viễn thông, truyền hình bị đứt, cũng dẫn đến cháy nổ.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến có dự trữ nhiều loại dung môi, hóa chất, khi gặp nước mưa cũng dễ dẫn đến phản ứng hóa học, gây cháy nổ.

Dung nghi mua nhieu  la khong co chay
Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy lội nước xử lý cháy ở 311 Nguyễn Văn Công, quận Gò Vấp

Nhiều người dân vẫn ỷ y rằng mùa mưa khó xảy ra cháy. Tuy nhiên, trên thực tế, có rất nhiều vụ cháy nổ xảy ra trong lúc mưa gây hậu quả nghiêm trọng. Thậm chí, ngay trong lúc ngập nước, vẫn có thể xảy ra các vụ hỏa hoạn lớn. 

Năm ngoái, trong lúc trời đang mưa lớn, đường bị ngập sâu, cơ sở nệm mút ở 311 Nguyễn Văn Công, phường 3, quận Gò Vấp vẫn bị phát hỏa, toàn bộ hàng hóa, nguyên liệu bên trong cơ sở bị thiêu rụi, ước tính tài sản bị thiệt hại hàng tỷ đồng.

Trước đó, một căn nhà nằm trong hẻm 254 Âu Cơ, phường 9, quận Tân Bình cũng bị cháy lớn dù bên ngoài mưa như trút nước. Chủ nhà cho biết, trong lúc trời mưa, sét đánh vào bảng điện cũ làm cả hệ thống dây điện bị cháy, lan ra toàn bộ căn nhà, làm thiệt hại nhiều tài sản.

PC07 cho biết, hằng năm, trước khi bước vào mùa mưa, đơn vị đều phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, nhắc nhở người dân thực hiện tốt công tác PCCC tại chỗ. 

Trong đó, khuyến cáo người dân quản lý nguồn điện chặt chẽ; chọn mua, sử dụng các thiết bị truyền tải điện phù hợp, đề phòng quá tải, chập cháy, rò rỉ điện bằng cách sử dụng cầu dao điện có thiết bị tự đóng - ngắt.

Đối với các cơ sở sản xuất, PC07 phối hợp với công an các quận, huyện kiểm tra, nhắc nhở chủ cơ sở không tồn trữ quá nhiều hóa chất; nơi cất giữ hóa chất phải là kho an toàn, đảm bảo các quy định về PCCC, không ẩm mốc, không bị ngập, không để nước mưa thấm vào. 

PC07 cũng phối hợp với Sở Giao thông Vận tải TP.HCM rà soát, cắt tỉa, làm gọn hệ thống cây xanh trên đường, hạn chế sự cố cây xanh ngã đổ gây hỏng hệ thống dây điện dẫn đến chập điện, cháy nổ. 

Dung nghi mua nhieu  la khong co chay
Hiện có hơn 1.000 trụ nước cứu hỏa đã lắp mới nhưng chưa bàn giao

Phương tiện chữa cháy chưa đáp ứng yêu cầu

Trong đó, có 6.245 vụ cháy, làm chết 85 người, bị thương 238 người, gây thiệt hại tài sản gần 857 tỷ đồng. 

Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng - Phó giám đốc Công an TP.HCM - cho biết, 5 năm qua, TP.HCM xảy ra 7.240 vụ tai nạn, sự cố liên quan đến cháy nổ và cứu nạn, cứu hộ. 

Nguyên nhân gây cháy chủ yếu do sơ suất trong việc sử dụng thiết bị điện, bất cẩn trong sinh hoạt, sản xuất hoặc do đốt cỏ, rác gây cháy lan.

Nhận định về công tác PCCC ở TP.HCM thời gian qua, đại tá Lê Tấn Bửu - nguyên Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM - cho biết, trong số 6.245 vụ cháy, lực lượng cảnh sát PCCC xử lý 1.594 vụ cháy, chiếm tỷ lệ trên 25%, lực lượng tại chỗ xử lý hơn 4.600 vụ cháy, chiếm gần 75%. 

Sau 5 năm triển khai đề án “Nâng cao năng lực PCCC và cứu nạn cứu hộ”, đến nay, 24 quận, huyện của TP.HCM đều có đội cảnh sát PCCC phụ trách, phối hợp với lực lượng tại chỗ, kịp thời xử lý ngay các sự cố cháy nổ khi phát hiện. 

Hiện TP.HCM đã thành lập 1.991 đội dân phòng ở 1.991 khu phố, ấp với tổng số 21.461 đội viên; thành lập 41.461 đội PCCC cơ sở với 305.038 đội viên.

Từ tỷ lệ này, có thể thấy hiệu quả của phong trào toàn dân PCCC. Tuy nhiên, đại tá Bửu cũng nêu khó khăn của lĩnh vực PCCC TP.HCM: phương tiện PCCC hầu hết đều mua từ nước ngoài, khoảng 30% phương tiện bị hư hỏng, xuống cấp. 

Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng nhìn nhận, hiện năng lực của lực lượng PCCC còn chưa đạt như kỳ vọng. 

Lực lượng cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ chuyên nghiệp trên số dân còn chiếm tỷ lệ thấp so với các nước trong khu vực; cơ sở vật chất phục vụ tập luyện, huấn luyện còn kém, lạc hậu, chưa xứng tầm; các phương tiện phục vụ công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu; việc lắp đặt hệ thống cảnh báo cháy sớm kết nối với trung tâm chỉ huy chữa cháy tại các cơ sở có nguy cơ cháy nổ chưa bảo đảm tiến độ đề ra (TP.HCM chỉ có 1.381/12.481, chiếm tỷ lệ 11,06% cơ sở lắp đặt hệ thống cảnh báo cháy sớm).

Ông Ngô Minh Châu - Phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết, bên cạnh những mặt đã đạt được, công tác PCCC ở TP.HCM vẫn còn những hạn chế, thiếu sót: “Số vụ cháy lớn và thiệt hại tài sản do cháy lớn vẫn còn nhiều, điển hình như vụ cháy chung cư Carina. Số vụ cháy trong 5 năm qua tăng hơn 1.000 vụ, 85 người chết là những con số đáng để suy nghĩ”.

Ông Ngô Minh Châu cho rằng, hiện vẫn còn tình trạng doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư cho PCCC. Theo ông, TP.HCM cần chú trọng việc xây dựng, củng cố lực lượng dân phòng, PCCC cơ sở, đầu tư thiết bị, phương tiện để lực lượng này vững mạnh, trở thành lực lượng nòng cốt, đáp ứng phương châm “bốn tại chỗ”, góp phần xử lý sự cố cháy nổ khi mới phát sinh, không để cháy lan, cháy lớn. 

Hơn 1.000 trụ nước chữa cháy chưa bàn giao

Đại diện Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn cho biết, tới nay, tổng công ty đã cơ bản bảo đảm nguồn nước phục vụ PCCC ở TP.HCM, nhưng vẫn còn tình trạng nước yếu, thiếu ở một số vị trí cuối nguồn. Hiện vẫn còn 1.032/1.190 trụ nước chữa cháy được lắp đặt mới nhưng chưa được bàn giao, tổng công ty sẽ khẩn trương bàn giao theo quy chế phối hợp giữa tổng công ty và Cảnh sát PCCC TP.HCM, sớm đưa vào phục vụ công tác PCCC.

Rà soát nguy cơ cháy nổ ở các trường trước năm học mới

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết, ngay trước năm học mới, sở đã có các chỉ đạo liên quan đến công tác PCCC ở trường học, rà soát các phòng thí nghiệm, yêu cầu xử lý ngay các loại hóa chất đã hết hạn. 

Sở yêu cầu các trường phải có ban chỉ đạo về PCCC do hiệu trưởng chịu trách nhiệm chính. Các trường học phải lập phương án PCCC, đầu tư trang thiết bị, phối hợp với lực lượng cảnh sát PCCC tổ chức tập huấn cho nhân viên, giáo viên, học sinh về an toàn PCCC. 

Đặc biệt, vào đầu năm học, các trường thường tổ chức lễ hội tập trung đông người với nhiều vật dễ gây cháy nổ; sở yêu cầu đưa tiêu chí an toàn lên đầu tiên, bố trí sẵn sàng hệ thống PCCC và liên hệ ngay với lực lượng PCCC khi cần.

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI