Đừng để ngân sách phập phù khi doanh nghiệp 'hắt hơi'

25/10/2017 - 10:18

PNO - Tại cuộc thảo luận tổ của Quốc hội (QH) sáng 24/10, vấn đề tăng trưởng kinh tế trong mối quan hệ với các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được nhiều đại biểu quan tâm và đặt ra không ít lo ngại.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân (Đoàn Đại biểu QH tỉnh Cần Thơ) đánh giá, sau chín tháng, Việt Nam có khả năng đạt và vượt 13/13 chỉ tiêu mà QH giao, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, thành tích này lại chủ yếu nhờ vào DN FDI, và điều này khiến nền kinh tế phát triển thiếu bền vững.

“Tôi nhớ ngày xưa tại tỉnh Hải Dương, nguồn thu lớn nhất của tỉnh này trông vào DN sản xuất ô tô Ford nên khi “ông” này “hắt hơi sổ mũi”, ngân sách tỉnh có vấn đề ngay. Hay Samsung S7 năm trước bị lỗi một chút là ảnh hưởng ngay đến chỉ tiêu xuất khẩu, đến nguồn thu ngân sách của tỉnh Bắc Ninh và cả nước” - bà Ngân dẫn chứng. 

Đại biểu Phạm Phú Quốc (TP.HCM) cũng khẳng định, xuất khẩu của Việt Nam tăng cao nhưng phụ thuộc quá lớn vào DN FDI. Trong khi đó, các DN FDI chưa có sự gắn kết với DN trong nước. Một trong những vấn đề của phát triển kinh tế khiến đại biểu Phạm Phú Quốc lo ngại là hàng hóa tiêu dùng của các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan đang “đổ bộ” vào Việt Nam, trong khi hệ thống bán lẻ của Việt Nam lại chưa thâm nhập được tới người tiêu dùng trong nước. 

Đầu tư BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) cũng là vấn đề “nóng” của cuộc thảo luận. Đại biểu Nguyễn Phi Thường (TP.Hà Nội) điểm mặt bảy bất cập trong cơ chế đầu tư BOT hiện nay, như: khung pháp lý chưa hoàn chỉnh; buông lỏng và khiếm khuyết trong khâu thẩm định các dự án PPP (hợp tác công - tư) và BOT; không đảm bảo nguyên tắc công bằng và logic trong đầu tư BOT; chưa có cơ chế chia sẻ rủi ro bình đẳng giữa nhà đầu tư và Nhà nước, nhiều dự án nhà đầu tư được hưởng lợi trong khi Nhà nước chịu rủi ro…

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng (tỉnh Yên Bái) ủng hộ chủ trương làm BOT, bởi muốn xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại thì không thể trông vào ngân sách mà phải huy động các nguồn lực xã hội. “Quan trọng là chúng ta ngăn chặn tình trạng lợi dụng BOT để làm không đúng mà lâu nay chúng ta vẫn gọi là “tay không bắt giặc”. DN làm BOT phải thực hiện bằng nguồn vốn thực sự của mình sao cho minh bạch và lành mạnh” - ông Vượng nói.

Tại buổi làm việc của QH chiều 24/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày tờ trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đối với ông Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu.

Trước đó, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, do yêu cầu công tác, Bộ Chính trị đã phân công ông Trương Quang Nghĩa - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải - tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ thành ủy và giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 - 2020; Bộ Chính trị cũng đồng ý để cho ông Phan Văn Sáu thôi giữ chức Tổng thanh tra Chính phủ để tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ tỉnh ủy và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng nhiệm kỳ 2015 - 2020. 

Tuấn Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI