Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu bia: Chế tài yếu do “lobby” chính sách?

12/11/2018 - 19:23

PNO - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên cho rằng, Dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu, bia hiện còn yếu không loại trừ có nguyên nhân do "lobby" chính sách.

Chiều 12/11, tại cuộc họp báo Diễn đàn Y tế tương lai 2018, nhận định về những khó khăn của ngành y tế khi Chính phủ thông qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ông Nguyễn Văn Tiên – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, vấn đề cạnh tranh của trang thiết bị y tế không đáng lo ngại như suy nghĩ của nhiều người.

“Điều khiến chúng ta lo ngại nhất là vấn đề rượu bia, thuốc lá và thực phẩm giá rẻ chứ không phải thiết bị y tế. Bởi Việt Nam chỉ sản xuất được những thiết bị y tế nhỏ, còn lại đều nhập khẩu ở nước ngoài”, ông Tiên nói.

Liên quan đến Dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu bia được Chính phủ trình Quốc hội lấy ý kiến tại kỳ họp này, ông Nguyễn Văn Tiên cho rằng, thời gian đầu khi triển khai, dự thảo luật này có những quy định nội dung sâu đậm, tiếp thu đủ các biện pháp của Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo. Trong đó đặc biệt là việc giảm cung và cầu.

Du thao Luat Phong, chong tac hai ruou bia: Che tai yeu do “lobby” chinh sach?
Ông Nguyễn Văn Tiên chia sẻ tại họp báo Diễn đàn y tế tương lai 2018 

Nhưng trong quá trình xây dựng, lấy ý kiến của các bộ ngành, doanh nghiệp (DN) có liên quan thì dự thảo này bị phản ứng dữ dội. “Cuối cùng luật bây giờ rất chung chung. Tôi nghĩ bản dự thảo bây giờ trình Quốc hội hầu như không có biện pháp mạnh”, ông Nguyễn Văn Tiên chia sẻ.

Phân tích cụ thể hơn, ông Tiên cho hay, vấn đề quan trọng nhất để phòng, chống tác hại rượu bia là khuyến nghị hạn chế nơi bán và bán theo giờ thì trong luật “không dám đề cập”. Dự thảo luật hiện nay giao cho các tỉnh quy định giờ bán và địa điểm bán.

“Thực ra giao cho các tỉnh là vấn đề nguy hiểm. Bởi vì nếu tỉnh tích cực thực hiện thì hiệu quả, nếu không tích cực thì ngược lại, sẽ thành ra “lỗ chỗ”, ông Tiên quan ngại.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội cho rằng, việc dự thảo “yếu” là do tác động nhiều phía, trong đó không loại trừ có vấn đề “lobby” chính sách của các DN, đặc biệt là các DN rượu bia giải khát nước ngoài.

Chính vì vậy, ông Tiên khuyến nghị, cần có thêm thời gian để chuẩn bị, bổ sung các quy định, chế tài mạnh hơn nhằm hoàn thiện dự thảo Luật phòng, chống tác hại rượu, bia.

Cấm bán rượu trên mạng là khó khả thi!

Tại buổi thảo luận tổ tại Quốc hội chiều 12/11, Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) băn khoăn: "Quy định như dự thảo, rốt cục là có cấm người dưới 18 tuổi uống rượu hay không? Bởi chỉ quy định là cấm bán rượu cho trẻ em dưới 18 tuổi. Vì vậy đề nghị phải ghi cho rõ”.

Bà Lan cũng đề nghị cần quy định cấm hành vi ép buộc người khác sử dụng rượu, bia, thay vì chỉ quy định cấm ép buộc người dưới 18 tuổi sử dụng rượu bia.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan băn khoăn, Dự thảo Luật cấm bán bia rượu trên mạng trong khi vẫn cho phép các cửa hàng rượu bia tồn tại. “Dự thảo luật lý giải nguyên nhân vì mua bán trên mạng dễ dàng hơn là chưa thuyết phục, chưa đúng luật, chưa tương thích với các luật khác. Thực tế người dân mua rượu bia qua điện thoại, qua các cửa hàng rất nhiều, trong đó có nhiều loại không kiểm soát được nguồn gốc. Do đó, điều này cần tính toán”, bà Lan nói.

Đồng quan điểm trên, ĐBQH Nguyễn Văn Quyền (Cần Thơ) cho rằng, quy định về việc không được bán rượu, bia qua Internet là không hợp lý, khó khả thi trong thời đại 4.0.

Ở một khía cạnh nào đó, theo ông Quyền việc bán trên mạng tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nắm bắt được chất lượng thật của rượu bia, cũng như địa chỉ chịu trách nhiệm về sản phẩm bán ra.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI