Đối thoại với nhân dân: Nước mắt cử tri và “lửa” của “ông nghị”

13/01/2016 - 07:47

PNO - Khi các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo và nhân dân được trân trọng... những chính sách ra đời tất yếu sẽ mang gương mặt của quần chúng.

Giải quyết được việc lớn cho dân, nâng đỡ tinh thần và trợ sức cho dân trong làm ăn, sinh sống, nói lên được những bức xúc của dân, vốn là tâm nguyện của các vị lãnh đạo vì dân, nhưng họ cũng không né tránh khi bộc bạch rằng, chính quyền đang có lỗi với dân, vì những nỗi khốn khổ và sự lo lắng bất an của dân là không gì bù đắp được...

Công lý đến, dù muộn

Một buổi chiều đầu năm 2016, chúng tôi gõ cửa nhà ông Lê Văn Lâm (KP.5, P.Tân Thới Nhất, Q.12, TP.HCM), người từng ròng rã khiếu kiện đòi lại giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất (GCN) suốt 10 năm (từ 2003 đến 2014) nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu và sự im lặng đáng sợ. Phải đến cuối năm 2014, chỉ sau 30 phút được gặp người đứng đầu thành phố là Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải để trình bày, những đắng cay của ông mới tan biến và ông đã nở được nụ cười…

Chúng tôi thật sự bất ngờ khi ông Lâm cho biết, người anh con cô ruột của ông từng là Phó chủ tịch UBND Q.12 ngay thời điểm gia đình ông bị UBND quận không cho phép đóng nghĩa vụ đất, không đồng ý cấp phép xây dựng và lưu giữ GCN triền miên. “Vì sao có người thân làm quan ở quận mà gia đình không cậy nhờ?”.

Ông Lâm thật thà: “Lúc đó cha tôi còn minh mẫn, nên tự đi làm hết mọi thủ tục giấy tờ. Anh ấy tuy có chức quyền, nhà lại ở ngay khu đất gia tộc này, nhưng chúng tôi nghĩ việc cấp GCN có trình tự, thủ tục của nó, gia đình tôi cứ theo đúng thủ tục mà làm, nhờ cậy chi cho phiền anh ấy”. “Vậy khi gửi đơn đến Bí thư Thành ủy, ông có nghĩ vụ việc rồi cũng sẽ rơi vào im lặng?”. “Nhà tôi gửi đơn đến đâu cũng tin là sẽ được trả lời, không hề muốn đưa lên cấp này, cấp nọ rườm rà. Cùng đường quá nên mới phải gõ cửa Văn phòng Thành ủy”.

Những người như ông Lâm là những công dân lương thiện, luôn thượng tôn pháp luật nhưng đổi lại, họ nhận được những ê chề, cay đắng từ hành xử của những người có chức quyền, chỉ đến khi người đứng đầu ra tay, quyền lợi chính đáng của họ mới được trả lại.

Bà Nguyễn Thị Trường (ngụ P.Thảo Điền Q.2, TP.HCM), cũng là người đã tìm lại được nụ cười khi nhận kết luận giải quyết dứt điểm vụ khiếu kiện kéo dài hơn 5 năm từ Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh. Năm năm đằng đẵng đó, bà vừa mất ăn, mất ngủ lo cho tài sản của gia đình, vừa phải mưu sinh kiếm sống.

“Không biết bao nhiêu bận mấy mẹ con tôi ngược xuôi lên tòa, tràn trề hy vọng để rồi thất vọng. Ngay cả khi tòa phán quyết quyết định của UBND Q.2 thu hồi đất của chúng tôi là không có căn cứ pháp lý, yêu cầu doanh nghiệp phải trực tiếp thỏa thuận, bồi thường cho chúng tôi, thì UBND Q.2 vẫn cho rằng họ không có gì sai”. Lúc đó, dù rất bức xúc nhưng cả gia đình bà không ai manh động, chỉ tuân thủ đúng pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Cũng chính Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh là người trực tiếp giải quyết vụ kiện của ông Lưu Văn Ngự về vụ nhà đất số 87/140 Đinh Tiên Hoàng, P.3, Q.Bình Thạnh, bị thu hồi giao cho Công ty cổ phần đầu tư Miền Nam, chấm dứt 20 năm ngược xuôi khiếu kiện của một đại gia đình.

Sau hơn hai tiếng đồng hồ lắng nghe nguyện vọng của gia đình ông Ngự và trình bày của lãnh đạo UBND TP.HCM, ông Tổng thanh tra đã chính thức “chốt” lại việc xử lý. Nước mắt con cháu ông Ngự đã rơi. Niềm tin vào công lý và lẽ phải của gia đình ông đã thành hiện thực. Lúc đó, ông Ngự đang ngồi trên xe lăn.

“Năm năm mất đất, mất tài sản, đau lắm chứ! Tôi tin Đảng, tin Nhà nước nên cứ phải làm đúng pháp luật và đợi chờ công lý”. Sự chờ đợi của người đàn bà nhỏ bé, gầy gò Nguyễn Thị Trường đã không uổng phí khi Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh can thiệp.

Tuy nhiên, tình trạng phải trực tiếp đến tay những vị có trách nhiệm cao nhất của thành phố và trung ương, oan ức của người dân mới được giải quyết thỏa đáng, cho thấy việc chính quyền phải gần dân hơn nữa; việc chấn chỉnh lại nạn quan liêu, cửa quyền của cán bộ cơ sở phải luôn được tiến hành thường xuyên…

Khi các "bà nghị" khóc

Doi thoai voi nhan dan: Nuoc mat cu tri va “lua” cua “ong nghi”
Bà Đinh Thị Bạch Mai và các đại biểu Đoàn Quốc hội TP.HCM trong một phiên làm việc

Sáng 21/7/2015, 11 hộ dân ở lô đất 148 Nguyễn Thái Sơn, P.5, Q.Gò Vấp, TP.HCM nước mắt vắn dài, gõ cửa Văn phòng đại biểu Quốc hội TP.HCM cầu cứu. Nguyên nhân xuất phát từ việc dù đã mang đất cầm cố cho Ngân hàng TMCP Phương Nam nhưng vợ chồng bà Huỳnh Thị Thùy Trang, người đứng tên trong giấy chủ quyền, vẫn tiếp tục rao bán đất bằng giấy tay, với giá từ 80 triệu đến 650 triệu đồng/nền.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI