Doanh nghiệp muốn chi 5.000 tỷ đồng cứu kênh chết ở Sài Gòn

02/04/2019 - 15:00

PNO - Nhà đầu tư đã lập nghiên cứu khả khi và cam kết trong trường hợp không được UBND TP.HCM phê duyệt, sẽ tự chịu các khoản chi phí đã bỏ ra thực hiện.

Trung tâm Chống ngập TP.HCM cho biết, để giải quyết ô nhiễm nguồn nước cho lưu vực Bắc Sài Gòn, TP.HCM cần xây dựng một nhà máy xử lý nước thải công suất 100.000m3/ngày cùng hệ thống cống bao với tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng.

Dự án trên đã được liên danh Công ty LG-Hitachi Water Solution (Nhật) - Công ty Đầu tư và Thương mại Hợp Phát (Việt Nam) nghiên cứu, lập báo cáo nghiên cứu khả thi và đang trình UBND TP.HCM xem xét, phê duyệt.

Doanh nghiep muon chi 5.000 ty dong cuu kenh chet o Sai Gon
Tuyến kênh Trần Quang Cơ -Rạch Cầu Dừa đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh: H.N

Theo đề xuất của liên danh LG-Hitachi Water Solution - Hợp Phát, dự án sẽ được thực hiện theo hình thức hợp đồng xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao (BLT). Trong trường hợp không được UBND TP.HCM phê duyệt, nhà đầu tư sẽ tự chịu các khoản chi phí đã bỏ ra để thực hiện.

Trước đề xuất của nhà đầu tư, vào cuối tháng 3/2019, UBND TP.HCM đã giao cho Sở KH-ĐT chủ trì phối hợp với các sở ngành liên quan xem xét, tổ chức thẩm định theo quy định của pháp luật.

Doanh nghiep muon chi 5.000 ty dong cuu kenh chet o Sai Gon
Dọc kênh Trần Quang Cơ có nhiều nhà máy gây ô nhiễm. Ảnh: H.N

Nếu được UBND TP.HCM chấp thuận, nhà máy xử lý nước thải lưu vực rạch Cầu Dừa dự kiến sẽ xây dựng trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Sau khi hoàn thành, nhà máy này sẽ thu gom nước thải ở quận 12, huyện Hóc Môn thông qua hệ thống đường cống dài hơn 50 km để xử lý đạt chuẩn rồi xả ra sông Sài Gòn.

Lưu vực rạch Cầu Dừa hiện là khu vực đang bị ô nhiễm nghiêm trọng ở phía Bắc Sài Gòn. Vào năm 2016, trước sự bức xúc của người dân, lãnh đạo TP.HCM đã chỉ đạo Trung tâm Chống ngập thực hiện dự án nạo vét, khơi thông dòng chảy. Tuy nhiên, nguồn nước kênh rạch ở lưu vực này hiện vẫn chưa được cải thiện.

Doanh nghiep muon chi 5.000 ty dong cuu kenh chet o Sai Gon
Lưu vực Rạch Cầu Dùa nhìn từ Google map.

Điểm ô nhiễm nặng nhất ở lưu vực rạch Cầu Dừa là tuyến kênh Trần Quang Cơ - rạch Cầu Dừa dài khoảng 4 km. Dọc tuyến kênh này hiện có Cụm công nghiệp Quang Trung và Khu công nghiệp (KCN) Tân Thới Hiệp. Trong đó, KCN Tân Thới Hiệp có 27 cơ sở sản xuất với tổng lượng nước thải khoảng 2.500 m3/ngày. Cụm công nghiệp Quang Trung có khoảng 18 cơ sở đang sản xuất thuộc các ngành nghề như may, giặt, tẩy, nhuộm, in… nhưng hiện chưa có số liệu thống kê đầy đủ về nước thải.

Từ năm 2016, Chi cục Bảo vệ môi trường (thuộc Sở TN&MT) tổ chức lấy mẫu nước thải trên tuyến kênh Trần Quang Cơ – Rạch Cầu Dừa đưa đi phân tích, xác định nhiều chỉ tiêu vượt quy chuẩn cột B1 (nước thải sinh hoạt xả vào nguồn nước không dùng cho mục đích cấp nước). Cụ thể, chỉ tiêu COD (nhu cầu ôxy hóa học) vượt hơn 7,7 lần, BOD5 (nhu cầu ôxy sinh hóa) vượt hơn 7,7 lần, hàm lượng ammonia (N-NH4+) cũng vượt quy chuẩn cho phép hơn 19,9 lần…

Theo nhận định của Chi cục bảo vệ môi trường, nguyên nhân ô nhiễm trên tuyến kênh Trần Quang Cơ - rạch Cầu Dừa là do tiếp nhận các nguồn nước thải từ Cụm công nghiệp Quang Trung, KCN Tân Thới Hiệp cũng như nước thải từ các cơ sở chăn nuôi và các hộ dân sống dọc kênh.

Hoàng Nhiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI