Điện mặt trời: Tốt thế mà sao khó thế!

24/07/2019 - 09:47

PNO - Với chủ trương phát triển điện mặt trời của Chính phủ, việc các nhà máy điện mặt trời, điện gió được nhanh chóng lắp đặt, vận hành... kể cả việc các hộ gia đình triển khai hệ thống điện mặt trời áp mái cũng đã được dự báo.

Hệ thống điện quốc gia đang vận hành, được điều tiết theo một cách hết sức lạ lùng. Để đảm bảo cung cấp đủ điện cho hoạt động sản xuất, sinh hoạt, nhiều lần Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phải huy động nguồn điện chạy dầu với giá cao gần 6.000 đồng/kWh, dẫn đến việc kêu lỗ.

Trong khi đó, các nhà máy điện mặt trời, điện gió lại không thể phát hết công suất, gây thiệt hại cho chủ đầu tư. Tệ hơn, nhiều dự án điện mặt trời áp mái của các hộ gia đình đã không thể hòa lưới, buộc phải xả bỏ, hết sức lãng phí.

Dien mat troi: Tot the ma sao kho the!
Trong lúc EVN than thiếu điện, nhiều nhà máy điện mặt trời phải giảm công suất và các dự án điện mặt trời áp mái phải xả bỏ lượng điện thừa

Điện sẽ thiếu và thiếu

Theo báo cáo tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm của EVN thì so với cùng kỳ năm 2018, EVN đã sản xuất và nhập khẩu hơn 117 tỷ kWh điện, tăng gần 11%. Sản lượng từ các nhà máy nhiệt điện than đạt hơn 60 tỷ kWh, sản lượng thủy điện đạt gần 30 tỷ kWh. Đáng chú ý là thông tin EVN đã phải huy động gần 800 triệu kWh điện từ nguồn điện chạy dầu với giá cao (từ 5.700-6.000 đồng/kWh).

Dự kiến từ nay đến hết năm 2019, nhu cầu điện của cả nước sẽ tiếp tục tăng cao. Theo Phó tổng giám đốc EVN - ông Võ Quang Lâm - hiện hệ thống điện không có nguồn dự phòng. Bên cạnh đó, mực nước ở các hồ thủy điện đều đang ở mức rất thấp, gần ở mức nước “chết” (không thể phát điện). Các nhà máy nhiệt điện cũng sẽ gặp khó khăn trong việc phát điện khi nguồn cung khí, than để sản xuất điện đều khó khăn. 

Trong kế hoạch 6 tháng cuối năm, EVN dự kiến đưa vào hoạt động 3 nguồn điện từ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng, nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng và thủy điện Thượng Kon Tum; tổng công suất 1.480MW. Dự án điện mặt trời Phước Thái 1 và Sê San 4 cũng sẽ sớm khởi công.

Bất chấp việc EVN đưa thêm bao nhiêu nhà máy vào hoạt động, chuẩn bị khởi công bao nhiêu nhà máy, lượng điện cung cấp vẫn đang thiếu hụt mà theo tính toán của tập đoàn này thì có thể sẽ phải huy động thêm hơn 2 tỷ kWh từ nguồn điện chạy dầu giá cao và bán lại giá rẻ cho sản xuất và sinh hoạt. 

Đương nhiên, đó là cách kinh doanh chắc chắn lỗ và không ai biết liệu tương lai EVN có tăng giá điện nữa hay không. Điều chúng ta có thể biết là khi EVN thiếu điện để bán, một lượng lớn điện thừa đã phải xả bỏ và nhiều nhà máy điện xanh phải hoạt động dưới công suất.

Nhà máy giảm công suất, điện thừa phải bỏ

Tính đến cuối tháng 6/2019, cả nước có 89 nhà máy điện gió và mặt trời, với tổng công suất 4.543,8MW, chiếm 8,3% tổng công suất của hệ thống điện quốc gia. Con số này đã vượt xa so với dự kiến của Quy hoạch điện VII điều chỉnh (chỉ 850MW điện mặt trời vào năm 2020). 

Trong đó, chỉ tính riêng tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận (hai tỉnh có nguồn nắng, gió tốt nhất cả nước để sản xuất năng lượng xanh), hiện đã có 38 nhà máy điện gió, điện mặt trời, với tổng công suất 2.027MW đang hoạt động. Dự kiến, đến tháng 12/2020, công suất điện gió và điện mặt trời ở hai tỉnh này sẽ tăng lên 4.240MW.

Trong khi công suất phát rất lớn, nhu cầu phụ tải của Ninh Thuận và Bình Thuận lại rất nhỏ. Dù việc quá tải lưới điện truyền tải khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận đã được dự báo từ trước, nhưng với mức giá ưu đãi, các nhà máy điện mặt trời vẫn được đầu tư “ồ ạt” trong thời gian ngắn. Sự phát triển nóng của hệ thống điện mặt trời tại Ninh Thuận, Bình Thuận dẫn tới thực trạng đa số các đường dây, TBA từ 110-500kV trên địa bàn đều quá tải. Trong đó có đường dây quá tải đến 360%. Mức mang tải của các đường dây dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) - ngay từ đầu, việc quá tải lưới điện đã được EVN/A0 cảnh báo tới các chủ đầu tư, rất công khai, minh bạch. Hiện nay, EVN/A0 cũng áp dụng mọi giải pháp, tạo điều kiện cho các nhà máy được phát điện ở mức tối đa. Đại diện Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cũng khẳng định, phần lớn các chủ đầu tư điện mặt trời ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận đều đã biết trước việc quá tải lưới truyền tải và phải tiết giảm công suất.

Về giải pháp để đẩy nhanh các dự án lưới điện truyền tải như đề xuất của Cục Điều tiết điện lực, ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc EVN - cho hay, đơn vị xác định việc giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Thời gian qua, tập đoàn này đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện. Tuy nhiên, hiện nhiều dự án giải tỏa công suất vẫn còn gặp khó khăn, do các vướng mắc về thủ tục, công tác giải phóng mặt bằng...

Cũng theo ông Nhân, để triển khai một dự án điện mặt trời chỉ mất khoảng 6 tháng, thậm chí ít hơn. Có dự án cách đây 2 tháng còn là bãi đất trống, hiện đã đóng điện thành công. Trong khi đó, để thực hiện một dự án lưới điện truyền tải 220kV hay 500kV, mất khoảng 3-5 năm. Cụ thể, dự án truyền tải lưới điện 220kV Cát Lái - Khu công nghệ cao mà EVN TP.HCM vận hành ngày 12/7 vừa qua, phải sau gần 6 năm (2014-2019) mới có thể đưa vào sử dụng.

Bài toán quy hoạch

Lợi ích của năng lượng tái tạo không còn phải bàn cãi. Chủ trương của Chính phủ cũng là khuyến khích sản xuất, sử dụng điện mặt trời. Trên thực tế, tại khu vực TP.HCM ngày càng nhiều dự án điện mặt trời áp mái đã được các hộ dân triển khai lắp đặt và sử dụng. 

Tuy nhiên, để hòa lưới các dự án này vào hệ thống điện quốc gia, giải tỏa một phần cơn khát điện lại là câu chuyện khiến rất nhiều người bức xúc. Theo anh Nguyễn Anh Duy, nhà ở Q.Gò Vấp, TP.HCM, anh đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái từ năm 2017 và dù hệ thống điện của anh đã hòa lưới, đến nay anh vẫn chưa nhận được đồng nào từ EVN.

Trên các group về điện mặt trời là vô số than phiền của người dân về việc hệ thống điện của họ không được EVN nghiệm thu, không cho phép hòa lưới với lý do “không đảm bảo an toàn”, “có khả năng gây quá tải”. Kết quả: các hộ gia đình phải đầu tư thêm hệ thống lưu trữ điện (accu), vốn là thứ gây hại cho môi trường - phía tối của câu chuyện năng lượng tái tạo. Cá biệt, có những hộ gia đình phải xả bỏ lượng điện thừa bằng cách mở máy lạnh… bỏ không hoặc bơm nước cho chảy xuống cống - điều mà bất cứ ai quan tâm đến năng lượng xanh, năng lượng tái tạo đều không thể chấp nhận.

Miền Nam, nhất là hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận là nơi có tiềm năng phát triển điện mặt trời, điện gió cực lớn, nhờ điều kiện khí hậu đặc thù. Với chủ trương phát triển điện mặt trời của Chính phủ, việc các nhà máy điện mặt trời, điện gió được nhanh chóng lắp đặt, vận hành là điều đã nằm trong dự báo. Kể cả việc các hộ gia đình triển khai hệ thống điện mặt trời áp mái cũng đã được dự báo. 

Thế nhưng Quy hoạch điện VII lại chỉ đưa công suất là 850MW trong dự kiến năm 2020. Chúng ta đã thiếu một tầm nhìn đủ rộng cho bức tranh toàn cảnh về hệ thống điện quốc gia, dẫn đến việc thiếu cứ thiếu mà thừa cứ thừa.

Dien mat troi: Tot the ma sao kho the!
Chúng ta đã thiếu một tầm nhìn đủ rộng cho bức tranh toàn cảnh về hệ thống điện quốc gia, dẫn đến việc thiếu cứ thiếu mà thừa cứ thừa

Nếu đã thấy trước và hiện đang chịu đựng sự quá tải của lưới điện, EVN cần tập trung vào hệ thống truyền tải thay vì khởi công các dự án nhiệt điện mà tương lai rất có thể sẽ hoạt động cầm chừng khi lượng điện mặt trời, điện gió được đưa vào sử dụng nhiều hơn, công suất phát ngày càng lớn. Nếu những dự án điện mặt trời áp mái của các hộ dân không thể nghiệm thu vì không đảm bảo an toàn, EVN nên đưa ra các quy chuẩn kỹ thuật về điện mặt trời áp mái để các doanh nghiệp hoặc hộ gia đình triển khai. 

Nếu một khu vực như TP.HCM có thể tự cung ứng điện cho mình, thông qua các dự án năng lượng tái tạo, bài toán thiếu điện sẽ dễ giải hơn đáng kể. Muốn vậy, ngoài chuyện các cơ quan, doanh nghiệp, hộ gia đình cân nhắc phương án triển khai lắp đặt, sử dụng năng lượng tái tạo, chìa khóa vẫn nằm trong tay EVN, dưới tên gọi “lưới điện truyền tải”. 

Để giảm tải cho hệ thống truyền tải điện, đảm bảo an toàn, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) đã phải cắt giảm công suất của các nhà máy điện gió, điện mặt trời ở một số thời điểm. A0 cũng ứng dụng phần mềm tự động điều chỉnh công suất để trực tiếp điều khiển công suất các nhà máy năng lượng tái tạo, nhằm duy trì trao lưu công suất trong ngưỡng cho phép. 

Theo ông Nguyễn Đức Cường - Giám đốc A0 - đơn vị cũng mong muốn được phát hết công suất nguồn điện từ năng lượng tái tạo, bởi dù giá điện mặt trời có đắt (2.086 đồng/kWh) thì vẫn rẻ hơn nhiệt điện dầu.

Thành Nhân - Hạnh Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI