Điện giật chết hai học sinh trước cổng trường: Tôi phải làm gì để bảo vệ con mình?

14/10/2018 - 12:51

PNO - Có ai cầm được nước mắt, nén được căm phẫn khi xem hình ảnh những đứa trẻ cùng những chiếc xe đạp ngổn ngang trước cổng Trường THCS An Lục Long ở Long An?

Trong cơn mưa chiều 13/10, như bao cơn mưa thường lệ của xứ nhiệt đới, thảm họa đã ập xuống gia đình 6 đứa trẻ. Trong đó có 2 em không kịp hiểu vì sao mình phải vĩnh viễn lìa xa cuộc đời này.

“Tử thần” còn hiển hiện đó: sợi dây điện bị đứt, thòng xuống, vắt ngang cổng trường. Các clip và hình ảnh phụ huynh đưa lên mạng xã hội khiến người yếu bóng vía không dám nhìn lâu, khiến cả Youtube và Facebook đều nhận diện là clip bạo lực và dừng hiển thị. Có người nói, cổng trường chẳng khác gì hiện trường một cuộc đánh bom.

Dien giat chet hai hoc sinh truoc cong truong: Toi phai lam gi de bao ve con minh?
Hiện trường vụ tai nạn

Chính quyền xã đã xác nhận vụ việc xảy ra khi học sinh tan học, lấy xe ra về. Đường dây điện chạy ngang trước cổng trường bất ngờ bị đứt, rơi xuống lúc trời đang mưa và chạm vào người học sinh.

Hai em bị điện giật, tử vong tại chỗ là Đinh Thiên Bảo và Nguyễn Thị Ngọc Lan (cùng 11 tuổi, đều ngụ xã An Lục Long).

Bốn em khác bị thương gồm: Phan Tấn Sang (12 tuổi), Đinh Hoàng Vũ (11 tuổi), Trương Huỳnh Tiến (11 tuổi) cùng ngụ xã An Lục Long và em Hồ Thị Diễm Hương (12 tuổi), ngụ xã Phước Tân Hưng. Trong đó có 2 em nguy kịch, hiện đang cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Long An.

Nếu bạn cũng có đứa con tuổi tới trường chiều chiều chờ bạn đón, hay bạn vất vả mưu sinh phải giao con chiếc xe đạp để tự tới trường, hẳn sau phút lạnh người sợ hãi, bạn sẽ hoang mang không biết ngày mai sẽ phải làm thế nào?

Chẳng lẽ ngày mai nhốt con ở trong nhà? Vì ngay trường học, giờ đây cũng không còn an toàn nữa.

Mà nói dại, để con trong nhà, nếu rủi có sợi cáp điện trước nhà bị tác động nào đó đánh đứt, điện trong nhà cháy nổ, liệu con có an toàn hay không?

Cuộc sống quá bất an, tử thần lơ lửng trong mọi hẻm hóc làm việc, học hành hay trú ngụ. Chúng ta biết mang con đi đâu dưới gầm trời này để an ổn bây giờ?

Tai nạn về điện là một tai nạn sát thương khủng khiếp nhất, nhanh nhất và có thể lan rộng nhất. Giả sử sợi cáp trước cổng trường rớt xuống vũng nước mưa lớn thì số thương vong sẽ là tất cả các em dính nước, chứ không chỉ còn là 6 em nữa.

Dien giat chet hai hoc sinh truoc cong truong: Toi phai lam gi de bao ve con minh?
 

Điện nguy hiểm, nhưng điện lại hiện diện khắp nơi trong cuộc sống hiện đại. Thật may, cùng với các thiết bị sử dụng điện tiên tiến, thế giới công nghệ cũng phát minh ra bao nhiêu thết bị, biện pháp an toàn. Chỉ là người ta có trang bị và tuân thủ sự an toàn đó hay không thôi.

Từ bao năm nay, dây điện nhằng nhịt trước nhà, hai pha, ba pha "chung chạ" với cáp viễn thông, cáp truyền hình, mạng các loại vốn là đặc sản của đô thị. Biết bao vụ cháy nổ do điện, biết bao vụ điện giật do điện, nghe đến nhàm.

Ngày nay, trên nhiều tuyến phố lớn của Hà Nội, TP.HCM, các loại dây được phân loại, đánh số. Dây dẫn điện được cách ly kỹ lưỡng, bó gọn, cố định.

Việc bó gọn thật đơn giản ấy sẽ tránh gây đứt dây đơn lẻ. Trường hợp một sợi nào đó đứt, cũng không thể thòng xuống quá dài và gây tai nạn cho người hay vật bên dưới. Tất nhiên khi bó lại, các sợi đều phải xử lý thật kỹ độ cách ly để tránh cháy nổ, chập điện. Bó dây cũng không được quá nặng, quá chùng, phải bảo đảm an toàn cho hành lang điện bên dưới.

Ở nhiều tuyến đường lớn của đô thị, người ta cũng lục tục chuyển đường điện xuống lòng đất, đưa vào hệ thống riêng, cách ly tuyệt đối, để giảm đối đa các nguy cơ bị tác động như khi dây điện chạy "trần" trên không.

Vậy nhưng, dù tiền điện vẫn thu đúng, thu đủ, không thiếu một xu, hộ nào nộp trễ ngay lập tức bị cúp cầu dao với phí mở lại cắt cổ, không phải địa phương nào cũng dồn sức cho việc này. Tốn tiền, tốn nhân công, và phải thu xếp với nhiều ban ngành liên quan nếu muốn làm lại hệ thống cột, đào bới vỉa hè, sắm trụ điện, tủ điện.

Còn nhớ gần 10 năm trước, năm 2009, 2 học sinh ở Q.5, TP.HCM cũng tử nạn trên vỉa hè TP.HCM trên đường đi học do dây điện thòng xuống. Điện lực Bình Phú đền bù, xin gia đình bãi nại và gia đình thì ngại việc khám nghiệm tử thi nên cuối cùng chẳng có ai ra tòa.

Không biết sau vụ việc này, ngành điện lực Long An có bị truy tố hay không? Cơ quan công an có điều tra có khởi tố vụ việc để đòi công bằng cho các cháu thiệt mạng, thiệt thân hay không?

Tử thần không phải sợi dây điện, cũng phải tiếng sét hay cơn mưa. Tử thần chính là sự tắc trách của ngành điện và chính quyền. Bởi nếu cứ tiếp tục thòng những sợi dây cẩu thả qua cổng trường, cung đường, mái nhà và coi thường tính mạng người, hẳn sẽ còn những tai nạn tương tự.

T. Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI