Di dời Dinh Thượng Thư, tại sao không?

04/05/2018 - 09:40

PNO - Hai ngày qua, chuyện xóa bỏ Dinh Thượng Thư - dãy nhà cổ theo kiến trúc Pháp tại số 59-61 Lý Tự Trọng (Q.1, TP.HCM) để triển khai Dự án mở rộng, nâng cấp, cải tạo trụ sở UBND TP.HCM đang gặp phải nhiều ý kiến trái chiều.

LTS: Một viên gạch vỡ chưa bao giờ ngây ngô, bởi từ trong ruột đá, một phản biện gay gắt và đau đáu, rằng nếu không có nó, thì người trú ngụ ở đâu? Và nếu như thế, tại sao phải đập bỏ Dinh Thượng Thư vốn là nơi nương náu của những dấu vân tay một thời đã tạo dựng hào quang kiến trúc ít ỏi còn sót lại của Sài Gòn một thuở? 

Lịch sử ghi nhận ngày hôm nay, nếu bằng mọi cách chúng ta giữ lại công trình này, như là mặc định cho cháu con 100 năm nữa, rằng cha ông đã giữ gìn di sản của tiền nhân, để từ đó, nơi cái nhìn ngẩn ngơ thán phục trong đôi mắt trẻ, sẽ nảy mầm hạt giống trân quý. Đừng biến ngày mai, lịch sử chỉ còn những bồi hồi tiếc rẻ, những ngậm ngùi chua xót, khi hôm nay cứ sa lầy trong hội chứng “không có trong danh sách bảo tồn nên đập bỏ”, bởi ai dám chắc, khi túi kinh nghiệm để lại cho hậu bối chỉ là những nhát búa khô khốc, thì chúng sẽ không vung tay vô tri với di sản cha ông?

Trước những luồng ý kiến đối lập và có phần cứng nhắc là nên giữ nguyên hay đập bỏ, ý kiến cho rằng, nên di dời công trình kiến trúc cổ này lại khả quan hơn.

Di doi Dinh Thuong Thu, tai sao khong?

Kiến trúc sư Nguyễn Văn Châu - Công ty Tỷ Lệ Vàng:

“Di dời và tận dụng kiến trúc cổ làm du lịch”

Chúng ta cứ mãi tranh cãi về việc đập bỏ hay giữ lại Dinh Thượng Thư, nhưng lại không quan tâm đến công năng sử dụng của di sản này. Những người muốn đập bỏ thì cho rằng, đây là một công trình đã xuống cấp, lại không thuộc danh sách di sản; người muốn giữ lại thì cho rằng, đây là một công trình kiến trúc cảnh quan mang tính lịch sử của thành phố, đang phải “xếp hàng” chờ công nhận di tích văn hóa lịch sử.

Vậy tại sao không làm mới và tăng công năng cho công trình này? Chúng ta có thể di dời công trình này và nếu được, đầu tư trùng tu về kiến trúc, thậm chí ứng dụng công nghệ thông minh để tạo một bộ mặt mới cho Dinh Thượng Thư, biến công trình này thành một bảo tàng lịch sử kiến trúc đồng thời đưa vào tour của các công ty du lịch.

Việc xây dựng trụ sở UBND TP.HCM là cần thiết, nhưng giữ gìn những giá trị lịch sử văn hóa cũng quan trọng không kém. Trong cơn lốc của sự phát triển, nếu không ý thức được giá trị dân tộc, dân gian, chúng ta sẽ có thể đánh mất những yếu tố vô giá mà bao đời người Việt Nam đã giữ gìn và phát huy.

Có thể thấy rằng, TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn thiếu các chương trình nghệ thuật đưa vào tour của các công ty du lịch. Các chương trình rối nước, xiếc thì được đầu tư sơ sài và kém hấp dẫn du khách. Nên chăng, chúng ta hãy quan tâm đầu tư các viện bảo tàng nhằm cho ra các sản phẩm du lịch đặc sắc để giới thiệu đến du khách nước ngoài.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn:

“Di dời bằng kỹ thuật Việt Nam”  

Bảo tồn ô phố thì mới có giá trị vì các kiến trúc được thiết kế hài hòa, chứ không phải chỉ bảo tồn từng công trình riêng lẻ. Trụ sở UBND TP.HCM được bảo tồn nguyên vẹn nhưng phần Dinh Thượng Thư phía sau khi được gắn vào thì sẽ lấn át trụ sở, làm mất không gian của cả ô phố; vì vậy, cần phải tách ra. 

Di doi Dinh Thuong Thu, tai sao khong?
 

Nếu có một hội nghị quốc tế lấy ý kiến đánh giá của các chuyên gia trong và ngoài nước, tôi tin rằng đa số sẽ cho rằng, Dinh Thượng Thư là một di sản cần bảo tồn. Còn lấy lý do Dinh Thượng Thư không nằm trong danh sách di tích để phá bỏ thì cách quản lý di sản của TP.HCM ”đang có vấn đề”. Vì thực tế hiện nay, nhiều công trình di sản quan trọng của thành phố như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố đều không có tên trong danh sách này, không lẽ các di sản này sẽ bị phá bỏ vào một ngày nào đó?

Nhiều kiến trúc sư, bao gồm chuyên gia bảo tồn, chưa hiểu ý nghĩa sâu sắc của việc bảo tồn di sản bản địa nên chỉ xem xét bảo tồn di sản dựa trên giá trị xây lắp hoặc mức độ phức tạp của công trình. Việc Dinh Thượng Thư không nằm trong danh sách bảo tồn thể hiện sự yếu kém kéo dài nhiều năm trong quản lý bảo tồn di sản của TP.HCM, không thể là lý do để đập bỏ công trình này.

Tòa nhà Dinh Thượng Thư là một công trình lịch sử cần bảo tồn, trùng tu và có thể di dời bằng kỹ thuật Việt Nam đồng thời có thể chuyển đổi chức năng phù hợp. Diện tích của dinh cũng không quá lớn nên không quá khó khăn để có thể tìm chỗ phù hợp. Kiến trúc ở công trình này cũng cần hiện đại nhưng không nên quá tương phản, mà cần hài hòa với kiến trúc hiện hữu của UBND TP.HCM.

Ngoài ra, tôi cũng khá băn khoăn về phương án thiết kế mới của trụ sở UBND TP.HCM với dự kiến bố trí tám cơ quan nhà nước, cho khoảng 1.700 người làm việc. Trong khi khu vực xung quanh đó đang phải “tải nặng” một loạt khách sạn, nhà hàng, cao ốc thì liệu phương án này có “tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại” hay sẽ làm gia tăng nhiều hơn lượng người và xe lui tới, gia tăng nguy cơ ùn tắc, kẹt xe?  

Thạc sĩ Hoàng Nguyên Phương - Hội Khoa học lịch sử Việt Nam:

“Di dời và tôn tạo lại công trình”

Muốn giữ gìn đặc trưng văn hóa Sài Gòn - TP.HCM, chúng ta cần phải bảo tồn, tôn tạo và gìn giữ những địa điểm công trình và cảnh quan quan trọng như những “vùng ký ức”. Nếu không, chúng ta có thể sẽ hủy hoại và làm tổn thương phần “hồn đô thị” của Sài Gòn nói riêng và Việt Nam nói chung. Dinh Thượng Thư cũng không ngoại lệ. Đây là một di tích lịch sử gắn liền với sự phát triển của Sài Gòn, tuyệt đối không nên phá bỏ. Đất đai của TP.HCM còn khá nhiều, sao không di dời Dinh Thượng Thư và được tôn tạo, nâng cấp để thay áo mới cho công trình này?

Mục tiêu của việc nâng cấp, cải tạo trụ sở UBND TP.HCM không nằm ngoài định hướng bảo tồn cảnh quan kiến trúc trên địa bàn thành phố. Vấn đề bảo vệ di sản văn hóa thực chất cũng thuộc về chính sách quản lý đô thị. Vì vậy, chính quyền nên chú ý thực hiện các dự án phát triển hành chính nhưng không phá hủy di sản văn hóa, lịch sử hiện hữu. Nếu không, chúng ta chỉ có một thành phố hiện đại vô hồn chứ không còn dấu ấn lịch sử, bản sắc, nhân văn.

Nhà khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu:

“Nên dịch chuyển dinh Thượng Thư”

Việc di dời một công trình kiến trúc từ địa điểm này sang địa điểm khác không phải là việc không thể và trên thế giới cũng đã từng có nhiều nước làm. Tất nhiên, với những công trình mang tính lịch sử, văn hóa như Dinh Thượng Thư thì giá trị của di sản sẽ mất đi ít nhiều, bởi nó không còn mang tính nguyên bản. Nhưng ít nhất, chúng ta giữ được những nét kiến trúc, đặc trưng của công trình cả về trang trí lẫn vật liệu xây dựng…

Cá nhân tôi đương nhiên ủng hộ việc bảo tồn kiến trúc này, bởi đó là những cái cuối cùng của không gian văn hóa Sài Gòn trước đây mà chúng ta còn giữ lại được. Tôi đề nghị nên dịch chuyển tòa nhà ra phía sau trụ sở UBND TP.HCM, vẫn trong khuôn viên khu đất ấy. Bằng cách đó, chúng ta vừa có đủ đất để mở rộng, nâng cấp trụ sở mới mà chi phí di dời không quá tốn kém.

Còn mang công trình đi nơi khác, tôi không chắc chúng ta có thể giữ được nó nguyên dạng hay không, trong khi chi phí có thể sẽ rất cao. Đã từng có một cuộc thi thiết kế quốc tế, trong cuộc thi đó, tác phẩm đoạt giải nhì của Nhật Bản có phần dịch chuyển tòa nhà Dinh Thượng Thư vẫn trong khu đất đó, nằm phía sau tòa nhà của UBND TP.HCM và không ảnh hưởng tới diện tích của phần xây thêm trụ sở UBND TP.HCM. 

“Thần đèn” Nguyễn Văn Cư:

“Tôi có thể di dời được”

Tôi đã có kinh nghiệm nhiều năm di dời các công trình lớn, như ngọn núi nhân tạo nặng hơn 420 tấn ở Bà Rịa - Vũng Tàu, khách sạn Pho de Paris nặng 4.000 tấn ở Campuchia, miếu cổ 300 năm tuổi ở tỉnh Tiền Giang… nên việc di dời Dinh Thượng Thư là hoàn toàn có thể làm được. Chỉ cần đến tận nơi khảo sát thực địa, lên phương án là tôi có thể làm được. 

Việc di dời không nan giải như đánh giá của nhiều người, dù đây là tòa nhà cổ hơn 160 năm tuổi. Chỉ cần có đất để làm bệ móng mới chắc chắn ở vị trí mới. Cụ thể, về kỹ thuật, chúng ta không thể di dời nguyên bộ móng tòa nhà được, vì không kích lên hết được độ sâu của giàn móng, mà chỉ di dời phần trên tòa nhà. 

Phương pháp kỹ thuật chúng tôi đã có, kinh nghiệm thực tế cũng đã có qua nhiều công trình rồi. Chúng tôi từng làm những công trình hơn 300 năm tuổi, di dời và nâng cao lên nhưng vẫn giữ được tổng thể kiến trúc. Chúng tôi làm đà kiềng cứng cáp, đảm bảo kết cấu công trình, tường không bị rạn nứt…

Với quy mô hai tầng, dài rộng mỗi chiều vài chục mét như tòa nhà này thì không có vấn đề gì lớn. Năm 2009, tôi từng di dời một khách sạn ở Campuchia nặng 4.300 tấn. Vừa rồi, tôi cũng đã nâng nhà hàng tiệc cưới ở số 313 Nguyễn Văn Luông (Q.6) có bề ngang 11,8m, dài 58m, 1 trệt 4 lầu lên cao 1,2m. Hiện tôi đang di dời một ngôi chùa ở tỉnh Long An nặng 3.200 tấn xoay 1150, kéo lùi vào 25m.

Xuân Lộc - Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI