Di cư lao động và những câu chuyện đằng sau kiều hối

07/11/2019 - 07:30

PNO - Cho tới bây giờ, tôi vẫn chưa hết sốc về tin 39 thi thể đông cứng tại Anh. Mỗi lần đọc tin tức về họ, nghĩ đến thân phận con người, đến cách họ ra đi, tôi lại khóc.

“Cho tới bây giờ, tôi vẫn chưa hết sốc về tin 39 thi thể đông cứng tại Anh. Mỗi lần đọc tin tức về họ, nghĩ đến thân phận con người, đến cách họ ra đi, tôi lại khóc.

Tôi không biết, nếu rơi vào hoàn cảnh của họ, tôi có lựa chọn như thế không. Một cảm giác tức giận dâng lên. Không phải tức giận những con người bất hạnh đó, mà tức giận về việc tại sao họ phải ra đi, phải lựa chọn con đường rủi ro đó. Chúng ta đã làm đủ để họ không phải ra đi như vậy?” - tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, nói.

Xuất khẩu nghèo đói, đổi lấy phát triển? 

* Phóng viên: Thưa tiến sĩ Khuất Thu Hồng, không biết thời gian qua, Viện Nghiên cứu phát triển xã hội từng có nghiên cứu hoặc điều tra xã hội về lao động di cư chưa? Nếu có, kết quả ra sao?  

- Tiến sĩ Khuất Thu Hồng: Từ năm 2009, viện từng làm nghiên cứu về lao động di cư, tập trung vào người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài.

Năm nay, chúng tôi cũng mới thực hiện một nghiên cứu về tác động của lao động di cư nước ngoài đến quyền năng kinh tế của phụ nữ.

Kết quả cuộc điều tra cho thấy, việc đi lao động ở nước ngoài rõ ràng làm tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ, giúp họ có thu nhập tốt hơn, có tiếng nói hơn trong gia đình, trở nên tự tin hơn, kỹ năng sống của họ cũng tốt hơn, mối quan hệ xã hội rộng hơn, kiến thức xã hội phong phú hơn. Nhìn chung, việc sống và lao động ở nước ngoài đem lại cho họ nhiều lợi ích hơn. 

Tuy nhiên, dù việc đi lao động nước ngoài tăng quyền năng kinh tế của họ như tôi vừa nói, bình đẳng giới vẫn chưa thực sự được cải thiện một cách đúng nghĩa.

Vị thế xã hội của họ tốt hơn nhưng mô hình quan hệ giữa vợ chồng chưa được cải thiện như lẽ ra phải có. Trong khi đó, trong quá trình đi lao động bên ngoài, họ gặp không ít rủi ro, nhất là lao động không có hợp đồng. Họ có thể bị quỵt tiền, giữ lương, bị bắt, bị bóc lột, bị bạo hành và đủ thứ hiểm họa khác. 

Di cu lao dong va nhung cau chuyen dang sau kieu hoi
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng

Thế nhưng, có không ít địa phương xem xuất khẩu lao động như một hoạt động kinh tế - xã hội góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước. Tiến sĩ nghĩ sao về điều này?

- Nhìn tổng thể, di cư ra nước ngoài lao động có thể góp phần tăng thu nhập cho nhiều gia đình và tăng lượng kiều hối cho đất nước. Do vậy, nhiều địa phương còn tuyên truyền, khuyến khích người dân đi lao động nước ngoài theo hợp đồng. 

Đây đó, chúng ta có thể nhìn thấy những khẩu hiệu trên pa-nô, áp-phích như “Xuất khẩu lao động là nhiệm vụ chính trị” hay “Muốn thoát nghèo, hãy tham gia xuất khẩu lao động”. 

Nhưng, bức tranh không phải chỉ toàn màu hồng. Trừ những người có điều kiện, có cơ hội đến những thị trường khá, không ít người phải chấp nhận đi lao động ở những thị trường khắt khe, thu nhập thấp, công việc nặng nhọc, không an toàn. 

Đa số họ là những người nghèo, không đủ khả năng “đầu tư” để đi đến những thị trường mang lại thu nhập tốt. Họ chủ yếu lấy công làm lãi, đánh đổi sức lao động nặng nhọc và những rủi ro khác để lấy những đồng lương ít ỏi. Dù sao, thu nhập đó vẫn cao hơn ở nhà. 

Nhưng, nếu coi đó là chiến lược thoát nghèo và phát triển kinh tế thì cần xem lại. Bởi lẽ, những người có xuất phát điểm khó khăn như học vấn thấp, thiếu kỹ năng làm việc và kỹ năng sống thì khi sang nước ngoài, rất dễ gặp rủi ro.

Tôi không tin chính quyền địa phương hay các cơ quan chức năng không nhìn thấy những điều đó. 

Ta không thể xuất khẩu cái nghèo đói để đổi lấy sự phát triển được. Đó là bài toán của những người… khôn vặt. Không có vốn liếng gì về học vấn, tay nghề, kỹ năng mà đòi lấy tiền về? Thành ngữ Việt Nam có câu “Có bột mới gột nên hồ” phải được áp dụng trong trường hợp này. 

Có thể thấy, có hẳn những đường dây, mạng lưới từ Việt Nam để đưa người lao động đi một cách bất hợp pháp như thế? 

- Hiện, mạng lưới môi giới, tổ chức cho lao động đi nước ngoài theo con đường trái phép phát triển mạnh và hoành hành ở các vùng quê, đến mức, tôi cảm thấy có lẽ đã muộn để chúng ta có thể can thiệp. 

Họ cứ tạo ra những ảo giác, thổi bùng lên những mong muốn, những nhu cầu khiến nhiều người, nhất là thanh niên, cứ lao vào. Không nói với người lao động những rủi ro, nguy hiểm, mất mát có thể xảy ra ở bên kia, họ chỉ nói những thuận lợi, may mắn. 

Và đa số người đi đều nghĩ rằng, chắc bất hạnh trừ mình ra. Trong khi đó, những người gặp rủi ro có còn sống đâu mà kể lại? Những người đã và đang gửi tiền về cũng không mấy khi kể lại những đau khổ, nhọc nhằn, tủi nhục mà họ đã trải qua. 

Theo dữ liệu kiều hối thường niên mới cập nhật của Ngân hàng Thế giới (World Bank), kiều hối chuyển về Việt Nam năm nay ước đạt 16,7 tỷ USD (chiếm 6,4% GDP), tăng nhẹ so với 16 tỷ USD của năm 2018. Chị nghĩ gì về con số này cũng như những con số biểu thị cho cái mà người ta gọi là thành tựu kinh tế khác? Đó có phải là những con số ảo?

- Kiều hối gửi về là quý, nhưng có lẽ, đã đến lúc phải nghĩ, những đồng tiền đó được kiếm bằng cách nào? Liệu mình có thể hoàn toàn thanh thản và tự hào khi nhắc về những con số đó hay không? 

Thực tế là trong số 16 tỷ USD kiều hối đó, có thể có một phần nào đó đã phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu của người lao động Việt Nam, thậm chí có thể có cả những đồng tiền phi pháp. 

Bên cạnh đó, trong các nghiên cứu của mình, chúng tôi thấy, tổng số tiền gửi về của những người lao động di cư của một làng hoặc một xã, ví dụ như ở Nghệ An hay Hà Tĩnh, tập hợp lại thì sẽ là một con số không hề nhỏ. 

Nếu sử dụng nó như một nguồn vốn để phát triển kinh tế, đầu tư vào sản xuất thì sẽ tạo nhiều cơ hội cho người dân địa phương, nhất là thế hệ trẻ, có thể sống tốt ngay ở quê hương mình. 

Nhưng có một hiện thực tréo ngoe: tiền gửi về chủ yếu là để mua đất, xây nhà, xây mồ mả, sắm xe... Rất nhiều người chạy theo những giá trị hào nhoáng khác. Tôi cho rằng, họ cần được hỗ trợ để có chiến lược đầu tư phát triển kinh tế một cách bền vững.

Di cu lao dong va nhung cau chuyen dang sau kieu hoi
Theo số liệu của Tổ chức di cư quốc tế, từ 2012- 2016, Nghệ An, Thanh Hóa và Hà Tĩnh là 3 tỉnh dẫn đầu tỉ lệ lao động di cư ra nước ngoài.

Chất xám cho phát triển kinh tế nông thôn chưa có 

Nhưng quê hương giờ đây không níu được chân của họ nữa, sự ra đi của họ cũng là điều dễ hiểu, thưa chị?

- Quê hương không níu giữ được họ nữa cũng đúng thôi. Vì họ ở lại, quả thật, cũng loanh quanh, không vượt được ngưỡng, ai khá lắm thì đủ ăn, chưa kể thanh niên cũng dễ vướng vào các tệ nạn xã hội. 

Quản lý nhà nước, chính quyền địa phương cũng cần có chiến lược, sự quan tâm thực sự đến nông thôn, hỗ trợ xây dựng chiến lược phát triển kinh tế nông thôn trong bối cảnh sinh kế nông nghiệp ngày càng khó khăn. Đầu tư về chất xám cho chiến lược phát triển kinh tế nông thôn thực chất ở Việt Nam chưa có. 

Tôi tự hỏi, cứ đà này, thanh niên nông thôn sẽ bán sức lao động ra nước ngoài đến bao giờ? Nếu chúng ta không có một chiến lược phát triển kinh tế nông thôn thực sự bài bản, thực sự bền vững, thu hút, giữ chân được thế hệ trẻ ở lại, họ sẽ đi nữa và đi nữa. 

Một vài sào ruộng sao đủ sống, trong khi luôn có các mạng lưới, đường dây mời gọi, thổi vào tai người ta những viễn cảnh tốt đẹp ở nước ngoài? Tôi không biết, nếu trong hoàn cảnh của họ, tôi sẽ như thế nào. 

Lao động di cư không đơn thuần là chuyện riêng của người lao động mà trở thành một bộ phận hữu cơ của cả một nền kinh tế, sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam chứ không chỉ của Hà Tĩnh hay Nghệ An. Nói cho cùng, đúng là chúng ta đang nợ thế hệ trẻ. Việc họ ra đi, có một phần lỗi của chúng ta.

Hôm có thông tin 39 người lao động chết trong thùng container, tâm trạng của chị thế nào?

- Dù biết những chuyện ra đi như thế từ lâu, nhưng việc cùng lúc, chừng ấy con người bị chết thảm thương như thế đã làm tôi thấy rất sốc và hết sức đau lòng. Một cảm giác tức giận dâng lên. Không phải tức giận họ, mà tức giận lý do tại sao họ phải ra đi, phải lựa chọn con đường rủi ro đó. 

Con người không sống trong chân không, tách rời, đơn độc; mỗi quyết định của họ đều liên quan đến các yếu tố xã hội xuất phát từ những bối cảnh rất cụ thể. Bản năng của con người luôn muốn tìm đến sự yên lành, bình an chứ không ai muốn tìm đến chết chóc, đau khổ, nguy hiểm. 

Tôi cho rằng, trước khi đi, chắc chắn họ đã cân nhắc, đã đặt lên bàn cân, bên nặng bên nhẹ mà vẫn quyết định đi. Vậy, điều gì tạo nên quyết định đó? Nếu không có cái nhìn rộng hơn mà chỉ quy trách nhiệm cá nhân thì sẽ không thể đưa ra được hướng giải quyết.

Xin cảm ơn chia sẻ của chị. 

Lao động di cư có xu hướng nữ hóa

Có nhiều lý do khiến số lượng lao động nữ di cư ngày càng đông. 

Một là, người nữ ở Việt Nam cũng lao động sản xuất giống như đàn ông. Trong bối cảnh sinh kế nông thôn bị thu hẹp, không có việc làm, người nữ cũng phải dứt áo ra đi. 

Hai là, phụ nữ ngày càng kết hôn muộn. Trước khi kết hôn, họ lựa chọn ra đi để kiếm tiền, tích lũy vài năm, có tí vốn liếng để lấy chồng, sinh con đẻ cái. Ở nhà một vài năm, họ lại đi, rồi quay về đẻ tiếp. Tới ngoài 40 tuổi, khi con cái lớn hơn, họ tiếp tục đi, chuyển sang làm những công việc không đòi hỏi sức trẻ nữa. 

Đặc biệt, nhu cầu về lao động nữ ở một số nước lớn vì giá lao động nữ rẻ mạt, công việc đòi hỏi tỉ mỉ, kiên trì, nhẫn nại mà đàn ông không muốn làm hoặc không làm được. 

Đó là những công việc đặc thù, như giúp việc gia đình, trông nom người già hoặc những công việc ở khu vực phi chính thức như bán hàng ăn. 

Với lao động nữ, không chỉ giá nhân công thấp hơn mà nữ cũng dễ bảo hơn, đỡ phức tạp hơn, đỡ trốn tránh hơn nam giới. Đó là một thị trường rất béo bở với những người tuyển dụng, môi giới lao động. 

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng

Đậu Dung (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI