Đề xuất vay vốn Trung Quốc làm đường cao tốc 230.000 tỷ: Cân nhắc thật kỹ

01/11/2016 - 12:41

PNO - ''Một dự án đầu tư có nguồn vốn cao nhưng không mang lại hiệu quả, thì cuối cùng chỉ gây lãng phí cho ngân sách, trở thành gánh nặng cho xã hội. Do đó, chúng ta phải tính toán kỹ là vì thế.''

De xuat vay von Trung Quoc lam duong cao toc 230.000 ty: Can nhac that ky
Đề xuất vay vốn Trung Quốc làm đường cao tốc 230.000 tỷ: Cân nhắc thật kỹ. Ảnh: Zing

Những câu hỏi khó

Tiếp tục bàn luận về quan điểm của TS Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia tại buổi tọa đàm ''Giải đáp câu hỏi nóng về đầu tư cao tốc Bắc – Nam'' về việc có thể hướng doanh nghiệp vay vốn từ nước ngoài, nên chọn Trung Quốc để tránh rủi ro về tỷ giá, ĐBQH Hoàng Văn Cường - đoàn Hà Nội cho rằng:

''Trước hết để trả lời cho câu hỏi Việt Nam có cần xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc - Nam hay không thì tôi trả lời là có. Việt Nam với địa hình trải dài từ Bắc vào Nam, việc xây dựng một trục giao thông huyết mạch có tốc độ thuận lợi là điều kiện cần thiết để thúc đẩy mọi hoạt động giao lưu kinh tế, thương mại trong nước. Phát triển hạ tầng giao thông cũng là tạo nền tảng và hỗ trợ cho phát triển liên kết vùng kinh tế. Đây là lý do tôi nói cần xây dựng dự án này.

Tuy nhiên, xây dựng theo hình thức nào? Khả năng huy động vốn ra sao? Và xây dựng thời điểm nào là thích hợp, tôi cho rằng cần phải được tính toán, cân nhắc rất kỹ.

Nếu một dự án có khả năng khai thác cao, hiệu quả thu hồi vốn nhanh thì hoàn toàn có thể huy động vốn từ các nguồn lực xã hội mà không nhất thiết phải sử dụng nguồn lực từ ngân sách nhà nước.

Ngược lại, một dự án đầu tư có nguồn vốn cao nhưng không mang lại hiệu quả, thì cuối cùng chỉ gây lãng phí cho ngân sách, trở thành gánh nặng cho xã hội. Do đó, chúng ta phải tính toán kỹ là vì thế.

Chúng ta đã biết, Việt Nam đang rơi vào tình trạng trần nợ công rất cao, nguồn lực dành cho đầu tư phát triển còn bị hạn chế, việc huy động ngay một lúc đủ nguồn lực từ ngân sách để thực hiện dự án trên là bất khả thi.

Vì vậy, quan điểm của tôi vẫn cho rằng, nếu thực hiện dự án trên nên thực hiện theo phương án xã hội hóa, dứt khoát không sử dụng ngân sách nhà nước. Nhà nước chỉ đáp ứng một nguồn ngân sách cơ bản, còn lại giao doanh nghiệp tự thu xếp vốn.''

Theo ông Cường, khi doanh nghiệp tự đứng ra thu xếp vốn, họ sẽ lựa chọn, cân nhắc được nguồn vốn nào là tốt nhất, hiệu quả nhất, phù hợp nhất với mục đích đầu tư của doanh nghiệp.

Cũng cần phải lưu ý rằng, song song với dự án trên chúng ta đã có dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng toàn tuyến QL1A cũ với tổng số vốn đầu tư khoảng 126.415 tỉ đồng. Đây là một dự án lớn, xuyên suốt chiều dài đất nước vì vậy cần đặt vấn đề xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc - Nam thời điểm này đã phù hợp và cần thiết hay chưa?

Và nếu thực hiện thì phải thực hiện thế nào? Nên thực hiện ngay một lúc toàn dự án hay nên chia dự án làm nhiều phân kỳ, nhiều giai đoạn? Chỗ nào cần thì làm trước, tuyến nào chưa cần thiết thì để làm sau?

''Trở lại với đề xuất vay vốn từ Trung Quốc để xây dựng dự án trên. Quan điểm của tôi là không phân biệt nguồn gốc đồng vốn đó đến từ nước Nhật, nước Trung Quốc hay Pháp... tôi chỉ quan tâm tới hiệu quả sử dụng của nguồn vốn đó thế nào? Nguồn vốn đó có đáp ứng được nhu cầu huy động của doanh nghiệp và có giúp doanh nghiệp mang lại hiệu quả kinh doanh hay không?

Bên cạnh đó, nguồn vốn vay còn phải đáp ứng được tiến độ giải ngân cũng như những điều kiện ràng buộc đi kèm của nhà cung cấp vốn phải thể hiện cụ thể, chi tiết. Nguồn vốn vay phải đáp ứng được mục tiêu của nhà đầu tư nữa.

Khi đề cập tới vốn vay từ Trung Quốc bao giờ người ta cũng nhìn thấy những cái lợi thế ban đầu như: ít bị phụ thuộc vào biến động của tỉ giá dựa trên mối quan hệ giữa hai nước, hay chi phí vay vốn thấp, thủ tục nhanh gọn...

Tuy nhiên, dù vay vốn của nước nào mà không xem xét kỹ lưỡng những điều kiện ràng buộc kèm theo và không có đánh giá kỹ tính ổn định, tính khả thi của nguồn vốn thì những lợi thế lại trở thành rào cản. Vì thế, người ta hay nói vay vốn Trung Quốc rẻ lại hóa đắt là như vậy.'' ông Cường lưu ý.

Vấn đề ở khâu quản lý

Đề cập đến bài học từ đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ lặp lại,  ĐBQH Hoàng Văn Cường phân tích:

''Thông thường ở những nước có cơ chế quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư phát triển, họ sẽ đưa ra các phương án tính toán xây dựng dự án cũng như phương án sử dụng vốn hết sức chặt chẽ.

Bao gồm cả việc dự tính các yếu tố có khả năng phát sinh trong quá trình thực hiện dự án đó. Do đó, khi triển khai dự án những yếu tố phát sinh rất ít, thậm chí gần như bằng 0.

Chính vì sự khắt khe đó mà ngay trong giai đoạn trình dự án người ta thường nhìn thấy những phương án của các nước này có chi phí vay vốn cao hơn, thủ tục vay vốn cũng khó khăn hơn. Đây là lý do khiến chúng ta e ngại và muốn lựa chọn nguồn vốn cũng như nhà thầu dễ tính hơn như Trung Quốc.

Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó. Cụ thể tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, trong giai đoạn trình dự án nhà thầu Trung Quốc đưa ra giá rất rẻ nhưng các điều kiện, thủ tục ràng buộc lại không chặt chẽ vì thế trong quá trình thực hiện đã phát sinh rất nhiều yếu tố bất cập.

Kể cả trong quy định, cam kết về sử dụng công nghệ, kỹ thuật vận hành, công tác đào tạo cán bộ vận hành... cũng không rõ ràng, cụ thể dẫn tới những bất đồng trong quá trình thực hiện.

Và khi có bất cập, phía Việt Nam lại phải chạy theo để điều chỉnh. Chính tình trạng vừa làm vừa điều chỉnh, vừa làm vừa sửa sai là nguyên nhân khiến dự án nhiều lần phải xin điều chỉnh vốn, kéo dài thời gian thực hiện gây lãng phí, tốn kém. Chi phí phát sinh thậm chí còn cao hơn cả chi phí chính thức.''

Ông Cường nhấn mạnh, qua bài học đường sắt Cát Linh - Hà Đông buộc các nhà quản lý phải đặc biệt quan tâm tới các điều kiện, dịch vụ đi kèm với nguồn vốn được vay. Nhất là tính chặt chẽ, tính khả thi của nguồn vốn đó so với yêu cầu có tạo ra một sản phẩm như chúng ta mong muốn hay không.

Trả lời về việc liệu chúng ta có tránh được vết xe đổ nói trên nếu cơ chế, cách thức đầu tư vẫn như hiện nay hay không, ĐBQH Hoàng Văn Cường nhận định:

''Tôi không có ác cảm với riêng nguồn vốn từ Trung Quốc hay của bất kể nước nào. Vấn đề tôi nhấn mạnh là chúng ta phải làm tốt, làm chặt ngay từ đầu. Không riêng với nguồn vốn nước ngoài, ngay cả nhiều dự án trong nước hiện chúng ta cũng chỉ tính được nguồn vốn trong giai đoạn rất ngắn.

Tức là mới chỉ tính được nguồn vốn ban đầu để đầu tư cho dự án đó là bao nhiêu, đầu tư như thế nào mà chưa tính được nguồn vốn khi đưa vào thực hiện, vận hành toàn dự án đó ra sao?.

Vì vậy mà khi đầu tư xong, dự án được đưa vào sử dụng đã không thể phát huy được hiệu quả như chúng ta mong muốn. Hạn chế đó, điểm yếu đó, kẽ hở đó cần phải được khắc phục ngay trong các phương án đầu tư cũng như các phương án kêu gọi huy động vốn thời gian tới.''

Quá nhiều tai tiếng

Trong trường hợp nước ta vẫn quyết làm đường cao tốc Bắc - Nam và phải đi vay, nên tính toán phương án vay vốn thế nào, vay của ai, trong bối cảnh Pháp và nhiều nước Châu Âu cũng đã đặt vấn đề đầu tư cao tốc ở Việt Nam, ông Cường  cho rằng:

Trước hết chúng ta phải đồng ý với nhau rằng, những dự án sử dụng nguồn vốn ODA của Việt Nam trong thời gian vừa qua nhìn chung là phát huy tốt. Tuy nhiên, vẫn có những dự án thường xuyên phải thay đổi tổng dự toán, thay đổi thiết kế, thay đổi kỹ thuật. Chính những dự án đó là nguyên nhân gây ra những mất cân đối cho nền tài chính, kinh tế của nước ta.

Nếu một dự án được chuẩn bị kỹ càng ngay từ đầu, bao gồm từ khâu chuẩn bị vốn cho tới khâu kỹ thuật, thiết kế, rồi tới việc thực hiện các cam kết giàng buộc liên quan khác... sẽ giúp chủ động cân đối được nguồn vốn đối ứng trong nước cũng như chủ động tính toán được tổng nợ trong nước phải vay để thực hiện dự án đó.

Tuy nhiên, do có sự chuẩn bị không kỹ nên khi triển khai rồi mới phát sinh nhiều vấn đề. Vì cứ có vấn đề phát sinh thì lại phải chạy theo để điều chỉnh mới dẫn tới dự án bị kéo dài thời gian, bị đội vốn.

''Vì vậy, tôi luôn nhấn mạnh vấn đề của Việt Nam là phải lựa chọn cho được những nhà cung cấp vốn có kinh nghiệm, có trình độ, có thế mạnh trong lĩnh vực đó. Đồng thời, họ cũng phải khẳng định được uy tín, trách nhiệm tới cùng với dự án khi quyết định cho vay.

Nếu nhìn lại lịch sử các dự án sử dụng vốn ODA tại Việt Nam, Trung Quốc không thuộc những nhà đầu tư được ưu tiên lựa chọn hàng đầu do những bất cập liên quan như đã phân tích. Thực tế cũng chứng minh, ở hầu hết các dự án ODA Trung Quốc được đầu tư vào Việt Nam chưa có một dự án nào không có vấn đề phát sinh. Hơn nữa, Trung Quốc cũng không phải là đất nước có thế mạnh trong phát triển, xây dựng cao tốc đường bộ tốt nhất thế giới.

Như vậy, nếu thực hiện dự án theo hình thức xã hội hóa khi đó các nhà đầu tư sẽ là người quyết định cách thức huy động vốn. Tuy nhiên, Chính phủ và Quốc hội cũng sẽ có ý kiến về từng vấn đề cụ thể về chủ trương đầu tư, đánh giá tính khả thi, tính hiệu quả cũng như tác động của dự án đối với nền kinh tế, xã hội.'' ĐBQH Hoàng Văn Cường lưu ý.

Hà Lan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI