Đề nghị công an triệt phá đường dây bóc lột lao động trẻ em trái pháp luật

15/05/2017 - 09:02

PNO - Từ thông tin của báo Phụ Nữ, Cục trưởng Cục bảo vệ trẻ em (BVTE) - Bộ LĐ-TB-XH yêu cầu các cơ quan chức năng phải rà soát lại ngay, nếu có đủ chứng cứ, phải khởi tố theo quy định của pháp luật.

Ngày 13/5, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục bảo vệ trẻ em (BVTE) - Bộ LĐ-TB-XH đã làm việc với Trung tâm Công tác xã hội trẻ em, Phòng Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM) về vấn đề BVTE trên địa bàn.

De nghi cong an triet pha duong day boc lot lao dong tre em trai phap luat
Một nhóm LĐ “nhí” vật vờ trong cơ sở số 52/2 đường số 15 phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân.

Liên quan đến loạt bài “Bóc lột lao động trẻ em diễn ra từng ngày” (báo Phụ Nữ các ngày 3, 5 và 8/5/2017), ông Nam cho biết, ngày 10/5, Cục BVTE đã có công văn số 229/BVCSTE-BVTE đề nghị Sở LĐ-TB-XH TP.HCM và tỉnh Đăk Lăk xác minh việc bóc lột lao động trẻ em (LĐTE) báo Phụ Nữ đã nêu.

Đồng thời, đề nghị các đơn vị liên quan có biện pháp can thiệp, hỗ trợ các trường hợp LĐTE trái quy định pháp luật và báo cáo kết quả giải quyết về Cục BVTE trước ngày 26/5/2017.

“Cục đã phát hiện và chỉ đạo Đăk Lăk và TP.HCM phối hợp giải quyết tình trạng đưa LĐTE ở Đăk Lăk xuống TP.HCM làm việc từ năm 2014 đến nay, nhưng do sự phối hợp của các bên chưa hiệu quả, cách xử lý chưa đến nơi đến chốn, chưa đủ sức răn đe những kẻ bóc lột LĐTE”, ông Nam cho biết.

Theo ông Nam, từ đầu năm 2017, việc đưa LĐTE từ Đăk Lăk xuống TP.HCM đã có dấu hiệu gia tăng trở lại. Từ thông tin của báo Phụ Nữ, các cơ quan chức năng phải rà soát lại ngay, nếu có đủ chứng cứ, phải khởi tố theo quy định của pháp luật.

“Trẻ em từ tỉnh bạn bị đưa vào TP.HCM lao động ở các đơn vị gia công nhỏ lẻ, tham gia phục vụ các nhà hàng, quán ăn là chính. Mặt hàng các em làm ra chủ yếu được bán ở chợ chứ không phải mặt hàng xuất khẩu… Cơ quan công an cần vào cuộc để làm rõ hoạt động của các đối tượng đưa trẻ em đi làm việc trái pháp luật”, ông Nam nhấn mạnh.

De nghi cong an triet pha duong day boc lot lao dong tre em trai phap luat
Các em nhỏ làm việc ở cơ sở 557/60/47 Hương Lộ 3 bỗng dưng biến mất sau hai ngày.

Loạt bài “Bóc lột lao động trẻ em diễn ra từng ngày” đề cập một số đối tượng đã đến các buôn làng ở tỉnh Đăk Lăk dụ dỗ, lôi kéo nhiều trẻ em xuống TP.HCM làm việc thông qua “thỏa thuận học nghề”. Khi đến TP.HCM, các em phải làm việc cực nhọc với thời gian hơn 10 giờ/ngày, nhưng chỉ được trả lương 15 triệu đồng/năm.

Nhiều em không chịu đựng được sự bóc lột, đánh đập đã bỏ việc về quê. Trong loạt bài, báo Phụ Nữ đã đề cập đến đường dây của bà Nguyễn Thị Khang (SN 1958, quê Bắc Ninh, trú tại 77/29 đường số 9, KP.12, P.Bình Hưng Hòa) đưa hàng chục trẻ em từ xã Hòa Phong, huyện Krông Bông, tỉnh Đăk Lăk) xuống TP.HCM làm việc. Trong số các lao động “nhí” bị bà Khang dụ dỗ, nhiều em chưa đủ 15 tuổi.

Ngày 11/5, bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở LĐ-TB-XH chủ trì, phối hợp với UBND Q.Bình Tân và Q.Bình Thạnh khẩn trương kiểm tra làm rõ nội dung báo phản ánh, giải quyết theo đúng quy định pháp luật, báo cáo kết quả giải quyết cho Thường trực UBND TP.

Sắp có Tổng đài quốc gia BVTE sử dụng số điện thoại ba số

Theo thông tin từ Cục BVTE, ngày 9/5 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành nghị định 56/2017/NĐ-CP “quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em”. Tại mục 1, chương 3 của nghị định quy định: “Tổng đài điện thoại quốc gia BVTE hoạt động 24 giờ tất cả các ngày, được Nhà nước bảo đảm nguồn lực hoạt động; được sử dụng số điện thoại ngắn ba số, không thu phí viễn thông và phí tư vấn đối với người gọi đến...”. 

Như vậy, ngoài ba tổng đài có ba số hiện tại (113 - công an, 114 - cứu hỏa, 115 - cấp cứu), sắp tới sẽ có thêm một tổng đài mới do Bộ LĐ-TB-XH quản lý để tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em.

Phát hiện bóc lột Trẻ em ở TP.HCM phản ánh ở đâu?

Đại diện Trung tâm Công tác xã hội trẻ em TP.HCM cho biết, khi người dân phát hiện trường hợp trẻ em bị bạo hành, bóc lột, xâm hại… có thể gọi điện đến tổng đài 113 để phản ánh.

Ngoài ra, người dân còn có thể gọi đến tổng đài 1900545559 (Trung tâm Công tác xã hội trẻ em TP.HCM) và 18001567 (Cục BVTE). Mặt khác, người dân còn có thể phản ánh trực tiếp đến cơ quan chức năng cấp xã (phường) nơi xảy ra vụ việc. 

Nghi Anh - Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI