ĐBQH lo ngại nhiều người không dám đi tố cáo vì sợ 'xã hội đen, giang hồ' xử lý

16/06/2017 - 17:20

PNO - ĐB Trần Hồng Nguyên (đoàn Bình Thuận) cho biết, vừa qua tình hình khiếu nại tố cáo ở nhiều địa phương rất phức tạp, thậm chí có những trường hợp sử dụng cả “xã hội đen, giang hồ” để đe dọa người tố cáo…

Chiều 16/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Là người phát biểu đầu tiên, ĐB Trần Xuân Hùng (đoàn Hà Nam) đề nghị Ban soạn thảo dự luật này bổ sung hình thức tố cáo qua thư điện tử, điện thoại… bên cạnh các biện pháp tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp.

Theo ĐB, việc chấp nhận đơn thư tố cáo qua email điện tử, fax… là cần thiết trong bối cảnh bùng nổ của công nghệ thông tin hiện nay, nhất là nhiều người muốn tố cáo nhưng không dám đi tố cáo trực tiếp vì sợ bị trù dập, đe dọa. Hơn nữa, dù là tố cáo qua điện tử nhưng nếu cần các cơ quan chức năng vẫn hoàn toàn có thể truy ra được nguồn gốc người gửi đơn tố cáo này.

DBQH lo ngai nhieu nguoi khong dam di to cao vi so 'xa hoi den, giang ho' xu ly
ĐBQH Trần Hồng Nguyên thảo luận tại hội trường Quốc hội.

Đồng quan điểm, ĐB Trần Hồng Nguyên (đoàn Bình Thuận) cho rằng, nếu không chấp nhận hình thức tố cáo qua các phương tiện thông tin phổ biến hiện nay như bản fax, email điện tử, điện thoại, mạng thông tin điện tử… thì nguồn tin chúng ta nhận được không đầy đủ, chưa kịp thời, số cán bộ công chức vi phạm pháp luật bị xử lý không đầy đủ.

“Trong điều kiện hiện nay, nếu hệ thống tiếp nhận tố cáo của nhà nước không phát huy được tác dụng thì những người tố cáo dễ dàng đưa nội dung tố cáo đó lên mạng xã hội hay các trang web không chính thức. Hơn nữa các hình thức tố cáo này đã được Luật phòng chống tham nhũng quy định và cũng phù hợp với quan điểm chỉ đạo được nêu trong chỉ thị số 50 ngày 17/12/2015 của Bộ Chính trị” - ĐB đoàn Bình Thuận phân tích.

Trên cơ sở đó, ĐB Trần Hồng Nguyên nhấn mạnh quan điểm, vấn đề Luật tố cáo (sửa đổi) cần giải quyết là đưa ra được quy trình, thủ tục riêng biệt, tương ứng với tính đặc thù của từng hình thức tố cáo để có các biện pháp xử lý thông tin kịp thời, phù hợp chứ không nên hạn chế các hình thức tố cáo.

Về tố cáo nặc danh, ĐB Trần Hồng Nguyên đồng tình nguyên tắc không xem xét giải quyết với đơn tố cáo nặc danh, song cũng còn băn khoăn. Theo ĐB vừa qua tình hình khiếu nại tố cáo ở một số địa phương rất phức tạp, thậm chí có những trường hợp sử dụng cả “xã hội đen, giang hồ” để đe dọa người tố cáo, trong khi đó việc bảo vệ người khiếu nại tố cáo hiện nay còn khá hạn chế.

Vì thế, ĐB Nguyên đề nghị có quy định cơ chế đặc thù với một số trường hợp được phép tiếp nhận giải quyết đơn tố cáo nặc danh, chẳng hạn chấp nhận giải quyết với trường hợp tố cáo nặc danh nhưng cung cấp được nội dung, tài liệu, chứng cứ một cách rõ ràng, có căn cứ.

Trong khi đó, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội trước khi bước vào phiên thảo luận nội dung này, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam Phan Việt Cường nêu quan điểm ngược lại, rằng cần có chế tài bảo vệ người tố cáo nhưng nếu vì thế mà chấp nhận giải quyết cả đơn tố cáo nặc danh thì đơn thư tố cáo sẽ tràn lan.

“Chúng ta có hệ thống chính quyền từ trung ương đến địa phương. Nếu người tố cáo bị trù dập, bị gây khó khăn hoặc bị trả thù thì đã có chính quyền, có lực lượng công an, các cơ quan tổ chức có trách nhiệm bảo vệ. Còn nếu Luật tố cáo (sửa đổi) quy định giải quyết đơn tố cáo nặc danh thì sắp tới đơn thư tố cáo sẽ tràn lan, không lực lượng nào giải quyết xuể” – ông Cường chỉ ra.

DBQH lo ngai nhieu nguoi khong dam di to cao vi so 'xa hoi den, giang ho' xu ly
ĐBQH Phan Việt Cường.

Từng nhiều năm làm Chánh Thanh tra tỉnh, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy và hiện là Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam, ĐB Phan Việt Cường phân tích thêm, công dân có quyền tố cáo nhưng phải có trách nhiệm với lời tố cáo của mình, phải xác định được thông tin mình cung cấp là thông tin mình có chứng kiến. Với cơ quan chức năng có thẩm quyền, các đơn tố cáo này là các thông tin cần nghiên cứu, có thể đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra.

Ngoài ra, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cũng cho rằng, nếu bổ sung thêm vào dự án Luật tố cáo (sửa đổi) các hình thức tố cáo qua bản fax, email, điện thoại, qua mạng thông tin điện tử… như một số ĐBQH đã góp ý trước đó, thì khó khả thi. “Nếu quy định như vậy, sẽ có nhiều người mạo danh, lợi dụng, tạo ra những email, chat điện tử để gửi đơn tố cáo gây khó khăn cho cơ quan nhà nước khi tiến hành thẩm tra, xác minh” – ĐB Phan Việt Cường nói.

Một điểm mới nữa trong dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi) là đã bổ sung nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay đã nghỉ hưu, đã chuyển công tác hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức. Đồng tình với quy định này, ĐB Phan Việt Cường nhấn mạnh, cán bộ, lãnh đạo về hưu cũng phải xử lý chứ không phải “hạ cánh xuống là an toàn”.

Vũ Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI