Dạy học không sách giáo khoa, được không?

27/03/2019 - 06:34

PNO - Tại sao, nhà quản lý không hỏi những nhà giáo tiến bộ rằng, họ có cần sách giáo khoa khi đứng lớp?

Ngày càng nhiều quốc gia, trường học quốc tế hạn chế dần sử dụng sách giáo khoa vì tuổi thọ ngắn ngủi của những kiến thức “cứng” in trong sách, thì ngành giáo dục trong nước đang dồn lực để biên soạn sách giáo khoa mới thay thế cho bộ sách hiện hành của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Sách cũ hạn chế, gây lãng phí lớn. Cũng chưa ai dám tin sách mới sẽ ưu việt hơn, dù cũng tiêu tốn những khoản đầu tư không nhỏ. Vậy, tại sao, nhà quản lý không hỏi những nhà giáo tiến bộ rằng, họ có cần sách giáo khoa khi đứng lớp?

Bài 1: ĐỔ TIỀN TỶ ĐỂ LÀM SÁCH GIÁO KHOA LẠC HẬU

Những bộ sách cũ kỹ

“Khi tôi dự giờ một đồng nghiệp trẻ dạy bài “Các mỏ khoáng sản” (địa lý), cô miệt mài giảng nước ta có bao nhiêu mỏ khoáng sản, kể tên vanh vách từng địa phương giàu khoáng sản, quặng mỏ theo bản đồ phân bố khoáng sản in trong sách giáo khoa (SGK). Tôi giật mình với những kiến thức này bởi những địa phương đó có quặng mỏ đã là chuyện của nhiều năm trước.

Day hoc khong sach giao khoa, duoc khong?
Ảnh: Phùng Huy

Hiện nay, những mỏ này đã khai thác cạn kiệt, thậm chí có nơi đã ngừng khai thác lâu rồi; báo chí viết, Google có thông tin nhưng cô vẫn hồn nhiên dạy theo kiến thức trong sách - “kim chỉ nam” đã sớm lạc hậu trong thế giới thay đổi từng ngày”, bà Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục Microsoft kể.

Bằng kinh nghiệm của một trong những nhà giáo đi đầu trong dạy học theo dự án, bà Quyên khẳng định: “Thông tin mỗi ngày trôi qua sẽ trở thành lạc hậu. Vì thế, SGK cũng có tuổi thọ rất ngắn. Cũng như vai trò của giáo dục không chỉ để cung cấp kiến thức mà phải trang bị cho người học kiến thức phổ thông nền tảng (nên tới lớp Chín) và phương pháp để người học phát triển kiến thức nền tảng đó thành tư duy thực hành. Tôi không hiểu vì sao phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để làm sách giáo khoa, rồi mỗi năm lỗ thêm vài chục tỷ đồng tiền in sách. Tại sao phải đầu tư số tiền khủng để viết ra những cuốn sách - biết chắc sẽ lạc hậu?”.

Theo danh mục do NXB Giáo dục Việt Nam cung cấp, số lượng SGK cho lớp Một, Hai, Ba là sáu cuốn; lớp Bốn, Năm là chín cuốn. Ở cấp THCS, học sinh lớp Sáu, Bảy dùng 12 cuốn; lớp Tám, Chín dùng 13 cuốn. Đối với cấp THPT, chương trình chuẩn có 14 cuốn SGK, chương trình nâng cao 10 cuốn. Chưa kể, thông thường người học còn phải mua sách tham khảo, sách bài tập kèm theo. Mỗi bộ sách có giá hơn 45.000 đồng đến hơn 150.000 đồng.

Nhiều giáo viên tham gia dự án dạy học không SGK của Tổ chức giáo dục Innedu chia sẻ: ngoại trừ kiến thức khoa học cơ bản không thay đổi, phần lớn kiến thức mà học sinh đang học ở trường phổ thông đều có giá trị hữu hạn, tuổi thọ ngắn nhất là sách về địa lý tự nhiên, xã hội, công nghệ. Vì vậy, loay hoay làm SGK là câu chuyện lãng phí cả thời gian và tâm huyết của người làm nghề. Giáo viên có năng lực không cần “ôm” SGK, công cụ tìm kiếm rất nhiều, người thầy có thể tham khảo, đối chiếu cùng chủ đề đó từ nhiều nguồn SGK, tài liệu của các nước. 

Cùng quan điểm này, bà Tô Thụy Diễm Quyên nhấn mạnh: giáo viên thời kỷ nguyên số mà nói không có SGK không dạy được thì không nên đứng lớp nữa. Tại sao chúng ta phải dựa vào thứ đã và sẽ lạc hậu làm kim chỉ nam? Người thầy không cần SGK để đứng lớp. Thứ chúng tôi cần là một chương trình khung khoa học thật hoàn chỉnh, mục tiêu giáo dục là gì và tiêu chí đánh giá của nền giáo dục ấy. Với những định hướng rõ ràng, giáo viên sẽ có công cụ để dạy học mà không cần SGK, hạn chế rất nhiều kinh phí tiêu tốn cho việc biên soạn và xuất bản sách, nhất là tốn tiền làm ra những quyển sách có “sạn”. 

Các giáo viên rỉ tai nhau, nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam cũng rất “chịu khó” đính chính và tái bản SGK. Tháng 11/2017, NXB Giáo dục Việt Nam sửa sai sách Tiếng Việt lớp Bốn, tập 1 khi sách giáo viên sử dụng ghi “Trần Thái Tông”, sách của học sinh lại là “Trần Nhân Tông” (truyện Ông Trạng thả diều). NXB đã đính chính. Để tránh trường hợp bị sai, cả thầy lẫn trò đều chọn cách mua bản mới nhất. Điều này khiến không ít người đặt câu hỏi tại sao không sửa luôn một lần mà mỗi lần tái bản lại xuất hiện một vài lỗi. Liệu đây có phải “chiêu” để phải mua sách mới hằng năm? 

Vẫn đổ rất nhiều tiền

Nhìn vào lịch sử của SGK - từng được xem là pháp lệnh của ngành giáo dục - sẽ hiểu vì sao SGK lại nhanh chóng rơi vào tụt hậu bởi sự độc quyền đã tồn tại quá lâu. Đến ngày thống nhất đất nước, miền Nam theo chương trình phổ thông 12 năm, miền Bắc là 10 năm. Mỗi miền sử dụng một bộ SGK riêng. Phải đến năm 1979, cải cách giáo dục được tiến hành thống nhất một chương trình phổ thông 12 năm.

Hai năm sau, chúng ta có những cuốn SGK chung đưa vào sử dụng. Kể từ lúc này, khi bắt đầu có bộ SGK thống nhất trên cả nước thì việc biên soạn, xuất bản sách đã được giao cho NXB Giáo dục Việt Nam. Cơ chế độc quyền sản xuất SGK được duy trì quá lâu tất nhiên dễ phát sinh nhiều hệ lụy. Đến nay, mặc dù cả nước có vài NXB được cấp phép có chức năng biên soạn, phát hành SGK, nhưng các bộ sách sử dụng trong nhà trường vẫn chỉ của NXB này.

Day hoc khong sach giao khoa, duoc khong?

Giai đoạn từ 2000-2003, Bộ GD-ĐT thí điểm thay SGK mới. Từ năm học 2002-2003, cả nước thực hiện đại trà SGK mới theo hình thức cuốn chiếu bắt đầu từ lớp Một và lớp Sáu. Bộ sách này được sử dụng đến nay và vẫn như thông lệ,  cũng “made in… NXB Giáo dục Việt Nam”. 

Một nhà giáo thâm niên chiêm nghiệm: “Thế độc tôn trong biên soạn, sản xuất SGK đã dẫn đến sự ỷ y của người làm sách, thiếu cạnh tranh sòng phẳng nên SGK càng chỉnh lý càng bộc lộ hạn chế. Tôi còn nhớ trong những năm 2011-2012, nhiều bất cập trong sách làm dư luận bức xúc như có những nội dung hàn lâm, lạc hậu buộc họ phải thường xuyên thực hiện việc rà soát, chỉnh sửa… Nhưng như chúng ta đã thấy, kết quả là không thể sửa nữa mà phải thay chương trình mới, sách mới”. 

Bộ GD-ĐT từng đưa ra con số kinh phí dự kiến cho dự án đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và SGK là 80 triệu USD (77 triệu USD từ nguồn ODA và 3 triệu USD vốn đối ứng của Chính phủ). Khoản tiền này được chia cho bốn thành phần: hỗ trợ phát triển chương trình (khoảng 20%), hỗ trợ biên soạn và thực hiện SGK theo chương trình mới (khoảng 25%), hỗ trợ đánh giá và phân tích kết quả học tập để liên tục cải tiến chương trình và chính sách giáo dục phổ thông (gần 50%) và quản lý dự án (3%). Số còn lại được đưa vào chi phí dự phòng.

Đó là con số đầu tư để biên soạn ra chương trình, SGK mới, vẫn chưa tính đến con số trên dưới nghìn tỷ đồng mà người học phải tiêu tốn cho việc mua SGK mỗi năm. Một con số khủng để đầu tư vào SGK nhưng liệu đó sẽ là những bộ sách chuẩn? Hay lại đầy lỗi và phải vừa dạy vừa sửa, vừa thêm đủ loại sách tham khảo kèm theo? Nếu không phá thế độc quyền, liệu SGK một lần nữa có tiếp tục song hành cùng câu chuyện siêu lãng phí?

Than lỗ nhưng vẫn muốn đầu tư!

Số lượng SGK in hằng năm thường khoảng 100 triệu bản. Cụ thể, năm 2015, NXB Giáo dục Việt Nam xuất bản hơn 101 triệu bản, năm 2016 gần 109 triệu, năm 2017 hơn 107 triệu và 2018 là 110 triệu bản. Năm nay, cả nước có gần 17 triệu học sinh, tạm tính trung bình mỗi học sinh cần 10,5 bản sách, nếu tất cả dùng SGK mới, số lượng cần in là hơn 170 triệu bản. Trên thực tế, lượng phát hành năm nay đáp ứng 65% nhu cầu sử dụng, với hơn 100 triệu bản, doanh thu từ SGK quá béo bở trong bối cảnh ngành xuất bản đang tuột dốc. 

Nhìn vào thị trường SGK, có lẽ tất cả NXB còn lại đầy ngưỡng vọng đối với đặc ân đãi ngộ mà NXB Giáo dục Việt Nam có được. Những con số doanh thu biết nói, năm 2015, SGK mang lại 656,6 tỷ đồng trong tổng doanh thu 1.041 tỷ đồng (chiếm 63%). Năm 2016, doanh thu từ SGK là 735,2 tỷ đồng, chiếm 65% tổng doanh thu (1.147 tỷ đồng). Con số này năm 2017 là 703,9 tỷ đồng trên tổng doanh thu 1.203 tỷ đồng (chiếm 58%). 

Từ khi thực hiện chính sách một chương trình một bộ SGK, NXB Giáo dục Việt Nam một mình một cõi trong lãnh địa này. Trong 16 năm độc quyền, số năm NXB chịu lỗ không xác định nhưng ba năm gần đây đều báo cáo lỗ. Câu hỏi đặt ra là tại sao lỗ hàng chục tỷ đồng nhưng NXB vẫn làm? Vì sao họ không đề xuất san sẻ nhiệm vụ phát hành SGK sang NXB khác hay yêu cầu được trợ giá? Không những thế, khi chuyển sang thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK, NXB này vẫn chú trọng mảng SGK dù “than” lỗ. Nhiều người thạo chuyện cho rằng, kêu vống lên là thói quen nhưng chắc sẽ khó lòng “thả” thị phần béo bở này cho đơn vị khác.

Trong kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm của NXB Giáo dục Việt Nam gửi Bộ GD-ĐT, đơn vị này đặt mục tiêu chủ trì và tổ chức biên soạn các bộ SGK mới, triển khai đồng bộ sản phẩm sách bài tập, sách tham khảo, sách điện tử, thiết bị dạy học. Họ sẽ hoàn thành cơ bản một bộ SGK nền, đầy đủ từ lớp Một đến lớp 12, gồm sách học sinh, sách bài tập và sách giáo viên. NXB Giáo dục Việt Nam dự kiến đầu tư 150 tỷ đồng vào đề án SGK mới trong giai đoạn 2017-2022. Điều này đồng nghĩa sắp tới, đơn vị này vẫn đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào SGK, dù báo lỗ hàng chục tỷ đồng mỗi năm. 

Theo danh mục do NXB Giáo dục Việt Nam cung cấp, số lượng SGK cho lớp Một, Hai, Ba là sáu cuốn; lớp Bốn, Năm là chín cuốn. Ở cấp THCS, học sinh lớp Sáu, Bảy dùng 12 cuốn; lớp Tám, Chín dùng 13 cuốn. Đối với cấp THPT, chương trình chuẩn có 14 cuốn SGK, chương trình nâng cao 10 cuốn. Chưa kể, thông thường người học còn phải mua sách tham khảo, sách bài tập kèm theo. Mỗi bộ sách có giá hơn 45.000 đồng đến hơn 150.000 đồng.

Bản thảo sách giáo khoa mới dự kiến dạy thực nghiệm trong năm học 2019-2020

Tại buổi họp báo của Bộ GD-ĐT ngày 26/3, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ phó Vụ Giáo dục trung học, cho biết trong vài ngày tới, bộ sẽ có thư mời những người quan tâm và tuyển đội ngũ chủ biên, tác giả biên soạn bộ SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Sau đó, bộ sẽ tổ chức những buổi tấp huấn cụ thể.

SGK lớp Một sẽ được chú trọng để kịp triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với khối lớp này vào năm 2021. Sau khi biên soạn, bản thảo sách được đưa vào thực nghiệm ở một số trường phổ thông khi hết học kỳ I năm học 2019-2020. Nội dung sách sẽ có phần theo xu hướng quốc tế, như: bình đẳng giới, chống định kiến, giáo dục tài chính...

Chương trình giáo dục phổ thông mới được bộ công bố trước đó, chia thành hai giai đoạn: giáo dục cơ bản (từ lớp Một đến lớp Chín) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến 12).

Bộ sẽ thực hiện chương trình mới theo từng lớp. Năm học 2020-2021 áp dụng với lớp Một; năm học 2021-2022 đối với lớp Hai và Sáu; năm học 2022-2023 đối với lớp Ba, Bảy và 10; năm học 2023-2024 đối với lớp Bốn, Tám và 11; năm học 2024-2025 đối với lớp Năm, Chín và 12.

Thanh Thanh

Bài 2: Chúng tôi không cần sách giáo khoa

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI