Đất nông nghiệp TP.HCM giảm trên 500ha/năm do đô thị hóa

26/11/2019 - 09:47

PNO - Tình trạng đất sản xuất nông nghiệp tiếp tục giảm do quá trình đô thị hóa ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp.

Ngày 26/11, báo cáo đề dẫn tại chương trình lãnh đạo thành phố gặp gỡ, đối thoại với cán bộ, hội viên nông dân năm 2019 do Thành ủy TP.HCM tổ chức, Ban thường vụ Hội Nông dân TP.HCM cho biết, thành phố hiện có 114.580ha đất nông nghiệp, chiếm 54,68% tổng diện tích tự nhiên.

Dat nong nghiep TP.HCM giam tren 500ha/nam do do thi hoa
Lãnh đạo TP.HCM gặp gỡ, đối thoại với cán bộ, hội viên nông dân năm 2019 sáng 26/11. Ảnh: Quốc Ngọc

Trong đó, đất sản xuất nông nghiệp là 66.001,8ha, đất lâm nghiệp 35.684,6ha, đất nuôi trồng thủy sản 10.798,5ha, đất làm muối 1.708,9 ha và 386,2ha đất nông nghiệp khác. Hàng năm, diện tích đất nông nghiệp giảm trên 500ha để phục vụ quá trình đô thị hóa.

Trên địa bàn thành phố hiện có 52.593 hộ có hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và diêm nghiệp. Năng suất lao động trong lĩnh vực nông nghiệp tăng trưởng ổn định, mức bình quân 5,5%/năm giai đoạn từ 2011-2016 và các năm gần đây đạt mức tăng trưởng bình quân 6%/năm. Năm 2018, đóng góp của ngành nông nghiệp cho GRDP của thành phố đạt ở mức 0,7%/năm, đóng góp số tuyệt đối gần 21 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh kết quả đạt được, Hội Nông dân thành phố nêu lên những tồn tại, hạn chế. Công tác quy hoạch trên địa bàn thành phố còn những khó khăn cho người dân trong thực hiện quyền dân sinh.

Sự chồng chéo giữa Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Đất đai làm cho người dân chưa thực hiện được đầy đủ các quyền như chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, không thể xây dựng công trình trên đất nông nghiệp và không xin được chứng nhận Vietgap do không quy hoạch vùng sản xuất tại một số quận và hai huyện Cần Giờ, Nhà Bè.

Trong đó, tại Cần Giờ đã hơn 10 năm nhưng vẫn còn 968 hộ dân/1.280 hộ tại các khu vực sạt lở ven sông, ven biển vào tái định cư tại khu dân cư Cọ Dầu (xã Bình Khánh) và khu dân cư Cá Cháy (xã An Thới Đông) chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Công tác đền bù giải tỏa gặp khó khăn, do chênh lệch giá đền bù của thành phố thấp so với giá chuyển nhượng đất trên thị trường hàng chục lần, làm cho việc khiếu nại diễn biến phức tạp và hộ nông dân không đủ nguồn lực để tái định cư, tái sản xuất.

Bên cạnh đó, nhiều dự án đã đền bù, giải tỏa nhưng không thực hiện mà để đất hoang vừa gây lãng phí đất sản xuất nông nghiệp vừa là nơi gây dịch bệnh từ muỗi, chuột, bọ, sâu, rầy.

Việc phát triển hợp tác xã (HTX), nhất là HTX nông nghiệp tiên tiến, hiện đại chưa đạt theo yêu cầu. Sự liên kết giữa người dân với doanh nghiệp, HTX với doanh nghiệp còn hạn chế. Gần phân nửa diện tích trụ sở của HTX (49,9%) đang phải thuê, mượn của người dân hoặc được chính quyền địa phương cho mượn tạm.

Việc vay vốn để mở rộng sản xuất của các HTX gặp nhiều khó khăn do không có tài sản thế chấp và do định giá đất nông nghiệp thấp nên số tiền được duyệt vay không đủ đầu tư sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Năng lực quản lý điều hành của thành viên hội đồng quản trị, ban giám đốc, kế toán trưởng các HTX còn hạn chế, gặp khó khăn khi tham gia vào kinh tế thị trường.

Cuối cùng, tình trạng đất sản xuất nông nghiệp tiếp tục giảm do quá trình đô thị hóa ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp.

Dat nong nghiep TP.HCM giam tren 500ha/nam do do thi hoa
Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm đồng chủ trì chương trình do Thành ủy TP.HCM tổ chức. Ảnh: Quốc Ngọc

Ngoài ra, một số doanh nghiệp, HTX, hộ dân đang có nhu cầu xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, như: nhà lưới, chuồng, trại chăn nuôi; nhà kho để vật tư, nông sản, nhà sơ chế, chế biến sản phẩm.

Tuy nhiên, do vướng quy định chỉ được xây dựng các công trình trên đối với “đất nông nghiệp khác” nên các công trình phụ trợ này chưa được cấp phép xây dựng. Một số HTX hoạt động có hiệu quả, muốn mở rộng quy mô sản xuất nhưng khó khăn.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI