Đánh cược với bình yên

28/03/2018 - 16:32

PNO - Họ đã chết ngay trong ngôi nhà mình, dù một chung cư cao cấp hay một chỗ trọ tồi tàn ở thành phố này, cũng đều phải đặt cược hai chữ bình yên sau một ngày quần quật mưu sinh.

Bà Phạm Thị Hoa níu áo tôi: “Ngồi đây cháu”. Gương mặt người đàn bà ở vùng cát Dung Quất, Quảng Ngãi sạm đen, lấm tấm mồ hôi, vết chân chim  như vừa vắt ngang từ hôm kia dưới hai con mắt buồn khôn tả sau cú điện thoại thất thanh của con gái có chồng ở Q.9, TP.HCM: “Má ơi, chị Hương ở chỗ cháy đó, mà sao không liên lạc được”.

Danh cuoc voi binh yen
Vụ cháy chung cư Carina Plaza khiến 13 người tử vong cùng hàng chục người khác đang phải điều trị

Tôi ngồi xuống, mắt cũng kịp nhìn suốt gian phòng lạnh ngắt, điện sáng mà như chập chờn ma trơi; mùi tử khí, mùi dầu, mùi giấy, mùi hương tẩm hóa chất, cả mùi nến leo lắt, quyện với tiếng rì rầm và nhịp mõ. Tôi ngó trần nhà màu xám áp xuống. Dưới nền, gạch hoa thập niên 70-80 thế kỷ trước trầy trụa, ố vàng, mòn nhẵn, hắt lên. Ở giữa là quan tài, không chỉ một chiếc mà là 11 chiếc.

Chiều rồi, phố vẫn ầm ầm người xe, nhưng bước vào đây - nhà tang lễ của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Q.5, TP.HCM - chỉ cần lách chân ra cánh cửa cũ, thế giới hỗn độn của người sống vụt tắt, chỉ còn cái nhìn mờ đục, buồn câm, lạnh không buốt mà cứ tê tê, say say kẻ những vệt dài ngang dọc. Một giây nhắm mắt, tôi như thấy những bước chân đi ra từ quan tài, đong đưa, cao thấp, dán xuống nền và kéo lê kẽo kẹt…

 “Kia là ba đứa em nó” - bà Hoa chỉ tay chỗ ba cô gái chít khăn tang đang sụp lạy trước linh sàng. Dân vùng Bình Đông, Bình Sơn, Quảng Ngãi, đoạn cuối giáp vịnh Dung Quất, trước khi nhà máy lọc dầu ra đời, nam nữ thanh niên có sức là bươn đi Sài Gòn, chứ ở quê đánh vật với cát, chỉ có thoi thóp. Chị Nguyễn Thị Thùy Hương là con gái đầu, nay đã 41 tuổi, vô Sài Gòn hơn 20 năm, tất tả mưu sinh, kịp có gia đình, có được mụn con là Đỗ Nguyễn Hương Nhi, nay đang học lớp Mười, tá túc ở chung cư Carina, Q.8.

Danh cuoc voi binh yen
Các nạn nhân bị thương đang được điều trị tại bệnh viện sau vụ cháy kinh hoàng

Chị Hương nằm đó, kế bên là quan tài con gái, cách nhau một bức tường, người ta chia ô ra để liệm, quàn. Tôi nhìn hai di ảnh mẹ con, hai quan tài cách nhau chừng năm bước chân, chợt dậy lên ý nghĩ: lâu nay người ta hay nói, kẻ sống người chết là âm dương cách biệt, nhưng sao mẹ con chị, mất đi cùng một lúc, giờ quá xa xôi, chị không thể đưa tay quờ ôm lấy con, bé cũng không thể dụi mặt vào lòng mẹ… 

Tiếng  nấc của bà kéo tôi về giữa chập chờn lạnh lẽo: “Bữa đó, nghe điện là vợ chồng cô đóng cửa, gom được ít tiền, vô đây ngay. Một ngày trời tìm con, săm soi từng ngóc ngách chung cư, mấy đứa con chạy khắp nhà xác các bệnh viện mà không có, điện thoại cho nó thì không được.

Cháu biết không, vì gọi không được nên cô hy vọng, biết đâu con và cháu mình bị sặc khói hôn mê, được người ta đưa đi cấp cứu. Có một ông đi tìm con và cháu chết, ổng bồng đứa cháu úp lên bụng một phụ nữ, nói đây là con và cháu mình, rồi tắm rửa, thay đồ cho họ. Một đêm, cô thức trắng. Biết tìm đâu con cháu ở đất này. Sáng hôm sau, ông kia đến, nói “đêm qua con gái tôi báo mộng, cái xác đó không phải là con tôi, cả cháu nữa”. 

Danh cuoc voi binh yen
Anh Lê Phan Trọng Nhân đang nằm điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy - người mất đi vợ con và em vợ trong vụ cháy chung cư Carina

Chi tiết này, bà nghe mấy người ở đó nói lại. Biết bà thất thểu vô hồn đã hai ngày, họ an ủi và nói rằng, thử tới coi có phải con chị không. Bà bươn ngay tới và sụp xuống ngất xỉu bên xác con cháu. Hóa ra, con gái ông kia nằm dưới xác con bà. Bây giờ, con và cháu nằm đó, chờ ngày đưa đi hỏa táng. “Cô và chú rồi sẽ tính, sau này đưa cốt mẹ con nó về thờ phụng”. Nước mắt lăn dài không dứt. Ở nhà tang lễ, người ta lo trọn gói. “Cơm cúng họ cũng lo. Cô không nấu được chén cơm cho con ăn, đau đứt ruột cháu ơi”. Bà quay mặt đi, nức nở.

Bà nói  với  tôi rằng, vừa thuê thầy cúng cầu hồn của con và cháu, từ chung cư trên về đây, chứ nó vất vưởng, đâu có chịu về. Tôi  lạc vào cầu thang ngùn ngụt khói, tiếng kêu thét vô vọng; những quằn quại tức tưởi, những ùn ứ dồn đống của 13 con người, chỉ cần bước một bước là tới cõi sống, nhưng thần chết đã khóa cửa. Bây giờ nói về họ, cũng như bà, chỉ có người thân với xót xa, tan nát và uất nghẹn. Ông Lê Văn Ngà - ngụ trên đường Phạm Hùng, Q.8, TP.HCM - chỉ đủ sức thốt lên một lời: “Tôi mất một lúc tất cả con trai, con dâu và cháu. Lại còn có một người em của con dâu cũng mất, đau lòng quá, trời ơi!”. 

Vòng xoay của tan nát đớn đau cứ quay tiếp ở những người như anh Đỗ Quang Bảo Long - 37 tuổi, vừa mất đi ba người thân là mẹ vợ, vợ và cô con gái 2 tuổi. Giờ anh nằm điều trị ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, thả cái nhìn thất lạc lên trần trắng của bệnh viện, không buồn nói một câu, chỉ khóc.

Danh cuoc voi binh yen
Xe tang đưa vợ con và em vợ anh Nhân "ghé thăm" nhà lần cuối tại chung cư Carina trước khi được đưa về quê an táng trong nước mắt của người dân nơi đây

Ở  Bệnh viện Chợ Rẫy, anh Lê Phan Trọng Nhân đã có dấu hiệu hồi phục sau hôn mê, nhưng vợ con và em vợ của anh đã vĩnh viễn lìa xa. Rồi còn nữa, còn nữa,  nỗi ám ảnh dai dằng sẽ theo đuổi người thân, cư dân ở đó. Đám cháy đã tắt, nhưng một ngọn lửa khác không bao giờ dập tắt được, đó là ngọn lửa âu lo: sống ở đâu là bình yên? 

Họ đã chết ngay trong ngôi nhà mình, dù một chung cư cao cấp hay một chỗ trọ tồi tàn ở thành phố này, cũng đều phải đặt cược hai chữ bình yên sau một ngày quần quật mưu sinh. Trách nhiệm, sự hối hận, lời xin lỗi lúc này, dù có sớm bao nhiêu đi nữa, cũng đã muộn màng và vô nghĩa, bởi 13 con người hồn xác đã lìa nhau. 

Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI