Dân mạng rần rần tranh cãi chuyện ‘xe cấp cứu từ thiện bị bắn tốc độ’

07/06/2019 - 16:34

PNO - “Loa loa loa, chuyện lạ có thật. Xe cấp cứu chuyển bệnh từ thiện bị chụp hình, có thơ mời đến tận giường. Bây giờ gọi xe này là xe gì cho đúng đây?’. Status vừa đăng trên Facebook lập tức đươc chia sẻ, tạo nhiều tranh luận

Dan mang ran ran tranh cai chuyen ‘xe cap cuu tu thien bi ban toc do’
Thông báo của Phòng CSGT đường bộ, Công an tỉnh An Giang, do nickname Tân Tân đăng tải.

Theo hình ảnh do nickname Tân Tân cung cấp, ngày 5/6, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo phường Trung Kiên, huyện Thốt Nốt, TP.Cần Thơ nhận được thông báo của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh An Giang, yêu cầu đến phòng này vào ngày 17/6 “để xử lý vụ việc vi phạm theo quy định pháp luật”.

Thông báo cho biết, hồi 13g11 ngày 3/6, tại KM55+45 Quốc lộ 91, Phòng CSGT đường bộ Công an tỉnh An Giang sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, phát hiện và ghi nhận: xe ô tô biển số 65A-053xx của Ban trị sự Giáo hội Phật giáo phường Trung Kiên (chủ phương tiện) chạy quá tốc độ 20km/h (85/65km/h).

Các thông tin và hình ảnh do nickname trên đăng tải đã được chia sẻ nhanh chóng, tạo ra 2 luồng tranh luận trái chiều. Một số cho rằng thổi phạt là sai; một số cho rằng xe cứu thương cũng phải chạy đúng pháp luật.

Dan mang ran ran tranh cai chuyen ‘xe cap cuu tu thien bi ban toc do’
Hình ảnh chiếc xe bị bắn tốc độ, được nickname Tân Tân đăng trên Facebook.

Trao đổi với Phunuonline, luật sư Nguyễn Thành Công - Giám đốc Công ty luật Đông Phương Luật (quận 1, TP.HCM) - xe cấp cứu là một trong 5 loại xe ưu tiên, không bị hạn chế tốc độ khi đang làm nhiệm vụ.

Tuy nhiên, xe phải đáp ứng một số điều kiện theo quy định pháp luật mới được cấp phép là xe cấp cứu. Mỗi xe được cấp giấy phép riêng hoặc cấp giấy chung cho đội xe của một tổ chức nào đó có chức năng.

Xe cứu thương phải được cấp phép và có bảng, biểu, đèn phù hợp chức năng. Nếu chứng minh xe có giấy phép là xe cứu thương thì không thuộc đối tượng bị xử lý về tốc độ.

Thực tế, có nhiều trường hợp lợi dụng để biến thành xe cứu thương, xe cấp cứu trong khi không được cấp phép.

Dù hoạt động từ thiện, nhân đạo, cũng phải chấp hành đúng pháp luật.

Cũng theo luật sư Công, trong vụ việc cụ thể này, cần thấy đây là thông báo, mời chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện đến giải quyết vi phạm chứ chưa phải là một quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Có nghĩa là, nếu chứng minh được rằng đây là xe cấp cứu và đang làm nhiệm vụ cấp cứu thì có thể được miễn trách nhiệm hành chính.

Khoản 1 và 2, điều 22 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định những xe được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự: xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ; xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường; xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu; xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật; đoàn xe tang.

Các xe ưu tiên khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.

Khoản 11.7, điều 11 Quy chuẩn 41:2016/BGTVT (do Bộ Giao thông Vận tải ban hành) quy định: Xe cứu thương có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu đỏ gắn trên nóc xe; có còi phát tín hiệu ưu tiên.

Khoản 2, điều 5, Nghị định 46/2016/ND9-CP quy định: phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe xe được quyền ưu tiên lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên không đúng quy định hoặc sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp nhưng không còn giá trị sử dụng theo quy định.

Hồ Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI