Đại gia Tiền phối hợp với doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư đường sắt cao tốc: Quá nhiều bài học

04/10/2016 - 11:45

PNO - ''Thời gian vừa rồi doanh nghiệp Trung Quốc đưa qua Việt Nam làm thường là công nghệ cũ, lạc hậu. Nhưng có ai đặt ra câu hỏi tại sao họ làm công nghệ đó với Việt Nam mà những nước khác thì lại không?''.

Tập đoàn Geleximco và Công ty TNHH Hong Kong United Investoer Holding (HUI) vừa đề nghị Bộ Giao thông cho phép tham gia đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông lớn.

Cụ thể, 4 công trình nằm trong tầm ngắm của vị đại gia ''Quê lúa'' Vũ Văn Tiền – Tổng Giám đốc Geleximco và Công ty TNHH Hong Kong United Investoer Holding (HUI) là Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc Nam đoạn Thanh Hóa – Hà Tĩnh và TP.HCM đến Khánh Hòa.

Tiếp đó là dự án đường bộ cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái và dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam. Cuối cùng là dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Hiện tại, chưa rõ tập đoàn Geleximco và HUI muốn tham gia đầu tư ở quy mô nào, nhưng ước tính sơ bộ tổng chi phí đầu tư 4 dự án này có thể lên tới gần 50 tỷ USD.

Thông tin trên đang nhận được rất nhiều sự quan tâm từ phía dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, với tầm cỡ của Geleximco thì việc đầu tư 50 tỷ đô là bất khả thi ngay cả khi hợp tác với HUI. Hơn nữa, Việt Nam đã có quá nhiều bài học khi hợp tác làm ăn với Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng, giao thông.

Dai gia Tien phoi hop voi doanh nghiep Trung Quoc dau tu duong sat cao toc: Qua nhieu bai hoc
Ông Vũ Văn Tiền

Đánh giá thận trọng

Về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Sơn - Đoàn ĐBQH Đà Nẵng cho rằng, Việt Nam cần phải hết sức thận trọng khi hợp tác cùng với các doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông.

Ông Sơn lưu ý, chúng ta đã có quá nhiều bài học hợp tác với Trung Quốc với những hậu quả nghiêm trọng về môi trường hay hiệu quả kinh tế không cao như: dự án thép Formosa Hà Tĩnh, Nhà máy gang thép Thái Nguyên hay đạm Ninh Bình…

Vì vậy, vị ĐBQH này đề nghị xem xét một cách cẩn trọng năng lực chuyên môn cũng như năng lực tài chính của đối tác Trung Quốc.

''Chúng ta cũng phải có một thông tin đầy đủ để đánh giá việc đó. Dù là doanh nghiệp Trung Quốc hay bất cứ ai, vấn đề quan trọng là năng lực của nhà thầu, ở đây là khả năng tài chính, thi công cũng phải đảm bảo các yêu cầu đặt ra.

Nếu họ đáp ứng được thì chúng ta có thể hợp tác. Thời gian vừa rồi chúng ta đã phải gánh chịu quá nhiều hệ lụy. Vì vậy cần phải đánh giá thận trọng hơn'', ông Sơn nói.

Đồng quan điểm, bà Bùi Thị An, ĐBQH khóa 13 cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế như hiện nay, việc doanh nghiệp Trung Quốc hay bất cứ nước nào có ý định đầu tư vào Việt Nam chúng ta không thể cấm được.

''Đầu tiên phải nói về Luật đấu thầu quốc tế. Khi chúng ta đã ký kết rồi thì phải chấp hành đúng các quy định đặt ra. Chúng ta không thể cản được các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam. Quan trọng là người chọn thầu.

Chúng ta phải thành lập các hội đồng tiến hành đánh giá, thẩm tra hồ sơ năng lực của doanh nghiệp Trung Quốc từ tài chính, chất lượng, trình độ, công nghệ. Nếu họ đáp ứng được thì hoàn toàn có thể tham gia. Ngược lại chúng ta sẽ loại bỏ ngay", bà An nêu rõ.

Cần một cam kết

Phân tích về lời đề nghị hợp tác với Công ty TNHH Hong Kong United Investoer Holding của tập đoàn Geleximco, ông Nguyễn Bá Sơn đã có sự lưu tâm đặc biệt đến vấn đề công nghệ. Theo ông, những hậu quả mà Việt Nam hiện nay đang phải gánh đều bắt nguồn từ công nghệ giá rẻ, lạc hậu.

''Thời gian vừa rồi doanh nghiệp Trung Quốc mang qua Việt Nam làm thường là công nghệ cũ, lạc hậu. Nhưng có ai đặt ra câu hỏi tại sao họ làm công nghệ đó với Việt Nam mà những nước khác thì lại không.

Tôi cho rằng chúng ta gặp vấn đề trong các khâu điều hành, quản lý các dự án. Những quốc gia tiên tiến đều đang sử dụng các thiết bị công nghệ, rồi các tiêu chuẩn quản lý dự án rất hiện đại.

Cần phải nâng cao trách nhiệm, vai trò của những cơ quan quản lý, trong đó có Bộ GTVT để không bao giờ xảy ra những trường hợp đó nữa. Chúng ta cần sự phát triển nhưng không phải thứ gì cũng nhập vào được'', ông Sơn thẳng thắn nói.

Liên quan đến vấn đề này, bà Bùi Thị An cũng thừa nhận rằng, những thiệt hại về kinh tế, sản xuất của các nhà máy nhập khẩu từ Trung Quốc buộc Việt Nam phải tỉnh táo và đánh giá hết những tác động về môi trường, năng lực sản xuất sau này.

''Những dự án còn tồn tại là do chúng ta chọn công nghệ, chọn nhà thầu yếu kém. Hậu quả từ việc tham công nghệ giá rẻ và đội vốn lên liên tục trong quá trình thi công.

Ở đây tôi cho rằng cần phải làm rõ, hội đồng chấm thầu là ai? Ai là người kiểm tra công nghệ. Tại sao để những trường hợp đó xảy ra. Chúng ta phải quy trách nhiệm cụ thể người chấm thầu. Sau bao nhiêu vấn đề xảy ra thì hiện nay không ai chịu trách nhiệm cả. Cuối cùng người thiệt thòi nhất vẫn là của người dân thôi'', bà An chia sẻ.

Bà An khẳng định, Bộ GTVT cần phải đánh giá, thẩm định hết sức khách quan, để trả lời rõ ràng trước dư luận.

''Theo tôi Bộ GTVT phải cam kết bằng văn bản về việc này. Tôi chọn đơn vị này là chọn chuẩn theo đúng tiêu chí của chính phủ Việt Nam đưa ra. Nếu sau này có sự cố gì thì người chọn thầu, chấm thầu đứng ra chịu trách nhiệm. Thời gian vừa qua, chúng ta không làm được việc đó nên rất khó quy trách nhiệm cá nhân'', bà An nói.

Dương Châu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI