Công ty Thiên Sơn phủ nhận trách nhiệm đền bù trong vụ tai biến chạy thận khiến 9 người chết

22/05/2018 - 12:15

PNO - Trong phiên tòa xét xử sơ thẩm 3 bị cáo trong vụ tai biến chạy thận tại Bệnh viện Đa Khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình, trả lời HĐXX, đại diện Công ty Thiên Sơn đã không chấp nhận bồi thường các bị hại.

Sáng 22/5, ngày xét xử thứ 6 của phiên tòa xét xử sơ thẩm, HĐXX đã hỏi đại diện công ty Thiên Sơn là luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương về việc một số bị hại yêu cầu bị cáo Quốc, bệnh viện và công ty Thiên Sơn phải liên đới bồi thường, quan điểm của công ty như thế nào về yêu cầu này. Bà Hương cho biết, công ty Thiên Sơn không chấp nhận các yêu cầu này.

Cong ty Thien Son phu nhan trach nhiem den bu trong vu tai bien chay than khien 9 nguoi chet
Luật sư Hương đại diện cho công ty Thiên Sơn

“Khi vụ việc xảy ra, Thiên Sơn cũng đã có những hỗ trợ tình cảm cho gia đình các bị hại. Tuy nhiên chúng tôi không có trách nhiệm phải bồi thường vì chúng tôi không có lỗi. Không có hành vi gì vi phạm trong vụ việc này. Số tiền hỗ trợ nạn nhân đã được công ty ủy quyền cho BVĐK tỉnh Hòa Bình, chuyển đến cho gia đình nạn nhân. Số tiền này bệnh viện đã nộp vào cơ quan thi hành án”, bà Hương cho biết.

Bà này cũng yêu cầu BVĐK tỉnh Hòa Bình phải trả lại số tiền đã nộp vào cơ quan thi hành án để chuyển cho các bệnh nhân. Trong thời gian sắp tới, khi phiên tòa này kết thúc, công ty Thiên Sơn sẽ tổng kết những thiệt hại mà công ty này đã chịu để khởi kiện BVĐK tỉnh Hòa Bình trong một vụ án khác.

Trả lời HĐXX, luật sư Hương cũng cho biết, 19 máy chạy thận đang đặt tại đơn nguyên Thận nhân tạo thì có 13 máy được đặt tại đây theo hình thức xã hội hóa. 5 máy thuộc về Thiên Sơn vì chạy chưa đủ ca để chuyển giao cho BVĐK Hòa Bình.

Bà Hương nói: “Vào năm 2009, do thấy tại Hòa Bình có khoảng 150 bệnh nhân đang chạy thận, nhận thấy đây là một thị trường có thể khai thác, phù hợp với lĩnh vực hoạt động của công ty nên công ty đã liên hệ với BVĐK tỉnh Hòa Bình để chào bán máy.

Nhưng do bệnh viện không đủ kinh phí, lãnh đạo bệnh viện đã đưa ra thông tư 15 và tư vấn cho công ty đặt máy tại bệnh viện. Trước đó, bệnh viện có họp hội đồng chuyên môn để kí quyết định đặt máy này”.

Cong ty Thien Son phu nhan trach nhiem den bu trong vu tai bien chay than khien 9 nguoi chet
Nhiều người dân rất quan tâm đến diễn biến trong phiên xét xử

Ngoài việc phủ nhận trách nhiệm đền bù trong vụ việc, trả lời câu hỏi của VKS đại diện công ty Thiên Sơn còn phủ nhận lời khai của bị cáo Bùi Mạnh Quốc trước đó. 

- VKS: Quốc khai trong tối xảy ra sự việc, Quốc đã làm theo chỉ đạo của công ty Thiên Sơn có đúng không?

- Luật sư Hương: Tôi thấy lời khai này hoàn toàn không đúng sự thật vì Thiên Sơn không chỉ đạo gì. Mọi việc sửa chữa do Quốc chủ động, làm theo các hạng mục trong hợp đồng. 

Tiếp đó trả lời luật sư Nguyễn Danh Huế, người bảo vệ quyền lợi cho BVĐK tỉnh Hòa Bình, bà Hương khẳng định công ty Thiên Sơn có người giám sát việc bảo dưỡng sửa chữa hệ thống lọc nước RO2 là một nhân viên tên Tiên. Tuy nhiên, trong bút lục 1466, bà Tiên này khai rằng mình không hề được thông báo về việc sửa chữa hệ thống. Trước đó, bà này cũng thừa nhận Quốc đến BVĐK tỉnh Hòa Bình làm việc với tư cách nhân viên của công ty Thiên Sơn.

Luật sư Hương cũng thừa nhận, việc công ty Thiên Sơn chuyển hợp đồng cho công ty Trâm Anh không được thông báo cho lại cho bệnh viện và bà này khẳng định bệnh viện “không cần phải biết” việc này.

Các bị cáo bị đưa ra xét xử trong vụ việc gồm Hoàng Công Lương (32 tuổi, bác sĩ khoa Hồi sức tích cực) và Trần Văn Sơn (28 tuổi, cán bộ phòng vật tư) về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; Bùi Mạnh Quốc (32 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh về tội "Vô ý làm chết người”. Đây là 3 bị cáo trong sự cố y khoa ngày 29/5/2017, xảy ra tại Khoa Thận nhân tạo, BVĐK tỉnh Hòa Bình.
Hàng loạt bệnh nhân đang được lọc máu chu kỳ thì xảy ra hiện tượng bất thường khiến đến nay 9 người tử vong, 10 người nguy hiểm đến tính mạng.

Đây là vụ việc chưa từng xảy ra từ trước đến này trong lịch sư y học. Sau khi điều tra, Viện Khoa học Hình Sự (Bộ Công an) đã xác định có việc tồn dư hóa chất khử khuẩn trong hệ thống nước RO. Các mẫu nước cấp vào máy lọc thận số 10 và 13 cho thấy các chỉ tiêu pH rất thấp, độ dẫn điện cao, hàm lượng Flouride lần lượt cao gấp 245 và 260 lần mức cho phép. Chính mức Flouride cao quá mức an toàn cho chạy thận nhân tạo hàng trăm lần này là nguyên nhân gây ra vụ tai biến y khoa này. 

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI