Công nghiệp khai khoáng giảm tỉ trọng trong GDP: 'Lời nguyền' còn đó

25/10/2016 - 06:30

PNO - ''Chỉ có thể kết luận Việt Nam đang khai thác ít đi nghĩa là bớt phụ thuộc hơn so với trước đây chứ không thể khẳng định Việt Nam đang dần thoát khỏi phụ thuộc hoặc đã thoát khỏi phụ thuộc vào khai thác tài nguyên''.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2016 tiếp tục có những chuyển biến tích cực, nền kinh tế đang trên đà phục hồi và phát triển.

Một điểm đáng chú ý của tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2016 chính là lần đầu tiên GDP tăng trưởng trong bối cảnh ngành công nghiệp khai khoáng giảm sút. Nếu trong quý I ngành công nghiệp này vẫn có mức tăng ít ỏi ở mức 0,2% thì liên tiếp hai quý sau đó, tăng trưởng của ngành này đã giảm quý sau sâu hơn quý trước, ở mức 5,3% và 6,8%.

Theo ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì điều này đã phá vỡ quan điểm cho rằng Việt Nam tăng trưởng cao nhờ khai thác tài nguyên khoáng sản. Ngoài ra nó cũng cho thấy Việt Nam còn nhiều động lực khác cho tăng trưởng.

Cong nghiep khai khoang giam ti trong trong GDP: 'Loi nguyen' con do
Mỏ dầu Bạch Hổ

Chưa hẳn là tín hiệu tốt

Tuy nhiên, GS.TS Đặng Đình Đào - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và phát triển cho rằng: Khi nhìn vào báo cáo số liệu về mức tăng trưởng GDP trong tháng 9 của Tổng cục thống kê thì tăng trưởng GDP hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ.

Ông Đào cho rằng, điều này phù hợp với chủ trương chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế mới của Việt Nam là đẩy mạnh gia tăng sản xuất, giảm phụ thuộc vào khai thác tài nguyên.

Thế nhưng, nếu chỉ dựa trên số liệu chưa đủ cơ sở để khẳng định Việt Nam đã giảm phụ thuộc vào tài nguyên khoáng sản là chưa thỏa đáng.

Theo GS. Đặng Đình Đào, trong lĩnh vực khai khoáng, tỷ trọng xuất khẩu dầu thô đóng góp không nhỏ vào kim ngạch xuất khẩu và nguồn thu ngân sách quốc gia.

Cụ thể, năm 2012, dầu thô đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu 8,23 tỷ USD trong tổng kim ngạch 114,57 tỷ USD. Năm 2013, con số này còn 7,2 tỷ USD trong tổng kim ngạch xuất khẩu 132,2 tỷ USD. Năm 2014, tỷ trọng giảm nhẹ còn 7,23 tỷ vào tổng kim ngạch xuất khẩu 150 tỷ USD.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng số thu từ dầu thô năm 2014 không những không giảm, mà vẫn đạt và vượt tới 25,6% so với dự toán. Nói cách khác, liên tục trong nhiều năm, dù giá dầu ngày càng đi lùi, một phần lớn nguồn thu cho ngân sách vẫn đặt gánh nặng lên “mũi nhọn” xuất khẩu dầu thô.

Theo đó, dù muốn hay không, Việt Nam vẫn đang là quốc gia mà nền kinh tế xuất khẩu có trên 10% tỷ trọng GDP là từ khai thác dầu thô vào thời điểm này.

Đến thời điểm tháng 12/2015, theo thông tin từ Bộ Tài chính, nguồn thu ngân sách từ từ dầu thô, đang đạt 66.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 6% tổng thu ngân sách Nhà nước.

Đây cũng được xem là tín hiệu tích cực với hình ảnh một quốc gia vẫn còn phải xuất thô dầu cũng như một phần nguồn thu ngân sách có sự đóng góp từ khai thác tài nguyên thì ít nhiều ngân sách quốc gia đã giảm phụ thuộc vào dầu thô.

"Nhưng như tôi đã nói, chỉ có thể kết luận Việt Nam đang khai thác ít đi nghĩa là bớt phụ thuộc hơn so với trước đây chứ không thể khẳng định Việt Nam đang dần thoát khỏi phụ thuộc hoặc đã thoát khỏi phụ thuộc vào khai thác tài nguyên", GS Đào lưu ý.

Theo ông, đó là minh chứng chứng minh Việt Nam chưa thể thoát khỏi lời nguyền tài nguyên. GS. Đào phân tích, mô hình tăng trưởng của Việt Nam dù có thay đổi nhưng thay đổi rất chậm.

Trong suốt nhiều năm liền, tăng trưởng kinh tế vẫn chỉ dựa vào khai thác tài nguyên, dựa vào nguồn lao động giá rẻ và một phần giá trị gia tăng ít ỏi từ việc gia công, làm thuê cho các doanh nghiệp nước ngoài.

"Tức là tăng trưởng mà không dựa vào năng suất lao động và hiệu quả của ứng dụng khoa học, công nghệ kỹ thuật cao thì ngân sách còn phụ thuộc vào tài nguyên, phụ thuộc FDI.

Chỉ cần so sánh năng suất lao động của Việt Nam với các nước trong khu vực sẽ thấy Việt Nam không những thua kém xa mà còn ngày càng bị tụt hậu so với các nước", GS. Đào nhấn mạnh

Vì sao giảm

GS. Đặng Đình Đào tỏ ra khá quan tâm đến việc tỉ trọng giảm khối lượng khai thác tài nguyên thật sự do giảm phụ thuộc hay do nguồn tài nguyên đã bị khai thác tới hạn?

Ông cho rằng, vấn đề khai thác tài nguyên bừa bãi, tràn lan thời gian qua là lời cảnh báo cho mối nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên khoáng sản. Cùng với đó, sự biến động giá cả của thị trường thế giới cũng được xem là yếu tố tác động tới tỷ trọng khai thác tài nguyên thời gian qua của Việt Nam.

Cuối cùng GS. Đào nhận định, sớm muộn Việt Nam cũng phải thay đổi tư duy, thay đổi mô hình tăng trưởng theo chiều hướng dựa vào năng suất, chất lượng, tăng trưởng dựa trên đầu tư, phát triển công nghệ chứ không phải dựa vào lao động giá rẻ, và khai thác tài nguyên. Đó không được coi là định hướng phát triển bền vững và dễ gặp rủi do.

"Phát triển cứ dựa mãi vào khai thác tài nguyên thì mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng rất khó thực hiện. Hơn nữa, nếu phát triển chỉ dựa vào tài nguyên sẽ là nguy cơ khiến chúng ta ngày càng rơi vào thế bị động, kinh tế không thể phát triển, Việt Nam sẽ ngày càng tụt hậu, thua kém các nước trong khu vực", ông Đào cảnh báo.

Ngoài ra, vị Giáo sư cũng lưu ý rằng, cùng với sự chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cần phải tận dụng tốt nguồn lực từ các dịch vụ logistics để nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất, từ đó mới tạo ra được nhiều giá trị gia tăng.

Cùng bàn luận về vấn đề trên, TS. Bùi Ngọc Sơn - Viện Kinh tế chính trị thế giới cho rằng, mục tiêu giảm phụ thuộc tăng trưởng vào khai thác khoáng sản là rất tốt.

Tuy nhiên, ông Sơn đặt câu hỏi: "Giảm phụ thuộc vào khoáng sản rồi thì tăng trưởng đó phải đến từ khu vực nào?".

TS. Sơn phân tích, nếu tăng trưởng GDP giảm phụ thuộc vào khai thác tài nguyên nhưng lại phụ thuộc vào khu vực FDI thì cuối cùng Việt Nam cũng chỉ là nước làm thuê, lợi nhuận FDI hưởng, Việt Nam không được gì.

"Nếu như vậy thì cũng không có gì đáng mừng. Vì tăng trưởng đó là tăng trưởng cho FDI chứ không phải Việt Nam", ông Sơn chia sẻ.

Dương Lan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI