Cử nhân đi giúp việc, công chức cứ cắp ô

31/10/2014 - 07:20

PNO - PN - Bức xúc vì “thủ khoa đi làm xe ôm, cử nhân giúp việc gia đình trong khi 30% công chức vẫn sáng cắp ô đi, tối cắp về”, ĐB Nguyễn Phi Thường cho rằng, phải tập trung tái cơ cấu nguồn nhân lực

edf40wrjww2tblPage:Content

Cu nhan di giup viec, cong chuc cu cap o

Biếm họa về cử nhân thất nghiệp - Nguồn: internet.

Ngày 30/10, Quốc hội dành trọn ngày để thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015. Ghi nhận nỗ lực của Chính phủ với nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, song các vị đại biểu (ĐB) Quốc hội cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế đang ảnh hưởng tới đời sống của người dân, doanh nghiệp.

Mở đầu, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) nói: “Kinh tế xã hội chuyển biến tích cực cho thấy nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương. Song, chúng ta không thể chủ quan bởi tình hình thực tế còn khoảng cách khá xa so với báo cáo. Cân đối ngân sách căng thẳng tới mức không đủ tăng lương nhưng Chính phủ chưa thực sự làm rõ. Tinh giản bộ máy nói rất nhiều nhưng hiệu quả chưa được bao nhiêu. Dân đang rất lo lắng, bất bình vì tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật nhưng cũng chưa được phản ánh đầy đủ...”.

Phân tích nguyên nhân làm kinh tế “chậm lớn”, ĐB Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) nói: “Môi trường đầu tư chưa hoàn thiện, năng lực quản lý yếu, kinh tế tư nhân chưa được khai thác triệt để, doanh nghiệp phá sản tăng và ở mức cao. Tái cơ cấu kết quả chưa rõ. Nợ xấu còn thiếu nhiều điều kiện để giải quyết. Kỷ cương, kỷ luật trong điều hành chưa nghiêm... Nếu không siết lại, chỉ tiêu năm tới sẽ khó khả thi”.

Đề cập chỉ tiêu thất nghiệp, ĐB Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đăk Nông) băn khoăn: “Hàng trăm nghìn cử nhân tốt nghiệp không có việc làm, người dân rất lo lắng. Chính phủ phải có giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề này, không thể để tình trạng lãng phí chất xám như vậy”.

Cũng bức xúc vì “thủ khoa đi làm xe ôm, cử nhân giúp việc gia đình trong khi 30% công chức vẫn sáng cắp ô đi, tối cắp về”, ĐB Nguyễn Phi Thường cho rằng, phải tập trung tái cơ cấu nguồn nhân lực bởi đó chính là chìa khóa quan trọng để nâng cao chất lượng nền kinh tế.

ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) bổ sung: “Có tình trạng lợi dụng chính sách để trục lợi trong bộ máy hành chính, đề nghị Chính phủ có giải pháp mạnh làm trong sạch bộ máy”.

Nhiều ĐB Quốc hội kiến nghị Chính phủ phải kiểm soát chặt chẽ vấn đề nợ công. ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) kiến nghị áp dụng nguyên tắc vàng: không vay vốn ODA để chi thường xuyên.

ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) tiếp lời: “Thực tế đã phát sinh tội phạm, tham nhũng trong quản lý, sử dụng vốn ODA. Đáng chú ý, dù đã có cơ chế kiểm soát nhưng nhiều sai phạm chỉ được phát hiện từ... nước ngoài. Sau hàng chục năm đi vay, không ít người dân, quan chức địa phương vẫn nghĩ vốn ODA là cho không...”.

Chỉ ra những kẽ hở pháp lý, ĐB Lê Thị Nga đề nghị Quốc hội xây dựng luật về quản lý ODA, đồng thời tổ chức giám sát tối cao về nội dung này.

PHƯƠNG MAI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI