Con sông thứ 6 trên đất Bắc đã về 'cõi khác'

08/08/2018 - 06:27

PNO - Dòng sông Cầu đang từng ngày, từng giờ bị tống vô vàn chất thải độc hại xuống lòng sâu. Nước đen sì dội xuống, cá trắng lớn bé ngắc ngoải nổi lên.

Người dân Bắc Giang đang “kêu cứu” vì nước sông Cầu ô nhiễm, tanh hôi khiến cá chết khắp vùng hạ lưu. Sông Cầu không phải là trường hợp cá biệt, không phải là câu chuyện mới về cái chết của những dòng sông. Bởi riêng Hà Nội thôi đã có bốn con sông (sông Tô Lịch, sông Tích, sông Nhuệ, sông Đáy) đi về “cõi khác”. Nếu không khẩn trương, quyết liệt chặn ô nhiễm từ cái gốc các làng nghề, các khu công nghiệp, thì chỉ trong nay mai chúng ta sẽ “mất” sông Cầu và nhiều con sông đang hứng chịu đầy ô nhiễm khác.

Con song thu 6 tren dat Bac da ve 'coi khac'
Nước thải từ các nhà máy giấy xả thẳng ra môi trường. Bọt tung hồng tía đầy chết chóc mà bà con Phú Lâm vẫn phải sử dụng cho sản xuất nông nghiệp - Ảnh: U.N.

Cả một vùng kêu cứu lấy dòng sông

Nổi tiếng trong lịch sử, thi ca với cái tên Như Nguyệt; giữ một phần vai trò quan trọng trong hình thành văn hóa Kinh Bắc với quan họ - di sản văn hóa phi vật thể làm nức lòng nhân loại, sông Cầu còn gánh nhiệm vụ cung cấp hàng triệu khối nước mỗi năm cho sinh hoạt và sản xuất của bà con trên lưu vực. Thế nhưng dòng sông ấy đang từng ngày, từng giờ bị tống vô vàn chất thải độc hại xuống lòng sâu. Nước đen sì dội xuống, cá trắng lớn bé ngắc ngoải nổi lên.

Sông Cầu ô nhiễm đến mức cả làng chài Nguyệt Đức (xã Vân Hà, H.Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) phải giải nghệ. Ông Nguyễn Văn Hải (trưởng thôn) nhớ: “Ngày trước dưới sông nhiều loại cá quý hiếm lắm, nào cá chiên, măng, ghim, lác… hễ những ngày mưa như đợt này là cá đớp đầy dưới sông, quẫy ùm ùm như cá nuôi trong ao ấy. Nhưng bây giờ thì không thấy gì nữa”.

Làng chài bao đời sống nhờ sông nước, nên rất nhiều năm chính quyền vận động bà con lên bờ mà bà con không muốn. Nhưng bây giờ tôm, cá hết sạch, 180 hộ của làng chài Nguyệt Đức thì đã có 30 hộ chủ động mua đất lên bờ tìm kế khác sinh nhai. Mấy đời vạn chài, từng nhiều lần từ chối lên bờ; giờ mất nghề, nên được lên bờ lại trở thành ước mơ của nhiều người. Ông Nguyễn Văn Vũ không có tiền mua đất, dựng nhà. Ông chỉ đủ sức mua cái thuyền xi măng cũ giá 50 triệu đồng để thiết kế làm ngôi nhà di động. Sống dưới sông nhưng vợ chồng ông phải sang TP.Bắc Ninh đi làm thuê.

Phía hạ nguồn trên đất Yên Dũng, ngồi bên hệ thống bể lọc ngả màu vàng khè, bà Nguyễn Thị Hải kêu: “Nước đã qua trạm xử lý của xã rồi mà vẫn bẩn lắm. Nhà tôi phải lọc một lần trên bể, một lần bằng máy, mà cứ hai tuần là phải thay màng lọc một lần. Không biết có phải do nguồn nước không mà con dâu và hai đứa cháu nhỏ nhà tôi viêm họng, viêm amidan, ho như cuốc kêu, uống thuốc nửa tháng rồi không khỏi”.

Có những đợt, đến mức cả 5 trạm xử lý nước ở 5 xã cuối nguồn (trên địa bàn H.Yên Dũng) phải đóng cửa vì nước sông quá đen, bốc mùi hôi tanh nồng nặc. Những ngày đó, cả xóm phải xếp hàng xin nước của những gia đình có giếng đào. “Bình thường có nước thì mỗi ngày tắm một lần. Nhưng đợt nào không có nước, phải đi xin thì tiết kiệm, hai - ba ngày tắm một lần thôi”, bà Hải nói như mếu.

“Ba năm nay, chỉ bằng mắt thường và mũi là đã biết nước sông ô nhiễm kinh hoàng. Cứ vài ngày nước sông sáng màu, rồi lại vài ngày chuyển màu đen kịt như nước cống. Trạm bơm lấy nước vào ngả ruộng mà sủi bọt hơn bọt xà phòng. Kinh khủng hơn là mức độ đen và mật độ nước thối ngày một tăng” - ông Dương Văn Huyên (thôn Thạch Xá, xã Yên Lư) nói.

Con song thu 6 tren dat Bac da ve 'coi khac'
Cá sông Cầu chết trắng, dạt vào ven bờ (ảnh người dân Yên Lư cung cấp)

Đến mức H.Yên Dũng phải phát đi “báo động”: đề nghị UBND các xã Yên Lư, Nham Sơn, Thắng Cương, Tư Mại, Đồng Phúc thông báo rộng rãi và khuyến cáo cho nhân dân trên địa bàn biết khi bơm nước sông Cầu để sử dụng vào mục đích sản xuất, sinh hoạt và chăn nuôi, đồng thời thường xuyên theo dõi diễn biến mặt nước sông Cầu, kịp thời phản ánh khi nước sông Cầu có biểu hiện ô nhiễm trở lại.

“Bị đơn” cũng khốn khổ

Sông Cầu ô nhiễm, bà con H.Yên Dũng không khoanh tay đứng nhìn, họ “kêu” lên huyện, lên tỉnh. Nguyên nhân được Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Bắc Giang nhận định là do nước thải từ sông Ngũ Huyện Khê (Bắc Ninh) đổ ra sông Cầu. Ngược lên TP.Bắc Ninh, ngay dưới chân cầu Thị Cầu (P.Đáp Cầu), một người dân tức tối chỉ xuống dòng nước đen kịt: “Làng nghề thải ra thứ nước thế này đây. Bây giờ đã có chế tài rồi, cảnh sát môi trường cũng có; chúng tôi đã gửi đơn từ, kiến nghị rất nhiều lần, đợt tiếp xúc cử tri nào chúng tôi cũng có ý kiến; nhưng chỉ thấy tình hình ngày càng tồi tệ hơn. Dưới sông cá không sống được. Trên bờ chúng tôi cũng khốn khổ. Ngày trước Mỹ rải chất độc hóa học để giết rừng, chúng ta đã lên án, quốc tế cũng đã lên án. Thế mà bây giờ dân cố ý giết nhau bằng nguồn nước thải độc hại đầy chất hóa học kinh tởm này. Cuộc sống của người dân đã khó khăn, vất vả rồi, bây giờ môi trường sống cũng ô nhiễm, từ đồ ăn đến thức uống, từ khí thải trên trời đến nước thải, chất thải dưới sông”.

Cống tiêu Đặng Xá ở cửa sông Ngũ Huyện Khê, từ rất nhiều năm nay, tất cả đều gọi nó là “Cống Thối”. Nhà bà giáo già Nguyễn Thị An cách “Cống Thối” gần 2km, mà “hôm nào nắng to hay trở trời là xú uế xộc lên đến tận đây”. Còn ở xóm Láng nằm ngay bờ sông Ngũ Huyện Khê, bà Đặng Thị Nguyệt chỉ biết kêu trời: “Nước sông đã ngấm cả vào mạch nước ngầm của chúng tôi, giếng khoan bơm lên nước cũng ô nhiễm, bốc mùi. Nhà tôi lúc nào cũng phải đóng kín cửa mà vẫn thấy mùi thối. Chúng tôi sống ở đây quá khổ, người lớn, trẻ con viêm mũi rất nhiều. Chúng tôi đã làm không biết bao nhiêu cái đơn kiến nghị nhưng chỉ thấy nước sông ngày một khủng khiếp hơn”.

Vào trong làng giấy Phú Lâm (H.Tiên Du), trạm bơm hút nước đen, bốc mùi, bọt đùn lên màu hồng tía chỉ thấy chết chóc. Bên này Phú Lâm, bên kia Phong Khê (thị xã Từ Sơn), hàng trăm nhà máy giấy đẩy nước thải đầy hóa chất tẩy rửa thẳng ra môi trường. Có công ty còn chôn ống xả thải ngầm dưới lòng Ngũ Huyện Khê. Ông Nguyễn Văn Bảy từng là trưởng xóm Hạ Giang, thấy dân phải hứng chịu trực tiếp nước thải và khí thải từ hai làng làm giấy, ông Bảy đâm đơn kiện. Kết quả là ông mất chức trưởng xóm, còn các nhà máy, công ty giấy vẫn ồng ộc tuôn nước độc vào Ngũ Huyện Khê.

Đã thôi chức trưởng thôn từ lâu, nhưng nhiều năm nay ông vẫn vác đơn đi kiện. Nghe giọng nói của ông đã thấy nỗi chua xót: “Chỉ vì ăn ngon mặc đẹp, ăn sung mặc sướng mà người ta sẵn sàng đầu độc đồng loại, thậm chí là đổi cả mạng sống của chính mình. Tôi nói nhiều người không tin, nhưng sự thật là nước sông này bơm lên ruộng lúa, đến khi ăn hạt cơm còn thấy nhằng nhặng đắng. Ngũ Huyện Khê nào giết chết sông Cầu. Chính những cái làng nghề này, những con người này đã giết sông Cầu, giết cả Ngũ Huyện Khê”.

Bên làng Đa Hội (P.Châu Khê, thị xã Từ Sơn) từng nổi tiếng giàu nứt đố đổ vách vì cả làng là đại công trường sản xuất sắt thép. Họ cũng từng tống xuống rất nhiều chất thải giết chết Ngũ Huyện Khê. Mấy năm nay cả làng mất nghề bởi suy thoái và không thể cạnh tranh. Không khí trong làng đã không còn đặc quánh khói bụi, song dòng sông đầu làng thì chẳng thể hồi sinh.

Con song thu 6 tren dat Bac da ve 'coi khac'
Ngũ Huyện Khê nào giết chết sông Cầu. Chính những làng nghề, những con người đã giết chết sông Cầu, giết cả Ngũ Huyện Khê

Nhiều khó khăn trong việc “hồi sinh”

Việc sông Ngũ Huyện Khê (tỉnh Bắc Ninh) là nguyên nhân chính đang từng ngày “bức tử” sông Cầu rất giống câu chuyện của hai dòng sông Tô Lịch và Nhuệ Giang. Gần hai mươi năm trước sông Nhuệ cũng trong xanh rồi thỉnh thoảng nước lại chuyển sang màu đen, bốc mùi hôi thối, cá tôm chết đầy như tình trạng của sông Cầu hiện nay. Nước sông Nhuệ chia hai màu rõ rệt kể từ quãng sông Tô Lịch ào ào trút nước nhập dòng. 

Những đợt nước đổi màu dày lên, rồi đến ngày nước sông Nhuệ chỉ có một màu đen như nước sông Tô Lịch. Họa hoằn những đợt mưa dài ngày, nước sông mới sáng lên được vài ngày rồi lại trở về cái màu của dòng sông chết. Bây giờ, sông Cầu cũng đang dần bị sông Ngũ Huyện Khê nhuộm đen như thế.Sông chẳng thể nào bình thản chảy khi đang phải oằn mình hứng chịu bao nhiêu là độc hại.

Hồi đó đã có nhiều phương án giải cứu sông Nhuệ. Song cái gốc là nguồn ô nhiễm từ các làng nghề, từ xả thải của sông Tô Lịch không được xử lý tận gốc, nên đến tận bây giờ, Nhuệ Giang vẫn là dòng sông chết, tre pheo từ lâu đã chẳng um tùm đôi bờ. Bà con ven sông ở P.Mộ Lao (Q.Hà Đông, TP.Hà Nội), nhiều hộ muốn bán nhà bỏ đi nơi khác mà không bán được. Vì chẳng ai muốn đến sống ở cái nơi mà ngay sau nhà là “cái hố xí” khổng lồ quanh năm bốc mùi xú uế.

Còn dòng Tô Lịch, riêng việc giải cứu vỏn vẹn 14km, Hà Nội cũng đã tổ chức rất nhiều hội thảo, đề án nhưng chưa có phương án nào khả thi. Và nếu có kết quả, thì đó là câu chuyện rất dài chứ không thể trong ngày một ngày hai. Việc hồi sinh những dòng sông chết cũng vô cùng phức tạp và tốn kém cả công lẫn của.

Một đất nước kinh tế phát triển và hiện đại như Hàn Quốc còn mất đến 900 triệu USD để hồi sinh dòng suối Cheonggyecheon dài 5,8km giữa lòng thủ đô Seoul. Còn Hà Nội, năm 2016 đã phải đầu tư nhà máy xử lý nước Yên Xá (H.Thanh Trì) trị giá đến 800 triệu USD với kỳ vọng sẽ làm “sống lại” các con sông (sông Lừ, sông Sét, một phần sông Nhuệ, và đặc biệt là sông Tô Lịch). Đầu năm 2017, Hà Nội cũng đã có chủ trương “hồi sinh” bốn dòng sông đã “chết”. Nhưng sau một năm, các dòng sông nội đô của Hà Nội vẫn một màu đen, vẫn ngập rác dù đã được nạo vét và vớt rác ngày đêm.

Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường giải quyết 

Bốn con sông, nhưng cùng nằm trên địa bàn Hà Nội nên dù sao vẫn có nhiều thuận lợi trong việc triển khai các phương án “cứu chữa”. Nhưng sông Cầu trải dài trên địa bàn 6 tỉnh (Bắc Kạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương) nên việc giải cứu sông Cầu nhiều khi đã đi vào bế tắc. Theo kết quả quan trắc chất lượng nước sông Cầu vào cuối năm 2017, chỉ có quãng sông chảy trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn là tương đối tốt. Khi chảy qua Thái Nguyên, nước sông đã ô nhiễm hữu cơ, dầu mỡ và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Từ quãng Ngũ Huyện Khê đổ vào, sông Cầu phải hứng thêm chất thải rắn lơ lửng và kim loại nặng.

Ông Lại Văn Hà - Phó trưởng phòng TN-MT Yên Dũng cho biết: vừa rồi tỉnh đã thông báo để bà con Yên Dũng biết nước thải độc hại phần lớn do làng giấy Phong Khê. Trên đó thải hơn 20.000m3/ngày đêm nhưng hiện tại mới chỉ xử lý, thu gom được 5.000m3, còn lại 15.000m3 đều đặn xả thẳng ra Ngũ Huyện Khê mỗi ngày. Nước thải đó, hàm lượng chất rắn lơ lửng cao hơn từ 4,5 đến 11 lần; COD cao hơn từ 8 đến 500 lần; Pb cao hơn 5,5 lần…

Tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang đã nhiều lần có công văn yêu cầu chấm dứt việc sông Ngũ Huyện Khê xả thải ra sông Cầu nhưng vẫn chưa được khắc phục. Cực chẳng đã, hiện nay Sở TN-MT Bắc Giang đã phải đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang có văn bản đề nghị Bộ TN-MT giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Cầu do ô nhiễm môi trường liên tỉnh.

Sông Cầu “hấp hối”, nếu không nhanh chóng giải quyết từ cái gốc là những làng nghề, khu công nghiệp thải chất độc hại ra sông Ngũ Huyện Khê; nếu các địa phương không cùng chung tay thì không chỉ dòng sông “chết”, mà đời sống của bà con cả Bắc Giang lẫn Bắc Ninh khắp lưu vực sông cũng sẽ rơi vào cùng cực.

Uông Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI