Cố tình 'làm khó' khách hàng để 'quỵt' tiền bảo hiểm

11/12/2018 - 06:00

PNO - Với kiểu “làm khó” để "quỵt" tiền như thế này, những ai có ý định mua bảo hiểm sức khỏe cần cân nhắc.

Không muốn chen chúc ở các bệnh viện công vốn đang quá tải, nhiều bà mẹ đã chọn mua bảo hiểm sức khỏe để đi khám tại các phòng mạch, bệnh viện tư. Thế nhưng, họ lại chuốc lấy sự bực bội từ những đòi hỏi của các công ty bảo hiểm.

Co tinh 'lam kho' khach hang de 'quyt' tien bao hiem
Công ty bảo hiểm từ chối bồi thường vì không tìm ra số đăng ký kinh doanh của phòng khám.

Chị N.T.V. - ngụ tại Q.7, TP.HCM - mua bảo hiểm sức khỏe tư nhân cho con gái 5 tuổi của Công ty Bảo hiểm Bảo Việt với giá hơn 3 triệu đồng/năm, hạn mức được thanh toán tối đa là 1,2 triệu đồng/lần khám bệnh và 2 triệu đồng/ngày nằm viện. Vào cuối tháng Mười vừa qua, con chị bị bệnh, phải đi khám tại phòng mạch tư gần nhà và được chẩn đoán bị viêm hô hấp bội nhiễm, chi phí khám bệnh và thuốc hết khoảng 300.000 đồng. 

Phòng khám cung cấp đủ các giấy tờ cần thiết gồm hóa đơn, toa thuốc… để chị V. nhận thanh toán từ công ty bảo hiểm. Chị V. gửi hồ sơ kèm thông tin thẻ bảo hiểm sức khỏe của con mình cho Công ty Bảo Việt và nhận được tin nhắn trả lời là hồ sơ đang được giải quyết.

Nhưng sau đó khoảng 10 ngày, phía công ty bảo hiểm nhắn tin, trường hợp của con chị không được xét chi trả. Trả lời qua email, Công ty Bảo Việt nại lý do “phòng khám chưa có số đăng ký hoạt động kinh doanh khám chữa bệnh…”. Chị V. bức xúc gọi điện gặp nhân viên phụ trách hồ sơ thì nhân viên giải thích: “Bên em lên trang web Sở Y tế TP.HCM tra cứu số đăng ký kinh doanh của phòng khám nhưng không tìm thấy nên hồ sơ bị bác”.

Chị V. chất vấn: “Sao người khác cũng mua gói bảo hiểm sức khỏe của công ty, khám cùng phòng khám với con chị mà vẫn được thanh toán?”. Lúc này, nhân viên bảo hiểm yêu cầu chị phải bổ sung bản phô-tô giấy phép đăng ký kinh doanh của phòng khám. Chị V. chưng hửng trước yêu cầu này, bởi nó là việc của công ty bảo hiểm, sao lại đẩy cho khách hàng?

Co tinh 'lam kho' khach hang de 'quyt' tien bao hiem
Bệnh nhân phải tự mình đi xin giấy phép đăng ký kinh doanh của phòng khám thay cho công ty bảo hiểm.

Một khách hàng sử dụng bảo hiểm sức khỏe dạng phi nhân thọ khác là chị P.T.T. - ngụ tại P.Thảo Điền, Q.2, TP.HCM - nhận xét: “Các công ty bảo hiểm thường chỉ giải quyết hồ sơ khi khám ở các bệnh viện hoặc phòng khám đa khoa lớn, còn những phòng khám chuyên khoa nhỏ thì họ cố tìm cách “làm khó”. Các khoản chi phí khám ở các phòng mạch này chỉ vài trăm ngàn đồng, không đáng để khách hàng bỏ công đi bổ túc hồ sơ”.

Chị N.T.T. mua bảo hiểm nhân thọ gồm luôn cả bảo hiểm sức khỏe cho hai mẹ con tại Công ty Bảo hiểm M. Lúc mua, nhân viên bán bảo hiểm chỉ nói mức đóng tiền của hai mẹ con chị mỗi năm hơn 20 triệu đồng, nếu khám ngoại trú thì được chi trả tối đa 1,2 triệu đồng/lần, nếu nằm viện thì được thanh toán tối đa 5 triệu đồng/ngày, sử dụng được ở tất cả các cơ sở y tế công lập, tư nhân hợp pháp. 

Thế nhưng, vào tháng 11 vừa qua, chị cho con đến khám tại phòng mạch chuyên về hô hấp, gửi hồ sơ để được thanh toán chi phí, chị cũng bị công ty bảo hiểm bác. Do số tiền chưa tới 300.000 đồng nên chị bỏ luôn.

Với kiểu “làm khó” để "quỵt" tiền như thế này, những ai có ý định mua bảo hiểm sức khỏe cần cân nhắc. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI