Cơ quan điều tra sẽ làm rõ những gì ở Asanzo?

28/10/2019 - 09:29

PNO - Cơ quan điều tra cần làm rõ dấu hiệu làm ngơ, bao che của những đơn vị quản lý nhà nước liên quan, bởi sai phạm của Asanzo không phải diễn ra trong một sớm, một chiều.

Kết luận thanh tra chấp hành pháp luật thuế từ năm 2016 đến tháng 7/2019 tại Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo (gọi tắt Tập đoàn Asanzo, địa chỉ 182 Lê Đại Hành, P.15, Q.11, TP.HCM) của Cục Thuế TP.HCM cho thấy, Asanzo có hành vi trốn thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng.

Số thuế cần truy thu phải hơn 40 tỷ đồng 

Asanzo thành lập các công ty và cho người lao động hoặc công ty thuộc hệ thống tập đoàn làm đại diện pháp luật để nhập khẩu hàng hóa, linh kiện điện tử, điện gia dụng, điều hòa nhiệt độ rồi xuất bán lại cho chính mình và các công ty thuộc hệ thống.

Các công ty nhập hàng là các đơn vị “ma”, không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký. Asanzo còn lập hóa đơn có dấu hiệu ghi cao hơn giá trị giao dịch với mục đích trốn thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).

Kết quả xác minh cho thấy, Công ty Trần Thoàn nhập, xuất linh kiện cho Tập đoàn Asanzo; Asanzo giao Công ty cổ phần Công nghệ thông tin VTB gia công, lắp ráp một phần và trực tiếp gia công, lắp ráp ra thành phẩm các mặt hàng điều hòa nhiệt độ.

Sau đó, Tập đoàn Asanzo xuất bán cho Công ty TNHH Điện lạnh Asanzo nhưng không xuất hóa đơn và để ngoài sổ kế toán khoản thu liên quan đến doanh thu bán hàng cho Công ty TNHH Điện lạnh Asanzo.

Công ty “ma” Trần Thoàn mới là nơi xuất hóa đơn trực tiếp cho Công ty TNHH Điện lạnh Asanzo mặt hàng điều hòa nhiệt độ và Tập đoàn Asanzo không khai thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) cũng như thuế GTGT cho hoạt động này.

Co quan dieu tra se lam ro nhung gi o Asanzo?
Loạt bài điều tra về Asanzo đăng trên Báo Phụ Nữ TP.HCM

Tập đoàn Asanzo là cơ sở sản xuất mặt hàng điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB có dán tem Asanzo và bao bì in nhãn hiệu Asanzo. 

Đây là các sản phẩm hình thành từ quá trình mua linh kiện từ các công ty “ma” như Trần Thoàn, An Thiên, Việt Tài về thuê bên ngoài gia công một phần, phần còn lại tự sản xuất, lắp ráp nhưng không ghi chép trong sổ kế toán. 

Ngày 21/6, Báo Phụ Nữ TP.HCM đăng bài điều tra về các sai phạm của Asanzo với tựa đề Công ty 'ma' nhập hàng Trung Quốc cho thương hiệu Việt 'chất lượng cao', tiếp đó là bài Tập đoàn Asanzo 'nuôi' lãnh đạo các công ty 'ma' và có dấu hiệu trốn thuế, đăng ngày 28/8.

Ngay từ khi vào cuộc điều tra đến nay, Báo Phụ Nữ TP.HCM luôn đi thẳng vào bản chất vấn đề: Asanzo lừa dối khách hàng và trốn thuế.

Việc các cơ quan chức năng khác nhau đồng loạt chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra cho thấy, những điều Báo Phụ Nữ TP.HCM đã phản ánh là hoàn toàn xác đáng.

Asanzo đã sử dụng bất hợp pháp hóa đơn để hạch toán hàng hóa đầu vào là thành phẩm và khai thuế là hoạt động thương mại, không khai thuế TTĐB phải nộp.

Tổng cộng, số tiền thuế kê khai “thiếu”, trốn thuế và chậm nộp (bao gồm thuế GTGT, TNDN, TTĐB và thu nhập cá nhân) được Cục Thuế TP.HCM xác định phải truy thu là hơn 42 tỷ đồng.

Tuy nhiên, con số này chỉ mới căn cứ trên những gì Asanzo đã “tự khai”, bổ sung. Nội dung kết luận thanh tra cũng không bao gồm các hóa đơn đầu vào nhận từ các đơn vị không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký theo thông báo của cơ quan thuế. 

Qua xác minh, cơ quan thuế nhận thấy, doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, nên đã chuyển sang cơ quan công an. Như vậy, thực tế, số thuế trốn còn cao hơn rất nhiều và rất cần phía cơ quan điều tra làm rõ.

Tay phải chuyển tiền cho công ty “ma”, tay trái hốt lại

Các công ty “ma” nhập khẩu hàng hóa, linh kiện điện tử, điện gia dụng, điều hòa nhiệt độ xuất bán cho Tập đoàn Asanzo và các công ty thuộc hệ thống Asanzo, lập hóa đơn có dấu hiệu ghi cao hơn giá trị giao dịch nhằm trốn thuế GTGT và thuế TNDN. 

Điều này thể hiện qua việc sau khi Tập đoàn Asanzo và các công ty thuộc hệ thống chuyển tiền cho các công ty “ma”, tiền được chuyển ngược lại, hoặc chuyển cho các cá nhân là người nhà của lãnh đạo Asanzo và nhân viên. Những người này rút ra với số tiền hơn 500 tỷ đồng.

Tất cả công ty “ma” mà Báo Phụ Nữ TP.HCM đã “điểm danh” trong các bài báo trước đều xuất hiện trong hồ sơ của cơ quan thuế, vừa được chuyển cho cơ quan điều tra đợt này với khẳng định: không hoạt động tại địa chỉ đăng ký và chủ yếu do người lao động của Tập đoàn Asanzo làm đại diện pháp luật. Nghiêm trọng hơn, hầu hết các công ty này đều có vi phạm về thuế.

Đặc biệt, có một người lao động của Asanzo tên Nguyễn Phan Quyết cùng lúc làm đại diện pháp luật cho bốn đơn vị là Công ty TNHH Sản xuất Nhật Nam (tầng 2, tòa nhà 81 Cách Mạng Tháng Tám, phường Bến Thành, quận 1); Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Nam Tiến (lầu 2, Saigonicom Building, 190B Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1); Công ty TNHH Phát triển thương mại Năng Lượng Xanh (2/4 Lê Thúc Hoạch, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú) và Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển sản xuất Á Âu (E1/5C Thới Hòa, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh).

Ngày 15/10, Cục Thuế TP.HCM đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Asanzo về hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm về thuế với mức phạt 26,3 tỷ đồng (gồm hành vi khai sai, không xuất hóa đơn, không nộp thuế TTĐB), đồng thời truy thu thuế số tiền 40,5 tỷ đồng và số tiền chậm nộp thuế 1,6 tỷ đồng.

Do vi phạm có dấu hiệu hình sự nên ngày 16/10, Cục Thuế TP.HCM đã ký Quyết định 3731/QĐ-CT-TT-CHS chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi trốn thuế đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo cho cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM và Bộ Công an. Vì vậy, việc phạt vi phạm hành chính tạm chưa thi hành.

Bên cạnh quyết định của Cục Thuế TP.HCM, trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) xác nhận, đã gửi công văn bàn giao toàn bộ hồ sơ kèm tang vật liên quan đến Tập đoàn Asanzo đến Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an.

Tại cuộc họp giữa Cục Điều tra chống buôn lậu, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (Vụ 3) và C03 ngày 4/10, đại diện các cơ quan đã đi đến kết luận: có căn cứ xác định Asanzo có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp và trốn thuế. Các hành vi này cần được tiếp tục điều tra, làm rõ để xác định đó là vi phạm hành chính hay hình sự. Vì vậy, Cục Điều tra chống buôn lậu đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc đến C03.

Chúng tôi cho rằng, trong quá trình điều tra vi phạm ở Asanzo, cơ quan điều tra cần làm rõ dấu hiệu làm ngơ, bao che của những đơn vị quản lý nhà nước liên quan, bởi sai phạm của Asanzo không phải diễn ra trong một sớm, một chiều. 

Liệu có dấu hiệu muốn hành chính hóa vụ việc?

Về nguyên tắc, một hành vi vi phạm thì không bị xử lý hai lần. Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, trong quá trình thanh kiểm tra để xử phạt vi phạm hành chính, nếu thấy có dấu hiệu tội phạm thì chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để xem xét khởi tố vụ án hình sự. 

Trong trường hợp đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính và trong quá trình thực hiện quyết định đó mà phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì phải đình chỉ việc thực hiện quyết định đó và chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để xem xét khởi tố. Nếu thi hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đó nhưng phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt ra quyết định hủy bỏ quyết định xử phạt đó và chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra. 

Trong vụ này, theo thông tin báo chí đăng tải thì cơ quan thuế đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và truy thu thuế hàng chục tỷ đồng đối với Asanzo nhưng đồng thời lại tiếp tục chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để khởi tố vụ án trốn thuế. Nếu cơ quan thuế chưa có quyết định tạm đình chỉ hay hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Asanzo là vi phạm nguyên tắc “một hành vi vi phạm bị xử lý hai lần”.

Là cơ quan quản lý chuyên ngành và đã thanh kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế của Asanzo, cơ quan thuế phải hiểu rõ hành vi của Asanzo có dấu hiệu tội phạm hay không. 

Nếu có dấu hiệu tội phạm, cơ quan thuế phải chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để khởi tố chứ không phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và truy thu thuế đối với Asanzo rồi sau đó lại chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra. Việc này theo cảm nhận của tôi, có gì đó không bình thường từ cơ quan thuế. 

Phải chăng, từ ban đầu, cơ quan thuế muốn hành chính hóa vụ này?

Luật sư Phùng Thành Sơn (Công ty Thế Giới Luật Pháp, Đoàn Luật sư TP.HCM)

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI