'Có một Thủ tướng ở đó'

21/03/2018 - 07:55

PNO - Dòng người kéo dài đến tận ngã tư An Sương. Rồi trên những vỉa hè chật hẹp trên này, người ta vẫn tranh thủ từng khoảng trống mà đứng đợi. Mảnh vải màu đen buộc vào những lá cờ treo rủ, đồng loạt chịu tang.

LTS: Sinh ra từ đất, bây giờ ông, một ông già Nam bộ chánh hiệu, đã vĩnh viễn về nằm trong vườn xưa của mẹ, toại nguyện giấc mơ của đời người, một giấc mơ giản dị mà minh triết như bản thể muôn đời của đất. Mà cũng vì đất, nên ông đi vào đời, sống, làm việc, hành xử giản dị và thiết tha như đất. Ông về nằm đó, tên mộ sẽ ghi là Ông Phan Văn Khải, như ý nguyện trọn nghĩa tào khang với bà. Tên mộ bia như bao người vô danh khác, nhưng ở đó, hoa không ngừng nở, hoa sinh từ nén nhang nghẹn ngào của người đàn bà bán mai ở Thủ Đức, chỉ gặp ông một lần trong đời; hoa của những đứa học trò nghèo mặc quần cộc tới dâng hương trước linh cữu ông Sáu, vì nhờ ông mà cái chữ không đứt bữa, tấm áo không chắp vá; hoa của những tấm lòng vừa quen vừa lạ, kính cẩn nghiêng mình trước một nhân cách lớn…  

Chỉ đến khi vô tình nối đuôi một chiếc xe dẫn đường của cảnh sát giao thông thành phố, cái “ảo giác được dẫn đường” mới khiến tôi cảm thấy mình đang đến gần nhà một vị Thủ tướng.

Đến gần hơn, những nhóm dân quân tự vệ đứng chốt ở những góc đường trở thành một “tín hiệu đặc biệt” ngay giữa vùng quê bình thường. Những chiếc áo xanh đó trên nền những lá cờ mờ mờ ở hậu cảnh xa xa, ở con đường ngay trước nhà bác Sáu - như một cách hình ảnh hóa cái suy nghĩ đang âm ỉ trong đầu của một công dân bình thường trên hành trình đặc biệt này: “có một vị thủ tướng đã ở đó!”.

'Co mot Thu tuong o do'
Hàng ngàn người dân Củ Chi, Hóc Môn đến viếng bác Sáu Khải


Những người lạ dẫn đường

Ở bảo tàng lưu niệm gia đình đang diễn ra lễ viếng, di chuyển theo hướng ngược lại đến gần hết khuôn viên nhà bác Sáu, tôi nghe các đồng nghiệp nói nhỏ khi đang bảo chạy về nơi diễn ra tang lễ: “Bác Phúc đang đến viếng". Anh nhân viên điện lực khẽ đứng lên nhìn theo, nhưng chừng như phải làm nhiệm vụ, anh vội nhìn sang tôi, hỏi: “Chị cần tìm gì?”. Tôi tần ngần chỉ vào gian phòng ở gần đó. Anh gật, rồi đứng lên mở cửa cho tôi, nói: “Chị quản gia chạy đi mần việc rồi, đây là từ đường của gia đình, chị cứ vô thăm".

Đó là căn phòng rộng, đặt bàn thờ của phu nhân và mẹ của cố thủ tướng hai bên một cái bàn thờ tổ tiên như văn hóa của người Nam bộ. Căn phòng vắng lặng, chỉ có làn khói tỏa ra từ những cây nhang ai vừa mới đốt.

Anh nhân viên mặc bộ đồng phục điện lực vẫn lặng lẽ đứng đó, anh nhắc: “Chị đốt nhang hen?”. Tôi lắc đầu, nhang của người đến trước còn nghi ngút khói. Chừng như không chịu được sự im lặng lạ lùng của căn phòng ở ngay trong khuôn viên đang bận rộn từng đoàn người ra vào này, anh cười ngượng nghịu: “Trong cái từ đường này, làm gì cũng thấy mình mất trật tự hen?”.

Tôi gật đầu với anh, rằng căn phòng tĩnh lặng này trang nghiêm quá. Nhưng cái trang nghiêm đó không tỏa ra từ cái cảm giác linh thiêng thường thấy ở một nơi thờ tự. Sự tĩnh lặng đến thiêng liêng này, tỏa ra từ những vật dụng bình dị được đặt để trong một nơi đặc biệt của một người đặc biệt, bộ bàn gỗ này, bình sứ in tích dân gian này, những cành hoa cúc này - nó như vật dụng trong những gian thờ của mọi người dân Nam bộ.

'Co mot Thu tuong o do'
Gian thờ với những vật dụng bình dị của người dân Nam bộ

Người đàn ông tiếp tục nói trên cái tĩnh lặng: “Tủ quần áo mà để trong từ đường thì chắc của người đã mất". Anh đang đứng trước một chiếc tủ gỗ tối giản, mặt trước lắp kính, để lộ một hàng áo dài treo ngay ngắn bên trong. Chiếc tủ áo của phụ nữ đặt gần bàn thờ của cố phu nhân, lại có một tấm ảnh trắng đen chụp một người phụ nữ trẻ. Người đàn ông đoan chắc những chiếc áo dài kia đã được bác Sáu giữ lại và trân quý nó như một kỷ vật của người vợ quá cố. Khi tôi cũng đến trước hàng áo dài treo cẩn thận đến độ như cách đều nhau đến từng milimet, căn phòng lại rơi vào lặng im.

Ở ngay bên hông dãy nhà có gian từ đường, bầu trời chạng vạng như được khuấy động bởi tiếng kêu chíu chít vừa thoáng nghe. Từ cái ô nhỏ xíu sát mái tôn, hướng nhìn ra sau nhà, bầy chim nhỏ xíu như vừa túa ra. Chỉ sau mấy giây, bầy chim dày đặc, quần thảo khắp một khoảng trời. Những người phụ nữ đang đi trên con đường dẫn về Bảo tàng lưu niệm chợt dừng lại, gọi nhau: “Chim yến bác Sáu nuôi nè!”.

Lúc này tôi vừa hiểu, đàn chim yến kiếm ăn cả ngày trời vừa về tổ. Cái tổ ở ngay bên trong những “ô cửa" nhỏ xíu sát mái nhà đang nhìn ra khoảng trời dày đặc và dồn dập tiếng kêu.

Ở con đường đang nhìn lên góc trời sinh động nhất khu nhà ấy, người ta đã tụm lại thành một nhóm chừng mười người. Người phụ nữ trẻ đi đầu vừa dặn bầy con nít đi sau “nói nhỏ, đi chậm thôi" xong thì quay sang tôi, nói: “Tui ở gần đây, bữa giờ nghe tin bác mất mà bận việc bên chồng nên hôm nay mới qua với bác được".

Tôi nói, tôi mới ở thành phố xuống chiều nay. Chị liền đổi sang cái giọng nhiệt tình và hiểu biết thấy thương của người ở vùng quê Nam bộ: “Thiệt ra thì bà dì của tui là vợ của người cháu bà con xa với bác Sáu đó! Chị có ưng đi coi mộ bác gái thì đi theo tui nè”. Rồi chị… tăng cái “mức độ chỉ huy" trong lời nói của mình lên khi quay ra sau, dặn sắp nhỏ: “Qua mộ thì im khô luôn nha, đừng có giỡn hớt kỳ lắm à!”.

Lúc “dẫn đoàn" rời đi, chị không quên quay lại dặn tôi: “hướng này là nhà thờ", “còn lại chỗ lễ viếng thì đi theo tui, có điều tới mộ thì tui dừng lại, còn chị đi thêm khúc nữa là tới". Chỉ đủ các hướng, chị yên tâm rời đi. Tôi bị xúc động với cái tự nhiên và… tự tin của chị, nên quyết định theo chị quay lại khu mộ.

Tôi gặp lại chú chó đã nằm đó từ chiều. Con chó buồn thiu, nằm ngay bên ngoài lan can ngăn cách với phần huyệt mộ. Bên trong lan can là một ngôi mộ đôi. Một bên là chiếc mộ phủ xanh cỏ của cố phu nhân, một bên là chiếc huyệt đậy nắp bê tông - nơi an nghỉ cuối cùng của thủ tướng. Vẫn như lúc chiều, chú chó như bất động, chỉ có đôi mắt buồn thiu là cho thấy nó vẫn đang thức và tham gia vào không gian này. Những người phụ nữ nói khẽ với nhau: “Con chó của bác Sáu thấy cưng quá hen!”. Không ai bảo ai, bọn trẻ lần lượt “tách đoàn", đến vây quanh con chó.

Có lẽ, trong không gian này, chú chó cỏ màu vàng nâu, lốm đốm đen và buồn thiu nằm đó đã quá thân quen và bình dị để bọn trẻ đủ mạnh dạn mà “tự ý đến gần". Người phụ nữ “trưởng đoàn" cũng không phản đối. Chị nhìn bọn trẻ đang trò chuyện rất khẽ trong bộ quần áo sờn cũ và một vẻ mặt trang nghiêm hết mức có thể, rồi nói nhỏ với tôi: “Bọn này, là “lính” bác Sáu hết đó!”. Chỉ cho tôi một nhịp để bất ngờ, chị giải thích luôn: “Hồi bác về làm Chủ tịch Hội khuyến học xã đó, bọn này được nhờ bác nhiều lắm. Bác kêu gọi xây trường, rồi làm mọi cách giúp tụi nhỏ được đi học. Hôm qua tụi nó qua viếng bác, vô thắp hương đàng hoàng rồi, nay đòi qua tiếp".

“Bác Sáu không biết tên chị đâu!”

Ai cũng có một mối liên hệ nào đó với bác Sáu, để có mặt ở đây. Những người dân chất phác và quê mùa trật tự đi lại khắp khuôn viên, hồn nhiên chỉ nhau “hướng này là nhà thờ", “hướng này là mộ của bác gái”, “hướng kia dẫn ra vườn”.

Dấu hiệu duy nhất để nhận ra người nhà của bác Sáu là những chiếc khăn tang - những người đeo khăn tang từ chối kể chuyện, chỉ lịch sự chào hỏi rồi lặng lẽ làm phần việc của mình trong cơn bối rối của một tang gia.

Có lẽ vì vậy mà suốt những ngày này, báo chí túc trực ở tư gia thủ tướng không hề có một thông tin nào thật riêng tư.

Nhưng chỉ khi đứng giữa khuôn viên này, khi mà cả những quan chức kính cẩn cúi đầu và những người dân bình dị đang hồn nhiên chỉ nhau đi mọi góc vườn nhà, người ta mới thấy, ở đây, dường như không ai dám tự nhận mình “thông thuộc hơn" để mà ngồi xuống, trịnh trọng kể một câu chuyện riêng tư nào đó.

Mọi thứ cứ bình dị, cởi mở và tự nhiên tỏ bày trong từng khoảng không gian, từng con vật không lời, hay từng vật dụng giản dị và lặng im đã được người chăm chút trong mọi ngóc ngách.

Chúng tôi rời khỏi nhà thủ tướng vài phút trước khi ông được di quan về Hội trường Thống Nhất để được tiến hành các nghi thức Quốc tang. Vừa ra khỏi cổng nhà, từng tốp người đã rảo bộ đi ngược về ngôi nhà. Những tốp người có cả người già, thanh niên và con trẻ. Họ bình thản đi tiễn đưa một người láng giềng. Ra đến quốc lộ 22, tôi ngỡ ngàng thấy dày đặc những người và xe như đã dạt vào hai bên đường đâu đó từ lúc chiều, dáo dác nhìn ngược về hướng tôi đi. Đi vài cây số vẫn còn thấy người đứng chờ dày đặc.

Tôi vừa bước xuống xe để hoà vào dòng người đang đón đợi, đã thấy một người phụ nữ lam lũ ngồi trên chiếc xe máy bắt chuyện: “Cưng đi từ dưới lên có thấy đoàn bác Sáu lên chưa?”. Tôi vừa trả lời rằng mình vừa rời đi từ nhà bác, chị hỏi dồn nhiều ý, rồi đến khi bật ra câu hỏi: “Cây cối nhà bác, chắc buộc khăn tang hết hả cưng?”. Tôi gật đầu, rồi chợt thấy mắt chị ngân ngấn nước.

Tôi hỏi, có phải chị cùng quê Củ Chi với bác? Đôi mắt ầng ậc nước lóng lánh dưới ánh vàng của đèn đường, chị kéo khẩu trang xuống cằm, sửa lại cái nón bảo hiểm rồi nói dồn: “Chị sao mà có duyên với bác Sáu quá em ơi!”.

'Co mot Thu tuong o do'
Chị Thu Hà (người ngồi) đi từ Thủ Đức lên Củ Chi để tiễn bác Sáu

Chị quẹt nước mắt mỗi lần bắt đầu đáp lại lời hỏi thăm của tôi: “Hồi tết năm 2003, nhà bác ở đường Tú Xương, chị có giao cho nhà bác một cây mai. Cổng nhà bác nhỏ mà cây mai lại to, nên chị phải đi theo xe với mấy anh khuân vác đặng hướng dẫn họ cách vận chuyển vô sân. Hổng ngờ, xe vừa tới trước cổng, bác đã bước ra. Trước đó chị chỉ thấy bác trên ti vi, dưng mà gặp bác trong vị trí một… khách hàng, chị run lắm.

Mà ngay lúc bác nói “cây mai to quá, làm sao con đưa vô sân được con?”, tự nhiên chị hết run. Chuyển mai là nghề của mình mà. Chị chỉ huy mấy đứa đưa cây mai qua cổng gọn trơn. Bác cứ đi theo, vừa lo vừa khen quá chừng. Đến chừng chị xong việc, bác nói một câu mà chị nhớ hoài “con là phụ nữ mà sao giỏi quá!”.

Mấy chục năm làm nghề chị cũng không nghĩ, mà cũng chẳng ai khen chị vậy đâu, nghề của mình thì mình làm! Vậy mà bác thủ tướng lại khen thiệt tình vậy đó”. Chị nói chị tên Thu Hà, ở Linh Đông, Thủ Đức. Nhưng chị thật thà dặn thêm: “em không cần viết tên chị, vì chị cũng là người dân bình thường, chỉ mới gặp bác một lần”. Lúc tôi đi rồi, chị còn vội vàng với theo: “Mà bác Sáu cũng không biết tên chị đâu!”.

'Co mot Thu tuong o do'
Con chó buồn thiu nằm bên mộ phần chờ chủ

Tôi thấy chị Hà lại sửa chiếc xe máy cho thật sát lề, rồi tiếp tục hòa vào dòng người mà không ai có thể biết hết tên, để chờ đón bác. Chị nói chị là người dân bình thường. Chỉ có điều, chị là người dân đã từ Thủ Đức lên đến Củ Chi, để “thấy mừng" khi thấy người dân đứng chờ bác đông quá mà dừng lại “đứng ké".

Dòng người kéo dài đến tận ngã tư An Sương. Rồi trên những vỉa hè chật hẹp trên này, người ta vẫn tranh thủ từng khoảng trống mà đứng đợi. Và mảnh vải màu đen buộc vào thân cây đã khiến “người phụ nữ giao cây" băn khoăn lúc nãy - tôi lại được gặp trên con đường dẫn về trung tâm thành phố, buộc vào những lá cờ treo rủ, đồng loạt chịu tang.

Minh Trâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI