Cô Lin không hoa hồng

29/04/2019 - 14:00

PNO - Cô Lin- cũng như những đảo chìm, nhà giàn mà chúng tôi ghé thăm - không có hoa hồng, nhưng đã thắm một tình yêu bất tử.

Từ Cô Lin, nhìn qua ống nhòm, sang đảo đá Gạc Ma, tôi ngỡ ngàng khi thấy phía ấy là những công sự, hải đăng, tòa nhà kiên cố, vây quanh là cả chục chiếc tàu, như dàn trận. Một cảm giác bi phẫn, đau xót dội lên trong lồng ngực. Nơi ấy, cũng như Hoàng Sa, là của Việt Nam. Nhưng bây giờ, Gạc Ma chỉ có thể nhìn thấy được từ phía Cô Lin. 

Gạc Ma cách Cô Lin chỉ gần 2 hải lý, nhìn sang, thấy rõ cả màu nước của bãi cạn. Nhìn để mà nhớ, mà khắc tạc vào lòng những hình ảnh, sự kiện đã được biết về ngày 14/3/1988 lịch sử - ngày lá cờ đỏ sao vàng kiên cường trong vòng tròn bất tử, ngày mà thân xác của 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam mãi mãi nằm lại dưới làn nước sâu, hóa thân vào sóng…

Co Lin khong hoa hong
Thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trên đảo Trường Sa

Ca sĩ Thanh Sử đứng trầm ngâm, nhìn mãi về phía đảo Gạc Ma. Anh nói anh đã đến thăm nhiều điểm đảo chìm khác, nhưng Cô Lin là điểm đảo khiến anh vô cùng xúc động. Tàu HQ-505 - con tàu mà hơn 30 năm trước, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ đã cho ủi thẳng lên bãi cạn, làm công sự chống lại kẻ xâm lược, để lá cờ Tổ quốc giương cao, khẳng định chủ quyền uy nghiêm, sừng sững giữa biển trời - không còn nữa. Nhưng hình ảnh một nửa thân tàu bốc cháy và ký ức về ngày 14/3/1988 vẫn mãi mãi khắc tạc vào trong lòng thế hệ sau.

Ca sĩ Minh Thư kể, đêm từ Cô Lin trở về tàu KN 290, các thành viên đội văn nghệ đã ôm nhau khóc vì xúc động. “Ngay từ ngày đầu đặt chân lên đảo Song Tử Tây, chúng tôi đã thấy xúc động trước hình ảnh, cuộc sống của các chiến sĩ. Cảm xúc mỗi ngày một đầy lên, đến đảo Cô Lin thì mọi người đều không kìm được nước mắt. Có lẽ, đây là chuyến hải trình cho tôi nhiều kỷ niệm đáng nhớ, nhiều trải nghiệm quý giá đến vậy. Chúng tôi không còn thấy mệt mỏi gì nữa, chỉ biết cùng nhau dốc sức, biểu diễn hết mình” - ca sĩ Thùy Trinh (Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM) chia sẻ.

Đây là lần đầu Thùy Trinh đến với Trường Sa. Cô bảo, chưa bao giờ cô hát trong những bếp ăn, với micro có thể là chai nước, gõ nhịp vào nắp nồi, với tinh thần hăng say tràn đầy và nhiều yêu thương đến thế. Đội văn nghệ đã mang tiếng hát từ tàu lên các điểm đảo. Các ca sĩ Quốc Đại, Dương Quốc Hưng, Duyên Huyền, Cẩm Loan… đều khan tiếng sau chuyến hải trình. Nhưng với họ, điều nhận lại là ký ức vô giá về hành trình Trường Sa không thể nào quên.

Co Lin khong hoa hong
Hoa giấy, cây đa- quà từ đất liền ra đảo

Nước mắt nhiều người đã rơi xuống trong những buổi thả hoa tưởng niệm những người lính đã hy sinh trên quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam. Những nén tâm hương, hoa cúc trắng và hạc giấy đầy thành kính tưởng niệm các anh, như thể từ sâu thẳm đại dương, có những đôi mắt đang nhìn. Những diễn từ, những bài hát tri ân của người hôm nay đều được biển cả lắng nghe, sóng nước vỗ về. Mọi vết dấu lịch sử vẫn còn đó, những nỗi đau khôn nguôi còn đó và tất cả đều là những minh chứng đanh thép, trường tồn, rằng Trường Sa - Hoàng Sa là của Việt Nam.

Ngày 14/3/2019, một bia tưởng niệm đã được đặt ở ngôi chùa trên đảo Song Tử Tây. Nhà báo Phạm Hoài Nam (báo Sài Gòn Giải Phóng) - người đã vận động kinh phí và trực tiếp đặt hàng bia tưởng niệm tại xưởng chế tác đá ở Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) - cho biết, đảo Phan Vinh cũng đã có bia tưởng niệm, sắp tới sẽ là Sơn Ca và Nam Yết. Như vậy, những ngôi chùa tại các điểm đảo sẽ lần lượt có bia tưởng niệm hương hồn các liệt sĩ hy sinh.

“Các anh đã nằm lại mãi mãi dưới làn nước sâu, thân xác đã hòa lẫn vào cát đá san hô, phải có một nơi để các anh trở về, trú ngụ. Đây cũng là tâm huyết của nhiều người. Khi tôi vận động đủ kinh phí thì vẫn còn có nhiều người muốn đóng góp, để làm bia tưởng niệm” - nhà báo Phạm Hoài Nam chia sẻ.

Co Lin khong hoa hong
Giao lưu văn nghệ trên đảo Sơn Ca

Buổi chiều ở Trường Sa Lớn, chúng tôi bùi ngùi thắp hương lên ngôi mộ mới đắp. Người nằm dưới mộ cũng chưa rõ danh tính, xác trôi dạt vào đảo, được quân và dân vớt lên, chôn cất. Sự sống và cái chết giữa trùng khơi phiêu dạt, biết những linh hồn lênh đênh có tìm về được nơi trú ngụ, nương nhờ…

Cô Lin - cũng như những đảo chìm, nhà giàn mà chúng tôi ghé thăm - không có hoa hồng, nhưng đã thắm một tình yêu bất tử. Đêm cuối hải trình, tôi mơ thấy đôi cánh hạc trắng, trải rộng đến chân trời, bay về phía boong tàu. Tôi tin, biển cả đã chọn bầu trời và giấc mơ để gửi một đáp từ… 

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI