Cô giáo - ca sĩ Đỗ Tuyết Nhi nói về cải cách giáo dục

04/06/2018 - 08:52

PNO - "Sự thú vị và tính kết nối của lớp học vẫn là điều mà giáo viên có thể tự nỗ lực để tạo ra cho mình, cho nghề", cô giáo - ca sĩ Đỗ Tuyết Nhi chia sẻ.

Đầu năm 2018, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới để lấy ý kiến và dự án cũng đã thực nghiệm tại 6 tỉnh,thành trong cả nước từ ngày 23/3 đến 23/4 để đánh giá trước khi thực hiện đại trà.

Tiếp đó, vào cuối tháng Năm vừa qua, Bộ GD-ĐT tiếp tục thể hiện “tham vọng” nâng chất lượng giáo dục với chuẩn giáo viên tiểu học phải đạt trình độ đại học tại Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Tuy nhiên, thực tế sinh động cho thấy vấn đề cốt lõi của giáo dục vẫn chính là sự sáng tạo trong phương pháp truyền đạt của người thầy trong từng giờ học, cho phép kết nối và khơi gợi sự ham học hỏi của trò, như những gì cô giáo Đỗ Ánh Tuyết, Trường tiểu học Chính Nghĩa (Q.5, TP.HCM) đã miệt mài làm trong suốt 16 năm. 

Co giao - ca si Do Tuyet Nhi noi ve cai cach giao duc
 

Trong tinh thần “cải cách phương pháp dạy học”, cô giáo Đỗ Ánh Tuyết (sinh năm 1982, cô cũng là ca sĩ với nghệ danh Đỗ Tuyết Nhi) đã tạo ra những tiết học vô cùng thú vị cho học trò. Đặc biệt, cô đã sáng tác nhiều bài hát được các thầy cô yêu mến như Yêu sao nghề giáo viên, Tết vui chan hòa, Xin chào mùa hè… Mới đây nhất là bài hát A Ă Â, cất lên từ 29 chữ cái tiếng Việt, nhằm đánh thức tình yêu và sự gắn bó với tiếng Việt ở những em nhỏ tiểu học và những người đang học tiếng Việt.

Sáng tạo mỗi ngày để kết nối thầy - trò

* Được biết, cô viết bài hát A Ă Â như một món quà cho những bạn nhỏ đang vỡ lòng học chữ và những người nước ngoài muốn học tiếng Việt. Tại sao lại có một món quà rất mới từ những chất liệu đã rất quen thuộc này, thưa cô?

* Cô giáo - ca sĩ Đỗ Ánh Tuyết: Tôi là giáo viên dạy tiểu học. Ở lớp tôi chủ nhiệm, các em được gia đình đầu tư môn tiếng Anh khá kỹ, thành ra các em có xu hướng giỏi tiếng Anh hơn cả tiếng Việt. Các em lẫn lộn Anh - Việt, lúng túng khi phải diễn tả bằng tiếng mẹ đẻ, rồi phát âm tiếng Anh khi đọc chữ cái trong giờ học tiếng Việt.

Tôi cảm thấy việc nhớ bảng chữ cái tiếng Việt trở nên rất khó với chính những học trò Việt ngày ngày vẫn nghêu ngao bài ABC song bằng tiếng Anh. Và trong những ngày mà học trò liên tục phát âm “i” khi tôi chỉ vào chữ “e” trên bảng 29 chữ cái tiếng Việt, tôi đã quyết tâm thực hiện ca khúc này một cách bài bản để mong lan tỏa một cách nhớ 29 chữ này.

* Hẳn là sau khi bài hát A Ă Â được lan tỏa mạnh mẽ, chúng ta sẽ không còn phải chứng kiến một thế hệ hễ cần nhớ bảng chữ cái thì lại phải... nhẩm bài ABC song để suy ra chữ Việt?

* Cô giáo - ca sĩ Đỗ Ánh Tuyết: Nhưng câu chuyện không chỉ là việc nhớ mặt chữ hay thứ tự chữ cái. Tôi nghĩ, nếu không có những bài hát như A Ă Â thì các giáo viên tiểu học vẫn đang sáng tạo nhiều cách truyền đạt để học sinh dễ nhớ những kiến thức vỡ lòng này. Nhưng còn tình yêu với tiếng Việt? Các em còn quá nhỏ để hiểu ý nghĩa của tiếng mẹ đẻ. Ở độ tuổi ấy, các em chỉ yêu thương một cách tự nhiên và tiếp thu, ghi nhớ những gì trực quan, sinh động.

ABC song trở nên kinh điển vì nó quá dễ hát, quá hữu dụng, người ta hát nhiều rồi thì trở nên gắn bó với nó. Tôi muốn tiếng Việt xuất hiện lần đầu trong tâm trí các em cũng sinh động, gần gũi như thế. Bảng chữ cái vốn là một bài học, nếu được nghêu ngao mỗi ngày với giai điệu dễ thương, bài học đó sẽ dần gắn bó với các em một cách tự nhiên. Chính sự gắn bó đó đã tạo cảm hứng cho tôi thực hiện bài hát này.

Co giao - ca si Do Tuyet Nhi noi ve cai cach giao duc
Bài hát A Ă Â được minh họa sinh động như một buổi học chữ cái

* Dường như có khá nhiều…tham vọng trong một bài hát tưởng giản đơn này?

* Cô giáo - ca sĩ Đỗ Ánh Tuyết: (Cười) Nói “tham vọng” chắc cũng có phần đúng, vì tôi xem đây là dự án “âm nhạc giáo dục” - sáng tác bài hát để thực hiện mục đích giáo dục vốn chắc cũng được coi là… khá tham vọng rồi. Nhưng gọi tham vọng này là một sự “kết hợp” thì sẽ hợp lý hơn. Vì tôi là giáo viên tiểu học, lại có đam mê ca hát. Sau 16 năm theo nghề dạy học, đam mê nọ chợt cất lên từ chính trải nghiệm nghề nghiệp của mình, thì cũng là một sự kết hợp hợp lý mà. 

* Đây quả thực là “ca khúc của một cô giáo”, được trình bày giống như một… giáo án sinh động cho giờ học bảng chữ cái trong chương trình lớp Một. Cô có nhận thấy nó giống như một kiểu sáng tạo hình thức dạy học của một cô giáo “có nghề”?

* Cô giáo - ca sĩ Đỗ Ánh Tuyết: Tôi chủ ý thực hiện MV như một tiết học chữ. Các em có thể xem MV để học chữ, phần nhạc chạy đến đâu, hình ảnh chữ cái hiện ra đến đó. Mọi trật tự trong MV đều thể hiện một thứ tự nào đó trong quy trình giảng dạy của giáo viên. Vậy nên, việc bài hát được đánh giá là “ca khúc của một cô giáo” chắc cũng không phải là… tình cờ.

Vả lại, âm nhạc có sức mạnh đặc biệt trong việc tạo sự kết nối. Âm nhạc không chỉ kết nối giữa người hát với người nghe, mà còn kết nối cả hai phía họ với hình ảnh được hát trong bài. Nếu một bài hát về bảng chữ cái được cất lên, thì chính cô và trò cũng được kết nối và tương tác tốt hơn trong giờ học chữ.

* Có vẻ như sự kết nối là từ khóa khá xuyên suốt trong những sáng tạo giáo dục của cô?

* Cô giáo - ca sĩ Đỗ Ánh Tuyết: Về ngôn từ thì chắc là tôi chỉ tình cờ dùng thôi. Nhưng đúng là mọi sự sáng tạo phương pháp dạy học, cũng nên hướng đến việc tạo kết nối thực sự giữa thầy và trò. Làm sao để giờ học hấp dẫn hơn, học trò tiếp thu tốt hơn. Tất cả đều thuộc về vấn đề kết nối.

* Nhưng người ta vẫn hay tập trung bàn luận về cải cách phương pháp dạy học của giáo viên. Cô có trăn trở về cuộc cải cách căn cốt này không?

* Cô giáo - ca sĩ Đỗ Ánh Tuyết: Dĩ nhiên là có. Nhưng tôi nghĩ cải cách không phải là việc chỉ làm một lần, như kiểu một cuộc cách mạng, là xong. Mà cuộc cải cách lớn nhất chính là từng sự sáng tạo không ngừng nghỉ của giáo viên ở mỗi giờ lên lớp. Ừm… lại quay về chuyện kết nối.

“Khi phương pháp gạo bài đã lỗi thời thì giáo viên phải sáng tạo nhiều cách để học sinh tự nhớ bài ngay trên lớp”. 

Cô giáo Đỗ Ánh Tuyết

Nếu chỉ dạy một cách thông thường theo giáo án cơ bản, thì học sinh vẫn có thể tiếp thu, nhưng cũng sẽ tiếp thu ở mức độ thông thường. Vậy nên, mỗi ngày tôi lại bày một “trò” kết nối với các em. Nhiều khi lớp học bắt đầu bằng một trận cười nghiêng ngả khi tôi nhìn em học sinh lên giải bài tập mà nói giọng… cổ tích: “Công chúa hôm nay có chiếc áo đầm đẹp quá!”. Cả lớp lại cười ồ.

Trong lớp học truyện cổ tích, có khi tôi xưng “trẫm” suốt buổi để các em được làm “quan lại”, “dân chúng”. Có lớp học lại diễn ra như một vở kịch mà chính tôi biên soạn từ bài học, rồi tự đóng nhiều vai - như một cách kể lại chính bài học đó. Khi phương pháp gạo bài đã lỗi thời thì người giáo viên phải sáng tạo nhiều cách để học sinh tự nhớ bài ngay trên lớp. 

Lớp tôi cũng có một vài em chậm phát triển, ngay cả việc nhớ quy tắc “mọi chữ số cộng, trừ với số 0 thì bằng chính nó” cũng rất khó khăn với các em. Vậy nên, tôi thống nhất từ đầu bằng một phép tưởng tượng, rằng số 0 giống như chiếc gương, “nếu con soi vào chiếc gương thì con thấy chính con, vậy thì mọi con số “soi” qua chiếc gương số 0 cũng sẽ vẫn là chính nó”.

Các em rất thích thú với phép tưởng tượng này. Công thức toán học khô khan cũng trở nên gần gũi và dễ nhớ. Tôi nghĩ, đó là những “cải cách” mà người thầy có thể tự làm được mỗi ngày. Và theo cách đó, thì chúng tôi đang cải cách để “kết nối” và tiến lại gần hơn với các em.

Giáo viên có thể tự tạo “môi trường” cho mình

* Làm việc trong một lớp học sinh động như thế mỗi ngày thì hẳn là giáo viên nào cũng có thể bất chợt nghêu ngao bài Yêu sao nghề giáo viên...

* Cô giáo - ca sĩ Đỗ Ánh Tuyết: Tôi viết ca khúc này, rồi làm MV đăng lên kênh YouTube của mình được một thời gian, thì tôi giật mình khi tìm thấy rất nhiều bản cover của các thầy, cô ở các trường từ nông thôn đến thành thị. Vậy thì hẳn là cũng có không ít thầy cô yêu nghề giáo viên.

Tôi nghĩ, tình yêu này được nuôi dưỡng từ sự kết nối trong môi trường giáo dục. Nó đến từ những tương tác nhịp nhàng và đầy thấu hiểu giữa các bên quản lý giáo dục, giáo viên, phụ huynh, học sinh. Bốn chủ thể này như những “cộng sự” trong giáo dục. Nếu một trong số đó thiếu hợp tác, hoặc theo đuổi một điều gì đó nằm ngoài giáo dục, thì cả công cuộc giáo dục đó sẽ thất bại. 

* Nếu đã nỗ lực làm nghề bằng niềm tin đó thì chắc là mọi sự biến thiên trong đánh giá của xã hội về nghề giáo cũng không lay chuyển được tình yêu nghề của cô?

* Cô giáo - ca sĩ Đỗ Ánh Tuyết: Ở góc độ người đứng lớp, mọi tình yêu nghề và sự nỗ lực của tôi đều hướng về những “cộng sự” còn lại, đặc biệt là những “cộng sự nhí” mà tôi tiếp xúc hằng ngày. Thời gian gần đây, tôi biết dư luận và truyền thông đang bàn luận rất nhiều về những tiêu cực trong giáo dục. Những thông tin đó chắc cũng làm mỏi lòng nhiều người từng theo nghề vì chữ “thầy” thiêng liêng.

Nhưng theo tôi, ở một góc độ nào đó, môi trường làm việc là thứ mà tự mình có thể tạo ra. Nếu tôi sáng tạo vì học trò mà vẫn tuân thủ nguyên tắc tôn trọng giáo án, thì sẽ không ai can thiệp vào lớp học của tôi cả. Vậy thì tôi có lớp học thú vị đó như một “môi trường” nhỏ để sáng tạo mà làm việc mỗi ngày.

Tôi có một kỷ niệm nhỏ liên quan đến phụ huynh của một học sinh mắc chứng tự kỷ nhẹ. Vì phụ huynh không chấp nhận con mình có bệnh nên rất nhiều lần đổ lỗi cho giáo viên về những bất thường của bé.

Tôi từng rất sốc khi bị phụ huynh mắng xối xả rằng: “Chỉ có cô bảo mẫu mới quan tâm bé, còn cô giáo thì bỏ rơi bé”. Đến khi phụ huynh ra về, còn lại trong lớp học là một đứa trẻ thu mình, không giao tiếp. Em có thể ngồi dang tay, gác chân lên bàn giữa giờ học hay cáu bẳn vô cớ với bạn mà không nghe giảng bài.

Với trường hợp đó, tôi phải tự mình tìm hiểu và chiến đấu với bệnh tự kỷ mà đến gần em. Biết được nguyên nhân em hành động bốc đồng là do bạn bè cô lập, tôi trò chuyện với học sinh để khuyên các em gần bạn, tạo điều kiện cho bạn tiến bộ. Có những buổi trưa tôi không về nhà mà gọi học sinh sang thư viện, để ôn lại bài học, mà cũng là để có những giao tiếp, khơi mở sự chia sẻ của em.

Có một lần trò chuyện sau đó, tôi thuyết phục được phụ huynh khi kể cho chị nghe về câu chuyện lớp học và đứa trẻ đặc biệt trong cuốn truyện Totto-chan cô bé bên cửa sổ. Tình cờ, vị phụ huynh cũng biết cuốn truyện này. Rồi trong hình ảnh dễ thương của đứa trẻ rất đỗi đặc biệt Totto-chan và lớp học hòa nhập của những đứa trẻ rối loạn phát triển - tôi tìm được sự đồng cảm của phụ huynh.

Cuối cùng thì sự thú vị và tính kết nối của lớp học vẫn là điều mà giáo viên có thể tự nỗ lực để tạo ra cho mình, cho nghề.

* Tình yêu với nghề vẫn không thay đổi, vậy còn mơ ước nào đã khiến một cô gái đã toại nguyện ước mơ giáo viên sau 16 năm trời vẫn liên tục nhả tơ bằng những hoạt động sôi nổi đó?

* Cô giáo - ca sĩ Đỗ Ánh Tuyết: Tôi xem MV vừa mới ra mắt như sản phẩm giáo dục. Tôi và cả ê-kíp thực hiện tỉ mỉ và nghiêm túc như thực hiện một bài dạy học, thú vị và dễ tiếp nhận nhất. Mọi công việc đó, tôi đều làm cho một niềm mơ ước về sự kết nối và tương tác ngày càng sâu sắc hơn trong giáo dục. Tôi đã sáng tác và dạy các em những bài hát khác về bộ vần, về phụ âm đôi...

Các dự án âm nhạc giáo dục này rất khả quan về mặt nội dung. Nhưng tôi mơ ước có một sự kết nối và tương tác từ những cấp quản lý giáo dục, để tiếp sức cho tôi lan tỏa những bài hát ấy ra rộng hơn phạm vi lớp học của mình. Để mọi đứa trẻ đang vỡ lòng học chữ, học toán, đều được tiếp cận một “phép nhớ” gần gũi như thế.

* Cảm ơn cô về những chia sẻ này. 

* Cô có thấy rằng, sự kết nối như đang gãy đổ đôi phần trong môi trường giáo dục, khi mà có quá nhiều sự cố giữa thầy - trò, giáo viên - phụ huynh, lãnh đạo - nhân viên được phơi bày?

* Cô giáo - ca sĩ Đỗ Ánh Tuyết: Tôi khá buồn vì ngày càng xuất hiện nhiều bình luận tiêu cực về ngành giáo dục. Nhưng xét về thực trạng thì khó nói lắm, vì mọi diễn biến trong giáo dục đều thuộc về mối quan hệ giữa người với người, người nghe chỉ cần khác nhau một góc nhìn là đã khác như đen với trắng, khó minh định hết được. Có một điều mà tôi quan sát được trong nghề, là càng lúc, người ta càng ít kết nối với nhau. 

Ở khắp nơi đều có khoảng cách, rồi giáo viên không hiểu phụ huynh, phụ huynh cũng không hiểu giáo viên. Học sinh cũng vậy. Rồi lại cùng nhau… đoán mò và suy diễn, rồi hiểu lầm dắt dây, đưa đến những câu chuyện bi kịch. Trong khi, chỉ cần chủ động tạo kết nối, mọi thứ sẽ khác hẳn. 

Minh Trâm (thực hiện)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI